Monday, April 15, 2024

Khi “TP.HCM” cho dân sống bằng khẩu hiệu!

Nguyễn An Nam/Người Việt

Các lãnh đạo TP.HCM (bài này không gọi là Sài Gòn) tự ý khoác lên thành phố này quá trời trang sức là những khẩu hiệu, nhưng liệu họ có thay đổi được gì về phẩm chất đời sống của cư dân?

Kẹt xe ngày càng gia tăng trên nhiều trục đường khiến việc giao thông, sinh kế của người dân khó khăn, ngập nước khiến nhiều nơi trong thành phố “thất thủ,” môi trường sống xuống cấp, phân biệt giàu nghèo trong xã hội ngày càng cao, di sản văn hóa bị coi rẻ trước những dự án đầu tư hãnh tiến có quyền lực bảo kê, tệ nạn và tội phạm trong xã hội vẫn trầm trọng… đó là những vấn đề hằng ngày diễn ra trong đời sống TP.HCM, có thể kiểm chứng trên các trang tin, mặt báo chính thức lẫn không chính thức.

Trong lúc đó, có quá nhiều khẩu hiệu liên tục được các lãnh đạo thành phố này tung ra trong các cuộc hội họp, các bài phát biểu, các dự thảo và đề án “thí điểm.”

Cụ thể, chiều 24 Tháng Mười Một, 2017, Quốc Hội Việt Nam thông qua dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Nhiều người cho rằng, đây là một “cú hích” cho sự phát triển của thành phố này. Từ cái cơ chế đặc thù này, Hội Đồng Nhân Dân thành phố này sẽ có thể ra quyết định quan trọng về đất đai, thuế phí, phê duyệt dự án đầu tư theo khoanh vùng thẩm quyền quản lý, cải cách tiền lương… nêu ra trong dự thảo sẽ gia tăng tính chủ động của chính quyền thành phố trong quản lý đô thị.

Sau đó vài ngày, bản đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh” cũng được thông qua. Với người dân, thì có gì lạ đâu, trước đây cũng từng có hô hào xây dựng TP.HCM thành “thành phố nghĩa tình”! Và ai cũng hiểu, nếu có thêm một khẩu hiệu hay đề án nữa thì thực tế lam lũ thường nhật của họ cũng không thay đổi gì.

Bởi nhìn chung, giữa các khẩu hiệu và thực tế đang là một sự tương phản.

Chẳng hạn, trong khi TP.HCM đang xây dựng “thành phố thân thiện với trẻ em” thì hằng ngày nhan nhãn trên các báo những tin tức rợn người được phát tán đi, mà trẻ em là trung tâm.

Mới nhất có thể kể, trẻ em ở một trường mầm mon quận 12 bị bảo mẫu dùng can nện vào đầu, dùng thanh gỗ phóng vào mặt, bị đánh đập đày đọa và dùng dao phay để… giáo dục; cùng lúc đó, một bé trai ở quận 11 bị bảo vệ tổ dân phố cắt cổ khi đang đi mua bánh, thông tin ban đầu đưa ra là anh bảo vệ tổ dân phố bị… tâm thần!?

Hay trong khi hô hào về “thí điểm đô thị thông minh” thì người dân vẫn bằng “trí khôn” của mình để hằng ngày luồn lách qua những đám kẹt xe, chống chọi với nước lụt triều cường, rồi cũng bằng trí khôn thích ứng với hoàn cảnh, biết cách luồn lách qua những tiêu cực trong cơ chế quản lý ở địa phương để được việc.

Và rồi cuối cùng, thân thiện, nghĩa tình chỉ là một hình thức khẩu hiệu suông dù cho được gắn mác là dự án, đề án,… khi mà người nghèo và các nhóm yếu thế trong xã hội đô thị vẫn chưa được đối xử, bảo vệ, tạo điều kiện phát triển một cách bình đẳng.

“Thông minh” là thứ trên môi miệng lãnh đạo, chứ chưa đi vào trong quản trị đô thị, thế nên không đủ sức để kiến tạo niềm tin trong dân.

Chẳng hạn như cái gọi là “cơ chế chính sách đặc thù” được trình bày như một thành tích lớn lao, một cuộc cách mạng trong phương pháp quản trị thực tế là đưa quyền quyết định từ trung ương về thành phố trong một vài phương diện.

Nhưng điều này cũng không lấy gì làm đảm bảo tình trạng minh bạch được cải thiện khi mà cứ nhìn các dự án được cấp phép đầu tư bất hợp lý đối với môi trường và di sản, đa số là quyết định được đề nghị từ chính thành phố và trung ương phê duyệt. Sự tự quyết trong chế độ lương bổng, đất đai, thuế phí… đang là thứ được quan tâm nhiều nhất trong bản dự thảo thí điểm cơ chế quản lý hành chính này.

Những tín hiệu sáng sủa trong quản trị đô thị thì chưa thấy đâu trong khi khẩu hiệu “rất kêu” liên tục được ném ra, với một đường lùi đã được đính kèm: “thí điểm.”

Sau đó là báo cáo, tổng kết, rút kinh nghiệm… tất cả đều được xây trên tiền thuế của người dân. (Nguyễn An Nam)

Khánh Hòa lúng túng vụ xử giết 9,000 rùa biển

MỚI CẬP NHẬT