Friday, March 29, 2024

Luật sư bị cản trở tại phiên tòa phúc thẩm vụ Đồng Tâm

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các luật sư biện hộ cho các con và cháu ông Lê Đình Kình bị chủ tọa phiên phúc thẩm vụ án Đồng Tâm giới hạn quyền hành nghề trái với quy định trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự của CSVN.

Phiên tòa phúc thẩm diễn ra sáng hôm Thứ Hai, 8 Tháng Ba, xử sáu người kháng án trong vụ đàn áp cưỡng chế cướp đất dẫn đến cái chết của ba sĩ quan Công An CSVN tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, đầu năm ngoái.

Anh em ông Lê Đình Công và các người kháng án ra tòa phúc thẩm ở Hà Nội ngày 8 Tháng Ba, 2021. (Hình: Dân Trí)

Dân địa phương nhất định không giao “cánh đồng Sênh” mà họ canh tác suốt bao nhiêu năm, có chứng từ địa bạ đầy đủ trong khi phía nhà cầm quyền CSVN thì phủ nhận, nói đó là đất của “quân đội.”

Mọi người chắc vẫn chưa quên vụ đàn áp đẫm máu sáng sớm ngày 9 Tháng Giêng, 2020, gây rúng động dư luận trong ngoài nước. Cả trung đoàn cảnh sát cơ động võ trang đầy đủ đã tấn công vào xã Đồng Tâm, bắn chết ông Lê Đình Kình và bắn bị thương một số người. Đồng thời ba viên công an, gồm hai sĩ quan cảnh sát cơ động và một sĩ quan chỉ huy chữa cháy, đã chết cháy dưới một cái hố (giếng trời) trong nhà ông Lê Đình Kình.

Hàng ngàn lời lên án một chế độ bất nhân, vì muốn cướp đất của dân nên bất chấp luật lệ, chứng cớ pháp lý, quyền lợi hợp pháp của họ, không khác bao nhiêu những vụ đàn áp cưỡng chế tập thể từng xảy ra trước đó. Khác chăng là lần này đổ máu nhiều hơn.

Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 7 Tháng Chín, 2020, anh em ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức (hai con ông Lê Đình Kình) bị tuyên án tử hình. Lê Đình Doanh là con trai ông Công bị án chung thân. Ông Bùi Viết Hiểu bị kết án 16 năm tù và ông Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù. Riêng bà Bùi Thị Nối (con nuôi ông Lê Đình Kình) bị 6 năm tù, làm đơn không chấp nhận bản án sơ thẩm.

Chỉ những người kể trên kháng án trong khi Lê Đình Uy, con trai ông Công, bị tuyên án 6 năm tù không kháng án. Những người khác bị án treo đã được thả ra ngay ở phiên sơ thẩm.

Trong phiên phúc thẩm, Luật Sư Đặng Đình Mạnh đã bị cấm không cho tiếp xúc với thân chủ. Ông viết trên trang Facebook cá nhân lời phản đối và lên án tòa án Cộng Sản bất chấp chính cái luật do họ làm ra: “”Quyền tiếp xúc giữa luật sư và thân chủ theo điều 256 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự đã bị hội đồng xét xử ‘tịch thu.'”

Còn Luật Sư Ngô Anh Tuấn đánh máy diễn tiến phiên phúc thẩm vào trong một cái thẻ nhớ USB, như ông đã từng làm ở phiên tòa sơ thẩm để bỏ ngay lên trang Facebook cá nhân, thì đã bị tịch thu. Cuối ngày, ông viết trên Facebook: “BIÊN BẢN PHIÊN TÒA HÌNH SỰ PHÚC THẨM VỤ ÁN ‘GIẾT NGƯỜI’ VÀ ‘CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ’XẢY RA TẠI ĐỒNG TÂM, MỸ ĐỨC, HÀ NỘI NGÀY 09/01/2020 (đã bị tịch thu).”

Tòa án CSVN từ trước đến giờ vẫn ngang nhiên xét xử bất chấp luật lệ tố tụng hình sự của chế độ. Bản án, đặc biệt các vụ án có tính cách chính trị, luôn luôn được các lãnh tụ chóp bu đảng CSVN quyết định từ trước. Quan tòa chỉ làm nhiệu vụ điều hành phiên xử chiếu lệ rồi sau đó đọc bản án có sẵn “ở trên” đưa xuống. Bởi vậy, các vụ án này luôn luôn được gọi là “án bỏ túi.”

Một tuần lễ trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, các luật sư biện hộ cho các người kháng án đã gửi cho tòa án “Đơn kiến nghị” dài 31 trang. Trong đó, họ yêu cầu tòa án phải làm rõ những sai sót, các vi phạm thủ tục tố tục hình sự, dẫn đến các bản án mà họ cho là oan sai trong phiên tòa sơ thẩm.

Tòa án sơ thẩm đã kết án tử hình hai người con ông Lê Đình Kình là Lê Đình Công và Lê Đình Chức vì cáo buộc họ ném các chậu xăng xuống hố giết ba sĩ quan công an, dựa trên các lời khai của một số lính cảnh sát cơ động làm “nhân chứng” theo một khuôn mẫu dựng đứng cho nhu cầu buộc tội và kết án.

Các luật sư đòi phải thực hiện lại hiện trường vụ việc xảy ra sáng sớm ngày 9 Tháng Giêng, 2020, mới biết người ta có phạm tội giết người không. Lời khai của các bị cáo khác với lời khai của một số lính cảnh sát cơ động, vốn là người khai rập khuôn theo “chỉ đạo.”

Ông Lê Đình Công bị xích tay, dẫn vào phòng xử phúc thẩm. (Hình: Dân Trí)

Cũng như trong hồ sơ vụ án, một số cảnh sát cơ động khai ông Lê Đình Kình tay cầm lựu đạn dọa rút chốt chống lại những kẻ tấn công đàn áp. Ngược lại, nhân chứng ở bên cạnh ông Kình là ông Bùi Viết Hiểu thì khai rằng ông Kình vì gãy chân, không đi chuyển dễ dàng, khoảng thời gian đó trong tay không cầm cái gì cả. Cả ông Kình và ông Hiểu đều bị bắn với nhiều loạt súng AK nhưng ông Hiểu chỉ bị thương nặng, không chết.

Người ta thấy đầy ngập trên mạng xã hội sau phiên tòa sơ thẩm những lời lên án lời khai của các giới chức nhà nước (thuật lại trên hệ thống tuyên truyền của chế độ) làm nhiệm vụ tấn công đàn áp dân Đồng Tâm. Những lời khai đó hoàn toàn có tính cách vu khống, giống như những vụ án chính trị khác, luôn luôn được sử dụng để kết án.

Phiên tòa phúc thẩm sẽ còn diễn ra vào ngày Thứ Ba, 9 Tháng Ba, với phần tranh luận của các luật sư. Rất có thể sẽ khép lại vụ án với bản án “chỉ đạo” từ những kẻ cầm đầu chế độ, bất chấp lời kêu gọi của các luật sư đòi hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại từ đầu.

Thân nhân của các ‘bị cáo” bị chặn từ xa, không được đến dự khán phiên xử. Rất nhiều người tham gia đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam sống ở Hà Nội bị công an tới canh gác trước nhà không cho bước chân ra đường từ hai ngày trước. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT