Tuesday, April 23, 2024

Thực tế phũ phàng tại Việt Nam: ‘Phải bôi trơn mới được yên thân’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Không doanh nghiệp nào muốn bôi trơn nhưng không bôi thì không trơn,” bài bình luận trên tờ Lao Động nói về tham nhũng kinh niên tại Việt Nam.

“Doanh nghiệp chịu nhiều hoạnh họe, gây khó, nhũng nhiễu, phải bôi trơn mới mong yên thân – đó là một thực tế xã hội ai cũng biết nhưng không ai tránh được và cũng không dẹp được,” tờ Lao Động ngày Chủ Nhật, 28 Tháng Năm, nói về thực tế phũ phàng chống tham nhũng tại Việt Nam.

Quan chức cấp cao gồm cả hai ông bộ trưởng bị bắt trong vụ ăn hối lộ của công ty Việt Á. (Hình: Soha)

Vấn nạn “bôi trơn” mà giới kinh doanh tại Việt Nam, cả các xí nghiệp lớn nhỏ trong nước cũng như các xí nghiệp ngoại quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam, kêu rên hàng chục năm qua. Tiền phải hối lộ cho các quan ở các cấp tạo thêm khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp. Họ cáo buộc mỗi khi có các cuộc đối thoại giữa nhà nước với giới kinh doanh.

Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng lập đi lập lại rất nhiều lần, và được các quan chóp bu của chế độ rập khuôn hô hào “Chống tham những không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.” Nhưng khẩu hiệu tuyên truyền và thực tế vẫn diễn ra “dưới gầm bàn” không song hành với nhau.

Tờ Lao Động viết bài bình luận kể trên nhân dịp một số báo đưa tin nhà cầm quyền tỉnh Bắc Giang thúc giục giới doanh nghiệp không “bôi trơn” cho cán bộ công chức để được hưởng những lợi ích “ngoài quy định của pháp luật.” Tỉnh này mới được chấm điểm cao nhất nước cho năm 2022 về chỉ số “Chi phí không chính thức” trên cả nước.

Chi phí “bôi trơn” hay gọi một cách lịch sự là “chi phí không chính thức” là tiền hối lộ mà các doanh nghiệp và người dân thường khi cần dịch vụ công phải cống nạp cho các quan. Chuyện nhỏ từ thị thực chữ ký đến chuyện lớn như cấp giấy phép cho một dự án, tham gia một vụ đấu thầu, xưa nay, người ta kêu ca về cái phí “bôi trơn” đó từ năm này sang năm khác.

“Muốn cho hồ sơ dự án được ‘chạy’ thì doanh nghiệp phải ‘bôi trơn.’ Tùy theo dự án lớn nhỏ để ‘bôi’ cho đúng liều lượng thì động cơ mới ‘trơn’ được,” bài viết kể trên của tờ Lao Động nói.

Hôm Thứ Hai, 29 Tháng Năm, nhiều báo đưa tin ba cơ quan gồm: Tuyên Giáo, Sở Thông Tin và Truyền Thông, và đại diện Văn Phòng Tỉnh Cà Mau đã họp báo thuật lời ông S., phó chủ tịch huyện Phú Tân, chối không mặc cả, vòi nhà thầu hối lộ 30% mới cho trúng thầu, như một audio clip phổ biến trên Facebook.

Ông S. không xuất hiện trong cuộc họp báo để phủ nhận mà để các quan chức khác thay mặt, khiến người ta nghi ngờ ông không dám để người ta so sánh giọng nói thật của ông ta với giọng nói trong clip âm thanh được một số báo đính kèm.

Báo cáo của Bộ Công An nói hiện đã có 107 người đã bị khởi tố trong vụ ăn hối lộ 800 tỷ đồng của công ty Việt Á bán kít xét nghiệm COVID-19 và 54 người bị đề nghị truy tố về vụ các “chuyến bay giải cứu” đưa công dân về nước tránh dịch các năm 2020 và 2021.

Số quan chức cấp cao gồm cả bộ trưởng, thứ trưởng của nhiều bộ ngành hợp tác với nhau, làm thành một mạng lưới tham nhũng ngang dọc, phơi bày sự mục ruỗng của guồng máy công quyền tại Việt Nam hết sức nghiêm trọng. Muốn được việc thì phải “bôi” vì không “bôi” sẽ không “trơn.”

Vụ án đấu thầu xây dựng bệnh viện ở Đồng Nai đưa các quan đầu tỉnh này vào tù. Từ đây người ta thấy thêm nhiều vụ đấu thầu ở các tỉnh khác đều có bàn tay của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn “bôi trơn,” gồm cả tỉnh Quảng Ninh, nơi ông Thủ Tướng Phạm Minh Chính còn làm bí thư Tỉnh Ủy.

Bốn quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao CSVN gồm cả thứ trưởng bị bắt vì ăn hối lộ “chuyến bay giải cứu”. (Hình: Thanh Niên)

Ngày 3 Tháng Hai, ông Thủ Tướng Phạm Minh Chính kêu “22/63 địa phương để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí – tiền bôi trơn,” theo tường thuật cuộc họp về cải cách hành chính được đăng tải trên trang mạng của nhà cầm quyền trung ương.

Đầu Tháng Mười Một, 2022, Liên Đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Tổng Cục Hải Quan công bố cuộc khảo sát về mức độ hài lòng của giới doanh nghiệp. Trong đó nói rằng 59% doanh nghiệp “không phải trả các chi phí ngoài” qua cuộc khảo sát 2,800 doanh nghiệp. Sự thật có đúng như vậy về tình trạng phí “bôi trơn” hay vẫn chỉ là con số để tuyên truyền, không kiểm chứng được.

Nay nạn “bôi trơn” vẫn còn nguyên đó, khắp nơi, như một con ma khi ẩn khi hiện mà tờ Lao Động nói rằng “trên thực tế, không làm không được.” (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT