Friday, April 26, 2024

Hàng ngàn gia đình ở Gia Lai phải dùng nước máy bẩn, hôi tanh

GIA LAI, Việt Nam (NV) – Gần một năm nay, hàng ngàn gia đình cư dân ở huyện Krông Pa,  phải dùng nước sinh hoạt hàng ngày trong tình trạng bị ô nhiễm nặng, có màu đục đỏ như nước máu, hôi tanh, nổi váng bầy nhầy.

Dưới áp lực của báo chí và dư luận, ngày 27 Tháng Sáu, Ủy Ban huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, cho biết đã yêu cầu trạm nước sinh hoạt huyện giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của gần 3,800 hộ dân tại thị trấn Phú Túc và xã Chư Gu của huyện này.

Nói với báo Người Lao Động, người dân cho biết, từ giữa năm 2017, nguồn nước sinh hoạt do trạm cấp nước sinh hoạt huyện bị ô nhiễm, nước khi xả ra có màu đục đỏ như nước máu, đưa lên mũi ngửi thì có mùi tanh, có váng màu vàng bầy nhầy rất khó chịu.

Sau một thời gian thì nước đóng thành những cục cặn có mùi tanh hôi. (Hình: Người Lao Động)

Để có nước sinh hoạt, người dân phải tìm mọi cách từ lấy vải màn lọc nước, xây dựng bể lọc nhưng nước lọc xong cũng chỉ có thể dùng để tắm giặt, còn nước nấu ăn phải mua từng bình về sử dụng.

Ông Vũ Xuân Nam, ở thị trấn Phú Túc, cho biết đã phải bỏ tiền làm các bể lọc, tuy nhiên khi lấy tắm giặt thì da bị ngứa, nổi mẩn đỏ. Khổ nhất là những đứa cháu khi tắm xong đêm ngủ ngứa ngáy, khó chịu. “Biết là bị như vậy, nhưng không còn cách nào khác chúng tôi buộc phải sử dụng,” ông Nam bất bình nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hiền, ở xã Phú Cần tỏ thái độ tức giận khi phải dùng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nhưng vẫn phải đóng tiền nước. Vừa xả nước từ vòi ra xô bà Hiền vừa nói: “Đấy! nước đỏ lừ lừ như nước máu thế này, tôi phải lấy vải màn lọc nước nhưng vẫn phải trả 6,000 đồng cho mỗi khối nước bẩn này, chưa kể mỗi tháng còn tốn mấy trăm ngàn tiền mua nước bình để sử dụng.”

Giải thích về tình trạng trên, theo trạm cấp nước sinh hoạt huyện Krông Pa, nguyên nhân nước có mùi tanh, màu đục đỏ có nhiều cặn lơ lửng là “do khoảng thời gian chuyển giao từ mùa mưa với mùa khô hàng năm, hàm lượng một số chất như sắt, mangan,… và vi chất trong nước đầu nguồn tăng đột biến.”

Tuy nhiên, công nghệ của trạm cấp nước hiện tại không khử được sắt và mangan trong nước, mặc dù đã mời nhiều đơn vị, chuyên gia tìm cách giải quyết nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng trên. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT