Wednesday, April 24, 2024

Hầu hết gia đình muốn đưa thi hài 39 nạn nhân ở Anh về nước

NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Hầu hết các gia đình có con em thiệt mạng trong thùng hàng xe tải ở Anh Quốc một tháng trước, mong muốn được đưa thi hài của thân nhân về nước để an táng thay vì nhận tro cốt.

Tờ Thanh Niên thuật lời ông Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Bùi Thanh Sơn bên lề một cuộc họp Quốc Hội mà ông ta cũng là một “đại biểu” cho hay như trên. Dịp này, ông cũng cho biết hiện hai phía Anh Quốc và Việt Nam đang tiến hành những thủ tục pháp lý cuối cùng để đưa 39 thi thể nạn nhân về nước.

Khi được hỏi tại sao việc đưa tro cốt hay thi hài về nước kéo dài quá lâu, ông Bùi Thanh Sơn cho biết còn phải có sự chấp thuận của thẩm phán Anh, vì muốn di dời thi thể nạn nhân phải có thủ tục chấp thuận của thẩm phán.

Theo quy định của luật pháp Anh, chỉ có thẩm phán mới có quyền đưa ra kết luận nạn nhân đã tử vong. Ông Sơn được thuật lời là “phía Việt Nam đã sẵn sàng và phía Anh cũng phối hợp rất chặt chẽ để ‘thống nhất các thủ tục kỹ thuật’, khớp với nhau lần cuối trước khi chuyển các nạn nhân về nước.”

Ngày 23 Tháng Mười, 2019, Mo Robinson, 25 tuổi, tài xế xe tải mở cửa thùng hàng đông lạnh tại một bãi đậu trong quận Essex thì thấy 39 người trong đó đã chết. Anh ta gọi cho cảnh sát và tin tức loan truyền nhanh chóng gây rúng động dư luận thế giới. Ban đầu người ta phỏng đoán đó là người Trung Quốc nhưng một số người ở Việt Nam xuất hiện, đặc biệt thân nhân cô Phạm Thị Trà My, công bố đoạn tin nhắn qua điện thoại nói cô sắp chết vì không thở được trên đường nhập lậu vào nước Anh.

Tin tức từ cuộc điều tra của chính phủ Anh, các lời tiết lộ và sự cung cấp tài liệu nhân thân, DNA của thân nhân các nạn nhân giúp cảnh sát Anh Quốc xác định được tất cả đều là người Việt Nam, trong đó gồm 31 người đàn ông, 8 phụ nữ. Họ đã phải trả những số tiền rất lớn có thể lên hơn $40,000 để vào nước Anh với hy vọng có cơ hội kiếm nhiều tiền giúp gia đình.

Ban đầu, nhà cầm quyền CSVN đưa các mẫu đơn thúc giục họ nhận tro cốt nhưng sau đó, phần lớn các gia đình đã đổi ý, chỉ muốn nhận thi hài để làm tang lễ theo nghi thức truyền thống. Nhà cầm quyền thông báo đến cho họ biết họ phải tự gánh hết phí tổn khoảng 2,208 bảng Anh (hơn 66.2 triệu đồng) và chi phí đưa tro cốt về khoảng 1,370 bảng Anh (tương đương 41.1 triệu đồng). Nếu không có sẵn tiền, nhà nước sẽ ứng ra rồi gia đình những người xấu số phải trả lại sau khi làm tang lễ một tháng.

Vẫn theo tờ Thanh Niên, “Trước thông tin về việc 2 bên đã có lịch đưa về, dự trù trong tuần này sẽ có 2 đợt, ông Bùi Thanh Sơn cho biết ‘hai bên còn đang bàn với nhau’, đưa về trong mấy chuyến cũng còn phụ thuộc vào sự phối hợp và chấp thuận của hai bên.”

Như những tin tức mấy ngày qua, phần lớn gia đình các nạn nhân đã phải vay mượn, cầm cố nhà cửa để có tiền trả cho những nhóm đưa người vào lậu Anh Quốc, nay họ đang vướng nợ nần vẫn chưa biết lấy đâu ra tiền để trả, lại còn phải gánh nợ đưa thi hài hay tro cốt con em về.

Cũng trong ngày Thứ Hai 25 Tháng Mười Một, 2019, một bản tin khác của tờ Thanh Niên cho hay, “Hiện đã có 33 gia đình có người thân tử vong ở Anh bày tỏ nguyện vọng được bà Đỗ Thị Kim Liên hỗ trợ chi phí để đưa thi thể người thân về nước và đã được bà Liên hỗ trợ. Đại diện của bà Liên cũng cho biết, những gia đình còn lại nếu mong muốn được hỗ trợ chi phí, cũng sẽ được đáp ứng.”

Theo bản tin vừa kể thuật lời ông Nguyễn Thọ Hạnh (ngụ xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An; anh ruột nạn nhân Nguyễn Thọ Tuân chết trong container ở Anh), cho biết: “Người đại diện của bà Đỗ Thị Kim Liên, đã đến nhà anh Tuân ở xã Nam Thành, trao cho gia đình 66.24 triệu đồng hỗ trợ để đưa thi thể anh Tuân về nước. Đây là mức phí đưa thi thể nạn nhân từ Anh về nước mà Bộ Ngoại Giao đã thông báo ngày 14 Tháng Mười Một.”

Đồng thời, “Lãnh đạo một số xã ở huyện Yên Thành cũng xác nhận, 6 gia đình ở huyện này có người tử vong tại Anh đã được người đại diện của bà Đỗ Thị Kim Liên đến nhà trao tiền hỗ trợ, mỗi gia đình 66.240 triệu đồng, để đưa thi thể người thân về quê.”

Bà Đỗ Thị Kim Liên, được cộng đồng mạng gọi là “Shark Liên,” chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Nước Mặt Sông Đuống. Công ty này hiện xây dựng dở dang nhà máy lọc nước để cung cấp nước máy cho thành phố Hà Nội, đang bị dư luận rủa sả vì dự trù tăng giá “nước sạch” gấp đôi.

Tuần trước, thấy có tin tổ chức từ thiện “Quỹ Thiện Tâm” tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giúp 620 triệu đồng, trong đó “ủng hộ cho mỗi gia đình có nạn nhân ở Nghệ An và Hà Tĩnh 20 triệu đồng.” Một nhóm người vận động qua trang gây quỹ trên mạng Gofundme đã kêu gọi được hơn $15,000.

Trong khi đó, tại Anh Quốc, tài xế Mo Robinson nhìn nhận tại tòa án là anh ta đã thông đồng với một số người khác để đưa người nước ngoài nhập lậu vào nước Anh từ ngày 1 Tháng Năm, 2018 đến 24 Tháng Mười, 2019.

Anh ta bị cáo buộc nằm trong một hệ thống đường dây vận chuyển người nhập lậu để lấy tiền công. (TN)

MỚI CẬP NHẬT