Thursday, April 25, 2024

Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng bị CSVN kết án 15 năm tù

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng và hai ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, bị cáo buộc thành lập “Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam”… nhằm “chống phá nhà nước,” bị nhà cầm quyền CSVN áp đặt các bản án nặng nề.

Theo báo Lao Động, ngày 5 Tháng Giêng, Tòa Án Nhân Dân ở Sài Gòn đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các ông Phạm Chí Dũng (53 tuổi), cựu cán bộ Thành Ủy ở Sài Gòn, một nhà báo tự do hoạt động dân chủ, 15 năm tù; hai ông Nguyễn Tường Thụy (69 tuổi) và Lê Hữu Minh Tuấn (31 tuổi) cùng bị 11 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nhà nước CSVN” theo Điều Luật 117. Sau khi mãn hạn tù, cả ba ông “phải chịu thêm 3 năm quản chế tại địa phương.”

Chủ Tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Phạm Chí Dũng tại phiên tòa sơ thẩm ở Sài Gòn ngày 5 Tháng Giêng. (Hình: Long Hồ/Lao Động)

Các tổ chức nhân quyền quốc tế gọi các điều luật trong Luật Hình Sự CSVN vu cho người dân “Tuyên truyền chống nhà nước…” “Hoạt động nhằm lật đổ…” là mơ hồ, ngược lại công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Thậm chí ngược lại chính bản Hiến Pháp của chế độ.

Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam là một tổ chức dân sự không nằm trong sự kiểm soát của nhà cầm quyền độc tài đảng trị.

Truyền thông trong nước dẫn lại cáo trạng cho biết, họ bị vu cho là cùng với khoảng 40 người thành lập hội nói trên từ năm 2014, xuất bản báo mạng “Việt Nam Thời Báo” để “chống phá nhà nước Việt Nam,” và “lôi kéo, phát triển hội viên trong và ngoài nước vào hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam.”

Báo Dân Trí kể lại phiên tòa: “Các bị cáo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng bất mãn về chính trị trong và ngoài nước, có tư tưởng bất mãn với chính quyền, có quá trình hoạt động chống phá nhà nước thời gian dài, thường xuyên đăng tải bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của đảng, nhà nước.”

Các hoạt động của họ bị coi là “nguy hiểm cho xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hành vi này đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị. Trong vụ án này, bị cáo Dũng là người giữ vai trò cốt cán, lãnh đạo, các bị cáo còn lại giúp sức tích cực. Các bị cáo phạm tội nhiều lần, có tổ chức…”

Trước đó hôm 21 Tháng Mười Một, 2019, các báo nhà nước đồng loạt đưa tin Cơ Quan An Ninh Điều Tra Công An ở Sài Gòn đã khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nơi ở của ông Phạm Chí Dũng với cáo buộc: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Việt Nam” theo Điều 117, Bộ Luật Hình Sự năm 2015.

Báo Tuổi Trẻ dẫn cáo trạng cho biết ngày 4 Tháng Bảy, 2014, ông Phạm Chí Dũng cùng ông Nguyễn Tường Thụy và 39 người khác đã ra tuyên bố thành lập “Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam” một hội dân sự không được nhà nước Việt Nam thừa nhận (đến năm 2018 có 72 hội viên tham gia), và bầu Ban Lãnh Đạo của hội gồm năm thành viên.

Nội dung “tuyên bố thành lập Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam” là đấu tranh làm thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay.

Sau khi thành lập, ông Dũng với vai trò chủ tịch đã chỉ đạo lập trang web Việt Nam Thời Báo, đồng thời quản trị, duyệt đăng thông tin bài viết của mình, của hội viên và của các cộng tác viên “có nội dung chống phá nhà nước Việt Nam và tuyên truyền về hoạt động của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam.”

Để “lôi kéo, phát triển hội viên” trong nước và hải ngoại cùng vào hoạt động chống nhà nước CSVN, ông Phạm Chí Dũng đã dùng nhiều bút danh khác nhau để viết, đăng tải 1,530 tin, bài viết lên trên trang Việt Nam Thời Báo. Các bài viết “có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ bảng chính quyền, bịa đặt, xâm phạm uy tín của đảng CSVN nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam.”

Còn ông Nguyễn Tường Thụy với vai trò là phó chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, phụ trách chi hội miền Bắc, đã dùng nhiều bút danh để đăng tải nhiều bài viết có nội dung “xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của đảng và nhà nước, vi phạm pháp luật.”

Trong khi đó, ông Lê Hữu Minh Tuấn, thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, cũng bị cáo buộc tương tự.

Ông Nguyễn Tường Thụy tại phiên tòa sơ thẩm ngày 5 Tháng Giêng ở Sài Gòn. (Hình: Dân Trí)

Theo Luật Sư Đặng Đình Mạnh kể lại trên trang Facebook: “Trong phiên tòa, cả ba ông đều thừa nhận toàn bộ việc thành lập, tham gia Hội Nhà Báo Độc lập, việc viết báo với mục đích cổ súy cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, dân chủ và nhân quyền là những quyền theo Hiến Pháp quy định. Nhưng không cho rằng những hành vi ấy vi phạm pháp luật Việt Nam.”

Phiên tòa sơ thẩm chỉ kéo dài có một buổi sáng Thứ Ba, 5 Tháng Giêng, cho người ta hiểu vụ xét xử chỉ có hình thức, còn bản án đã được những kẻ cầm đầu đảng CSVN quyết định từ trước. Cho nên dư luận vẫn gọi những phiên tòa này là xử “án bỏ túi.”

Luật Sư Nguyễn Văn Miêng dẫn lại trên Facebook lời ông Phạm Chí Dũng nói ở phiên xử: “Một bản án quá nặng đối với các nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam sẽ làm cho cả thế giới biết đến nền ‘tự do báo chí’ của Việt Nam. Tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại, vì nếu có một mức án nặng nề đối với chúng tôi, sẽ rất bất lợi cho bang giao quốc tế trong giai đoạn khó khăn này.”

Ông Nguyễn Tường Thụy thì nói: “Tất cả những bài báo của tôi đều là những trăn trở đối với đất nước và dân tộc. Trong tương lai, những việc chúng tôi làm hôm nay sẽ là những chuyện bình thường.”

Còn ông Lê Hữu Minh Tuấn nói: “Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội. Chúng tôi chẳng những không làm suy yếu nhà nước mà còn làm cho nhà nước mạnh lên.”

Hãng thông tấn Đức DPA cho hay, thẩm phán bác tất cả các lời bào chữa của Luật Sư Đặng Đình Mạnh.

Bình luận về phiên tòa, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) viết trên Twitter và Facebook: “Dân chủ bị giết chết vì không có tự do biểu đạt và tự do báo chí. Các tác phẩm của những nhà báo độc lập như ba nhà báo này đã dám phơi bày các sai trái (của nhà cầm quyền) cũng như đòi hỏi cải cách để chấm dứt lạm quyền.”

Còn Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế đả kích rằng: “Bản án này cho thấy sự coi thường của nhà cầm quyền CSVN đối với tự do báo chí. Nó một lần nữa đánh vào quyền tiếp cận thông tin độc lập của người dân Việt Nam. Sự hà khắc của bản án này vượt xa tiêu chuẩn vốn đã hà khắc của hệ thống kiểm duyệt của nhà nước, trong bối cảnh đại hội toàn quốc của đảng Cộng Sản Việt Nam đang đến gần.”

Ân Xá Quốc Tế còn cho rằng: “Bằng việc kết án những người này chỉ vì họ đã thực hiện các quyền được Hiến Pháp Việt Nam đảm bảo, nhà nước đã phản bội lại công lý.

Ông Phạm Chí Dũng quê Đồng Tháp, sinh sống ở phường 1, quận Tân Bình (Sài Gòn), là con trai của ông Phạm Văn Hùng, một đảng viên cao cấp từng là trưởng Ban Tổ Chức Thành Ủy thành phố Sài Gòn, làm việc dưới quyền của ông Trương Tấn Sang khi đó là bí thư Thành Ủy.

Một bài trên báo Công An Nhân Dân viết: “Bản thân Phạm Chí Dũng được đào tạo bài bản, tốt nghiệp Học Viện Kỹ Thuật Quân Sự, có học vị tiến sĩ về kinh tế. Trong một thời gian dài công tác tại Ban An Ninh Nội Chính Thành Ủy ở Sài Gòn, và là đảng viên đảng CSVN.”

Ông Dũng còn là một nhà văn, một người từng viết phân tích thời sự dưới nhiều bút danh khác nhau như: Việt Thắng, Viết Lê Quân, Trường Sơn… cho các báo trong nước như Tầm Nhìn, Doanh Nhân Sài Gòn, VietNamNet. Với các báo ở ngoại quốc, ông viết bài cho các báo Phía Trước, BBC Việt Ngữ, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), RFI, Người Việt,… và đã có nhiều tác phẩm xuất bản ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay.

Ngoài ra, ông Dũng cũng là một trong số những người tham gia vận động dân chủ hóa Việt Nam được UN Watch, một tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ có trách nhiệm giám sát các vấn đề nhân quyền và dân chủ thuộc Liên Hiệp Quốc ở Geneva mời tham dự buổi báo cáo về nhân quyền của nhà cầm quyền CSVN, tổ chức hôm 5 Tháng Tư, 2014. Tuy nhiên, khi vừa ra đến phi trường Tân Sơn Nhất ông Dũng đã bị an ninh CSVN chặn lại khi ông làm thủ tục lên máy bay.

Hình ảnh phiên tòa sơ thẩm ở Sài Gòn xử các ông Phạm Chí Dũng (phải), Nguyễn Tường Thụy (trái) và Lê Hữu Minh Tuấn (trái, sau ông Thụy) ngày 5 Tháng Giêng. (Hình: STR/VNA/AFP/Getty Images)

Trước đó hồi Tháng Bảy, 2012, ông Dũng cũng đã bị Công An ở Sài Gòn bắt giam sáu tháng cũng với cáo buộc “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân,” do đã liên quan tới các bài viết phổ biến trên mạng xã hội, đả kích chế độ độc tài đảng trị.

Ngay sau đó, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF (Reporters San Frontieres) trụ sở ở Paris đã lên tiếng phản đối nhà cầm quyền CSVN bắt giam ông Dũng, chỉ vì ông dùng báo mạng cá nhân và các diễn đàn thông tin Internet để nói lên suy nghĩ độc lập của mình.

“Nhà cầm quyền CSVN lại một lần nữa chứng tỏ không dung tha và cũng không hiểu những chỉ trích chế độ nên họ đã tự động coi đó là những thứ vũ khí được dùng để lật đổ chế độ. Ông Phạm Chí Dũng phải được trả tự do ngay lập tức,” tổ chức RSF tuyên bố. (Tr.N, TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT