Tuesday, April 23, 2024

HRW kêu gọi thả tù nhân lương tâm trước đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam

BRUXELS (NV) – Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho Mẹ Nấm và tất cả các tù nhân lương tâm trước ngày đối thoại nhân quyền với Liên Hiệp Âu Châu (EU).

Ba ngày trước phiên tòa phúc thẩm blogger Mẹ Nấm, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) gửi một bản tường trình đến tổ chức Liên Hiệp Châu Âu (EU) trình bày thực trạng nhân quyền tại Việt Nam và kêu gọi EU tạo sức ép để Hà Nội trả tự do cho hơn một trăm tù nhân lương tâm đang bị giam cầm tại nhiều nơi ở Việt Nam.

Cuộc đối thoại nhân quyền sắp tới giữa EU và Việt Nam, dự trù sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào Tháng Mười Hai năm 2017. Ngày 16 Tháng Mười Hai 2017, một nhóm các nhà hoạt động của Việt Nam ở Hà Nội vừa đi gặp một số thành viên của đoàn ngoại giao EU trước khi có cuộc đối thoại đối thoại thường niên giữa hai bên.

Nhà báo độc lập Blogger Phạm Đoan Trang, ông Nguyễn Quang A, Nguyễn Chí Tuyến và bà Bùi Thị Minh Hằng đến trao đổi hôm 16 Tháng Mười Một về các vấn đề nhân quyền nổi cộm ở Việt Nam. Khi ra về những người này đã bị công an bắt cóc giữa đường lôi về đồn để thẩm vấn. Riêng blogger Phạm Đoan Trang bị thẩm vấn và giữ đến đêm khuya cùng ngày mới thả.

“Tình hình nhân quyền Việt Nam xấu đi đáng kể trong năm 2017. Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp tục độc chiếm quyền lực và trừng phạt những người dám thách thức vị trí của mình. Tất cả các quyền chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do chính kiến, lập hội, nhóm họp và đi lại đều bị hạn chế. Các nhóm tôn giáo chỉ được hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền. Nhà cầm quyền dùng nhiều cách để cản trở các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền, kể cả sách nhiễu tâm lý và cơ thể, theo dõi, quản chế trái pháp luật, ngăn cấm đi ra nước ngoài một cách tùy tiện, gây sức ép với nơi làm việc, chủ nhà hay người thân của các nhà hoạt động.”

Một số trong hơn 100 tù nhân lương tâm mà Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền thúc hối nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do. (Hình: HRW)

Bản tường trình của HRW gửi tổ chức EU viết như vậy về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam và viết tiếp rằng: “Công an thường buộc các nhà vận động nhân quyền phải chịu những cuộc thẩm vấn kéo dài, đầy tính dọa dẫm. Nhà cầm quyền tùy tiện giam giữ biệt lập những người lên tiếng phê bình trong thời gian dài mà không cho tiếp xúc với luật sư hay gia đình thăm gặp. Nhiều người đã bị kết các bản án nhiều năm tù theo các tội danh an ninh quốc gia mơ hồ hoặc các điều luật hà khắc khác. Công an thường xuyên tra tấn các nghi can để ép nhận tội và đôi lúc sử dụng vũ lực quá mức để đối phó với các cuộc biểu tình đông người.”

Bản tường trình nêu ra danh sách hơn 100 tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù CSVN. Riêng trong năm 2017, chế độ Hà Nội đã bắt giam hơn 20 người, một số người đã bị kết án tù nặng nề như Mẹ Nấm, Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Hóa. Một số khác chưa biết bao giờ có án. Tất cả đều bị vu cho các tội danh rất mơ hồ như “Tuyên truyền chống nhà nước…,” “Âm muu lật đổ…” hay “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” dù Hiến Pháp của chế độ công nhận có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do hội họp, nghiệp đoàn…

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới, kể cả Ủy Ban Nhân Quyền LHQ đã nhiều lần lên án chế độ Hà Nội làm ngược lại các cam kết quốc tế về nhân quyền. Tất cả các áp lực đều bị nhà cầm quyền gác bỏ ngoài tai.

Bản tường trình của HRW gửi EU cũng dẫn chứng tình trạng đàn áp quyền tự do ngôn luận, lập hội, nhóm họp và đi lại, quyền tự do tôn giáo, hành đạo, qua nhiều vụ việc cụ thể. HRW cũng không quên nhắc nhở EU về tệ trạng công an bạo hành dẫn đến chết người oan uổng tại Việt Nam.

“Trên khắp các vùng miền, công an Việt Nam đã và đang bạo hành những người bị giam giữ, dẫn đến cái chết ở một số trường hợp. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân tử vong chỉ bị câu lưu vì những lỗi nhỏ. Một số người sống sót cho biết họ bị đánh đập để buộc nhận tội, đôi khi về những tội họ đã tuyên bố không hề thực hiện. Dù chính quyền có cam kết sẽ cải thiện tình trạng này sau khi Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền công bố phúc trình về nạn công an bạo hành, dường như những cán bộ công an đã gây ra những sai phạm nghiêm trọng, thậm chí chết người, rất ít khi phải chịu những hậu quả tương xứng theo luật định,” bản tường trình của HRW viết. (TN)

Mời độc giả xem phóng sự Việt Nam “Những bông hoa chỉ nở từ đất sét”

MỚI CẬP NHẬT