Friday, April 19, 2024

Mỗi người Việt Nam đang gánh 33 triệu đồng ‘nợ công’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mỗi người Việt Nam từ người già “gần đất xa trời” đến trẻ sơ sinh đang phải gánh 33 triệu đồng “nợ công” trong năm nay.

Nếu tính theo tỉ giá hiện nay 22,685 đồng chính thức đổi được một đô la Mỹ thì 33 triệu sẽ khoảng $1,454.

Theo truyền thông nhà nước mới đây, nhà cầm quyền trung ương vừa gửi đến quốc hội về tình hình nợ công thì “dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công khoảng 3.13 triệu tỷ đồng, tương đương 62.6% GDP (tổng sản lượng quốc gia) . Con số này giảm 1% so với cách đây một năm. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối thì dư nợ công năm nay lại tăng 0.27 triệu tỷ đồng,” theo VNExpress

Không có gì đáng tin cậy trong các con số vừa nêu vì chúng trái ngược với những gì các chức sắc cấp cao của chế độ từng đề cập bên cạnh các bản tường trình của Ngân Hàng Thế Giới, một định chế quốc tế đứng đằng sau rất nhiều các dự án tài trợ cho Việt Nam xóa đói giảm nghèo mấy thập niên qua.

Nếu chỉ căn cứ theo những gì được VNExpress thuật lại, tính đến đến hết năm 2017 “nợ chính phủ khoảng 2.59 triệu tỷ đồng (51.8% GDP) và nợ được chính phủ bảo lãnh khoảng 498,000 tỷ đồng, nợ địa phương 39,600 tỷ đồng.”

Dân số Việt Nam hiện nay, lấy chẵn, là 94 triệu người, thì chia ra, mỗi đầu người từ những người già đến đứa trẻ sơ sinh, phải gánh một số nợ của nhà cầm quyền đi vay để nuôi chế độ là 33 triệu, cũng tính chẵn cho gọn.

Những năm vừa qua, không năm nào ngân sách CSVN không bị thâm thủng. Năm nào cũng phải vay nợ để bù đắp cho lỗ hổng ngày một to hơn, nuôi bộ máy đảng và nhà nước ngày một phình to hơn.

Theo báo cáo kể trên, năm 2018, chế độ Hà Nội “dự kiến vay mới để trả nợ gốc khoảng 146,770 tỷ đồng, vay nước ngoài về cho vay lại 40,000 tỷ và vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương khoảng 195,000 tỷ… Cùng với đó, dự kiến vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương gần 11,150 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là gần 10,000 tỷ.”

Đưa ra các con số như thế, bản báo cáo gửi quốc hội thông báo “nợ công năm 2018 sẽ ở mức khoảng 63.9% GDP, nợ chính phủ 52.5% GDP và nợ nước ngoài quốc gia là 47.6% GDP.”

Cách đây hai tuần lễ, Ngân Hàng Thế Giới (WB) khuyến cáo rằng tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam tăng nhanh và cũng là một trong những nước có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua). WB dự báo, áp lực trả nợ của Việt Nam sẽ lớn trong 3 năm tới.

Hơn một năm trước, ngày 14 Tháng Chín, 2016 tờ Đất việt thuật theo báo cáo của chính phủ nói “Nợ công Việt Nam đã chiếm 65%” và Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư “cảnh báo nguy cơ vượt trần.”

Nếu cứ tiếp tục chi tiêu kiểu bóc ngắn cắn dài như hiện nay, nợ công của Việt Nam sẽ “có thể mất bền vững ngay cả với những cú sốc nhẹ,” theo một phúc trình của WB và Bộ Tài Chính.

Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) thuật lại nội dung của “Báo cáo đánh giá chi tiêu công” của Việt Nam vừa được Bộ Tài Chính và Ngân Hàng Thế Giới (WB) công bố sáng 3 Tháng Mười, 2017 cảnh cáo như vậy. Đây không phải là cái gì mới khám phá vì từng được báo động nhiều lần nhưng nhà cầm quyền gần như mỗi ngày một lún sâu hơn.

Mặc dù “vẫn trong ngưỡng Quốc Hội đặt ra (dưới 65% GDP) nhưng báo cáo của WB và Bộ Tài Chính chỉ ra, nếu bội chi ngân sách vẫn được duy trì như hiện nay, thì tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần. Trước đó, trong 2 năm liên tiếp 2015 và năm 2016, tỷ lệ bội chi đều vượt ngưỡng 5% GDP” Lời khuyến cáo trong bản tường trình nói trên được TTXVN kể lại.

“Khi chúng tôi làm việc với Sở Tài Chính các địa phương, thông tin cơ bản về vay nợ họ không nắm được, kể cả các nguồn như ODA, khoản cho vay lại… Đây là công tác cần đổi mới,” Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, một trong những thành viên soạn thảo phúc trình được dẫn lời nhận định. (TN)

MỚI CẬP NHẬT