Thursday, March 28, 2024

Nước lũ về thấp không cá tôm, người dân Đồng Tháp bỏ xứ tha hương

ĐỒNG THÁP, Việt Nam (NV) – Không còn cảnh tất bật với nghề lưới, mua bán cá mùa lũ thường thấy như những năm trước đây, giờ ở vùng lũ Thường Thới, huyện Hồng Ngự, trầm lắng. Người già lo âu trước cảnh đói nghèo, người trẻ thì tha hương cầu thực.

Hàng chục năm nay, chưa khi nào mùa nước nổi ở miền Tây đến muộn và thấp như năm nay. Đỉnh lũ trong năm ở các cánh đồng đầu nguồn tại Đồng Tháp, An Giang thấp hơn từ 0.8 đến 1.2 mét so năm 2019. Nước lũ về ít khiến người dân vùng đầu nguồn Đồng Tháp bắt được rất ít cá tôm. Cuộc sống của họ vốn khó khăn, nay lại thêm khốn đốn.

Không có cua, cá để bắt nhưng ông Trần Văn Chức, ấp Bình Họa Hạ, xã Thường Thới, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, vẫn phải làm để kiếm tiền trả nợ và nuôi gia đình. (Hình: Phạm Ngôn/Zing)

Nói với báo Zing, ông Danh, bí thư chi bộ ấp Bình Họa Hạ, xã Thường Thới, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cho biết khoảng 50% trong tổng số 1,200 gia đình tại ấp này đang gặp khó khăn vì nước lũ cạn, ít cá tôm. Nhiều người do phải vay mượn để mua ngư cụ mưu sinh, giờ nợ chồng thêm vì tiền gốc chưa trả xong, lại gánh thêm tiền lãi.

Chẳng hạn như ông Trần Văn Chức (63 tuổi, ấp Bình Họa Hạ, xã Thường Thới) sau nhiều năm làm phụ hồ, ông Chức quyết tâm chuyển nghề do không còn đủ sức để khuân vác bê tông.

Nghĩ rằng việc mưu sinh từ đồng lũ sẽ nhẹ nhàng, phù hợp hơn, nên Tháng Bảy vừa rồi khi mùa lũ 2020 cận kề, ông Chức vay mượn gần 10 triệu đồng ($430) để mua chiếc xuồng nhỏ và 100 lợp đặt cua. Sau đó, ông ngóng đợi con nước lên để bắt đầu công việc mới.

Chờ hết Tháng Bảy, rồi hết Tháng Tám nhưng nước lũ không về. Số tiền vay mượn đội lãi lên gần 2 triệu đồng ($86) đã khiến ông Chức như “ngồi trên đống lửa.”

Có lúc ông Chức định bán lại toàn bộ ngư lưới cụ để trả nợ, nhưng rồi đến trung tuần Tháng Chín, con nước lũ từ Cambodia cũng tràn về miền Tây.

Có người kêu sao nước năm nay ít vậy, nhưng ông Chức không quan tâm. Ông và cháu gái hằng ngày đến các khu vực trũng nhất của xã Thường Thới đặt lợp. Khoảng hai đến ba ngày sau, ông trở lại thăm.

Khoảng 10 ngày đầu, số cua bắt được chỉ đủ dùng cho năm người trong gia đình. Nghĩ có thể mình đã đặt lợp chưa đúng nên thu hoạch được ít, ông Chức nhờ những người thạo nghề đi cùng vài chuyến, nhưng kết quả vẫn không khá hơn. Nhiều người nói với ông, nước thấp như năm nay thì làm gì có cua mà đặt lợp.

Như bị hắt gáo nước lạnh, nhưng không còn sự lựa chọn khác, ông vẫn phải băng đồng với những chiếc lợp cua. Để cứ vài ngày, ông lại thu lợp một lần, kiếm được khoảng 100,000 đồng ($4).

Nhiều gia đình ở xã Thường Thới, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, phải xếp dớn bỏ xó do lũ thấp. (Hình: Phạm Ngôn/Zing)

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như ông Chức, một số người làm nghề dớn ở ấp Bình Hòa Hạ cố bám víu do không thể làm được việc khác, thu nhập bấp bênh, nhưng cũng có nhiều người bỏ nghề.

Là một trong những gia đình “khó khăn tiêu biểu” của ấp vì không thể giăng bắt được cá tôm từ đồng nước, con cái phải đi lang bạt nhiều nơi làm công nhân thay vì mưu sinh từ lũ, bà Huỳnh Thị Thịnh (70 tuổi, ngụ ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Thới) chỉ tay ra phía sau nhà nơi hàng chục chiếc dớn không được “xuống đồng” vì con nước kém, nghèo cá tôm, kể về gia cảnh của mình với báo Zing.

“Tôi ở nhà trông cháu nội. Cha mẹ cháu Hậu không làm dớn, kéo lưới nên đã cùng nhau đi Bình Dương làm công nhân hơn 10 ngày trước. Giờ hai bà cháu sống lay lắt qua ngày, nghèo lắm, chúng tôi không thể làm gì hơn,” bà Thịnh cho biết.

Người dân Đồng Tháp cho biết chưa từng chứng kiến một mùa lũ nghèo sản vật như năm nay. (Hình: Phạm Ngôn/Zing)

Không riêng gia đình bà Thịnh, hàng chục gia đình khác của ấp Bình Hòa Hạ cũng không thể đặt dớn, lợp cua, kéo lưới… vì nước lũ về muộn lại quá thấp, không có cá tôm. Họ liên tục kéo nhau đi Sài Gòn, Bình Dương… làm công nhân từ đầu Tháng Chín, khiến xóm làng ngày càng vắng lặng, buồn tênh. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT