Monday, April 15, 2024

Huế quyết làm ‘đường đi bộ lát gỗ lim’ trên sông Hương

THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Mặc kệ nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia và người dân, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn quyết làm tuyến đường đi bộ lát gỗ lim trên sông Hương, với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Theo báo Lao Động, để làm tuyến đường đi bộ dài 380 mét, phía trên được lát sàn bằng gỗ lim rộng 4 mét với khoảng 3,518 mét vuông gỗ lim này, lực lượng thi công phải đóng cọc bê tông xuống sông Hương sau đó đổ dầm bê tông. Nhiều sà lan nhỏ và nhiều thiết bị được đưa đến công trường nằm kế bên cầu Trường Tiền.

Dự án công trình có tổng kinh phí đầu tư 64 tỷ đồng (hơn $2.8 triệu), trong đó chi phí xây dựng là hơn 53 tỷ đồng, còn lại là kinh phí dự phòng.

Nói với báo VNExpress, ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Huế, cho biết: “Đây là tuyến đường bê tông hóa, phía trên lót sàn bằng gỗ lim, có hệ thống lan can bảo vệ. Mục tiêu của dự án nhằm kết nối giao thông xuyên suốt từ đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến công viên Lý Tự Trọng, tạo điểm nhấn nhìn sang bờ Bắc sông Hương, qua đó tạo sức hút đối với du khách đến Huế.”

Tuy nhiên, điều đáng nói từ khi còn là chủ trương cho đến khi được triển khai, dự án “khác người” này đã khiến nhiều chuyên gia và người dân lo ngại về tính bền vững. Theo đó, các ý kiến phản đối đều chú trọng vào việc lát gỗ lim liệu lâu bền hay gỗ sẽ nhanh hỏng và gây lãng phí lớn.

Bởi vì, ngoài đặc thù mưa nắng khắc nghiệt, thành phố Huế còn thường hay bị lũ lụt, điều này sẽ khiến gỗ lim rất nhanh bị oải mục. Trong khi đó, chi phí thay thế, sửa chữa rất cao,với đơn giá gỗ lim hiện đã 12 triệu đồng (hơn $527)/mét vuông. Nhiều chuyên gia đề nghị, nên lát mặt đường bằng đá giả gỗ đang thịnh hành vì chúng có tuổi thọ cao, chi phí rất rẻ, dễ vệ sinh.

Chưa hết, đường đi bộ trên sông lát gỗ này được chính quyền hô hào là “thân thiện với môi trường,” thế nhưng để hoàn thành nó thì… môi trường bị tàn phá cũng không ít do cần một lượng gỗ rất lớn.

“Đường đi bộ lát gỗ lim” trên sông Hương chỉ là một trong những công trình nhỏ. Hai năm trước, tỉnh Thừa Thiên-Huế và Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nam Hàn đã tổ chức hội thảo “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương – nhiệm vụ và giải pháp.” Theo đó, hai bên bờ sông Hương sẽ được quy hoạch tổng cộng gần 840 hécta, với chiều dài 15 cây số, từ làng cổ Bao Vinh đến đồi Vọng Cảnh, bao gồm cả cồn Hến và cồn Dã Viên để lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa và chuyên gia.

Tại đây, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Huế lo ngại các công trình mới sẽ phá vỡ không gian xanh hai bên bờ sông Hương. (Tr.N)

Eximbank phủi trách nhiệm vụ cấp dưới rút hơn chục triệu đô của khách hàng

MỚI CẬP NHẬT