Friday, March 29, 2024

Mời nước giải khát và tráng miệng, phong cách đáng quý của người miền Nam

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tại một quán có tên “Quán Trà và Tráng Miệng” theo phong cách Nhật Bản ở Sài Gòn, đương nhiên là không có gì quá đáng khi nghe những người trẻ khen nức nở phong cách ẩm thực Nhật. Có lạ chăng là hầu như họ không biết gì về văn hóa giải khát của người Việt nhất là người Sài Gòn và cả miền Nam trước đây.

Khi hỏi, ở Sài Gòn, mỗi khi vào quán cà phê hay tiệm ăn còn giữ nếp phục vụ như ngày xưa, họ có để ý thấy bình trà hay ly nước trà (hoặc nước lọc) mà chủ tiệm mang ra cho khách giải khát trước khi hỏi khách uống thức uống loại gì, ăn món gì không? Hầu hết người được hỏi chợt nhớ ra là trước tiên và luôn luôn được chủ quán mời nước giải khát.

Mời nước giải khát và nước tráng miệng là nét văn minh của cộng đồng văn hóa ẩm thực Sài Gòn và miền Nam.

Ngày trước, khắp các thôn làng miền Nam, hình ảnh những cái lu nước mưa, nước sạch với nắp đậy cẩn thận được chủ nhà để trước cửa nhà mời khách lỡ đường uống giải khát. Ngày nay nhiều đường phố Sài Gòn vẫn còn người hảo tâm kê bình nước lọc, có khi là trà đá cho người không quen biết nhất là người bán rong, người lao động nghèo ghé vô giải khát miễn phí.

Ở các tiệm cà phê trong hẻm người Hoa ở Chợ Lớn, khách luôn được mời một bình trà lớn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Nhưng đâu chỉ người nghèo mới cần giải khát miễn phí dưới thời tiết quanh năm nóng bức của xứ nhiệt đới. Ngày xưa, dù quan quyền, chủ cả, công chức lớn đi xe hơi bóng lộng vô tiệm nước ăn điểm tâm sáng, hay ăn bữa trưa đều được mời miễn phí bình trà, đương nhiên việc trà loại ngon mắc tiền hay trà rẻ tiền thì tùy tiệm sang hay tiệm bình dân, nhưng chắc chắn bình trà đó được pha bằng nước sôi đúng độ để bảo đảm vệ sinh.

Có người cho rằng, phong cách mời trà hay nước giải khát bắt nguồn từ văn minh chia sẻ đùm bọc của cộng đồng dân khai hoang lập nghiệp hàng trăm năm trước mà thành nét văn hóa rộng lòng.

Mời bình trà hay vài gáo nước mưa, ly nước giải khát để hạ hỏa mà gọi rộng lòng ư? Nếu vần đề đặt ở nước giải khát hiểu theo đúng nghĩa đen thì hẳn nhiên bao hàm cả ý thức rằng, người đi khai hoang lập nghiệp ở đất mới chính là người đi tìm nguồn nước, không có nguồn nước uống, nấu ăn được thì không gì có thể tồn tại.

Miền Nam vốn là vùng khí hậu gió mùa với hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Nước mưa từ trời, nước ngọt từ mạch đất là nguồn sống cốt lõi. Mời nước giải khát cho khách dù quen hay lạ, về nghĩa bóng chính là cách mời ở lại cùng sống với cộng đồng cư dân đất mới “đến đây thì ở lại đây, chừng nào bén rễ sanh cây hãy về.”

Người Sài Gòn ở chốn công cộng, có hai phong cách uống nước, một là nước giải khát, hai là nước tráng miệng; đáng quý thay cả hai phong cách ấy đều phổ biến trong các hàng quán ngày xưa và phần nhiều vẫn còn cho đến tận ngày nay.

Ngày nay, các quán cà phê lề đường không còn bình trà nhưng thay vô đó là ly trà, uống hết thì cứ kêu thêm. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Hình ảnh một bình, tách trà bằng gốm sứ, bằng nhôm, ly thủy tinh hay gần đây là bình bự bằng nhựa để ở một góc nào đó cho khách tự rót đã thành quen thuộc đến mức không ai thèm coi việc đó là đáng quý nữa.

Ai có dịp ra nước ngoài mới biết việc mời giải khát lịch sự đó hơn hẳn việc các vòi nước công cộng, nơi khách muốn uống thì nghiêng người hả họng mở cho vòi nước sạch chảy vô miệng. Ở vào một thời đại mà người Việt sính đồ ngoại quốc, đua theo nếp sống theo mới du nhập, thì giá trị của văn minh ẩm thực mời trà giải khát hay tráng miệng ở tiệm quán chẳng ai màng coi là nét đẹp cộng đồng.

Thời gian trước, các ông bà, ngoại quốc, Việt kiều về đi phố hay đi ăn đều cầm theo chai “nước lọc hàng hiệu” tự lo an toàn giải khát, sau này các ông bà nhà giàu mới phất và cả người trẻ có việc tốt, lương cao cũng theo phong trào cặp nách hoặc cầm theo chai nước tự mua. Tất nhiên việc kỹ tính trong thời loạn vệ sinh an toàn thực phẩm là cần thiết, nhưng điều đáng nói ở đây chính là cộng đồng đang dần để mất đi văn minh mời nước giải khát và tráng miệng, một nét đặc sắc được các thế hệ trước gầy dựng qua nhiều thế hệ.

Ai từng là người Sài Gòn đều có ký ức về thời thất nghiệp hay lúc rảnh rang, ngồi tiệm quán hàng giờ liền mà vẫn được chủ quán liên tục châm nước trà giải khát để họ thấm giọng mà ngồi chuyện trò hay đọc báo hàng giờ liền. Khi nhớ lại rồi tự hỏi, không lẽ mấy ông bà chủ tiệm cô độc đến mức cần châm trà cho có bạn tri âm ngồi lỳ để bầu bạn hay sao?

Thưa, chỉ đơn giản các vị chủ tiệm vốn là người đô thị, họ biết thấu lẽ bấp bênh lên voi xuống chó, hiểu vận hạn trồi sụt thất thường, thấu lẽ biến động thế sự mà sanh tâm thương người gặp cảnh không toại ý; với họ công nấu nước, pha trà có là bao mà rầy rà xua đuổi tổn thương phận người. (Trần Tiến Dũng)

MỚI CẬP NHẬT