Wednesday, April 17, 2024

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường nhìn nhận ‘sai lầm’ về Mậu Thân ở Huế

HUẾ, Việt Nam (NV) – “Mậu Thân 1968 tôi không về Huế… Tôi xin thành thật nhìn nhận về hai sai lầm, xin ngàn lần xin lỗi. Tôi đã tự rước họa cho mình, tự tôi đã đánh mất niềm tin yêu của nhiều người dân Huế đối với tôi, tạo điều kiện cho nhiều kẻ chống cộng cực đoan vu khống và quy kết tôi như một tội phạm chiến tranh.”

Đó là lời của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một lá thư “giãi bày” mang tên “Lời cuối cho câu chuyện quá buồn” được đăng tải trên Facebook của nhà văn Nguyễn Quang Lập hôm 10 Tháng Hai, 2018.

Từ nhiều năm nay, ông Tường bị chỉ trích vì ông đã trả lời phỏng vấn của đài truyền hình WGBH hồi năm 1981 cho loạt phóng sự về cuộc chiến Việt Nam với tư cách “nhân chứng Mậu Thân.”

Trong lá thư nêu trên, ông Tường xác nhận “clip tung lên mạng là bản gốc cuộc phỏng vấn,” đồng thời thú nhận: “Sai lầm của tôi là nhận lời ông Burchett và đoàn làm phim ‘Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình’ trả lời phỏng vấn với tư cách một nhân chứng Mậu Thân Huế 1968, trong khi tôi là kẻ ngoài cuộc.”

Bức thư viết tiếp: “Để chứng tỏ mình là người trong cuộc, tôi đã dùng ngôi thứ nhất – ‘tôi,’ ‘chúng tôi’ khi kể một vài chuyện ở Huế mậu thân 68. Đó là những chuyện anh em tham gia chiến dịch kể lại cho tôi, tôi đã vơ vào làm như là chuyện do tôi chứng kiến. Đặc biệt, khi kể chuyện máy bay Mỹ đã thảm sát bệnh viện nhỏ ở Đông Ba chết 200 người, tôi đã nói: ‘Tôi đã đi trên những đường hẻm mà ban đêm tưởng là bùn, tôi mở ra bấm đèn lên thì toàn là máu… Nhất là những ngày cuối cùng khi chúng tôi rút ra…’ Chi tiết đó không sai, sai ở chỗ người chứng kiến chi tiết đó không phải là tôi, mà là tôi nghe những người bạn kể lại. Ở đây tôi là kẻ mạo nhận, một việc rất đáng xấu hổ, từ bé đến giờ chưa bao giờ xảy ra đối với tôi.”

Ông Tường cũng viết thêm: “Trong cuộc trả lời phỏng vấn này, khi nói về thảm sát Huế, tôi đã hăng hái bảo vệ cách mạng, đổ tội cho Mỹ. Đó là năm 1981, khi còn hăng say cách mạng, tôi đã nghĩ đúng như vậy. Chỉ vài năm sau, tôi đã nhận ra sai lầm của mình. Đó là sự ngụy biện. Không thể lấy tội ác của Mỹ để che đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu Thân 1968.”

Có thể hiểu phát ngôn của ông Tường là cách ông phủ nhận việc mình đã có mặt ở Huế trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân và bác cáo buộc ông “can dự vào các vụ thảm sát ở Huế thời điểm đó.”

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời vấn của đài truyền hình WGBH hồi năm 1981. (Hình: Cắt từ clip Youtube)

Tuy nhiên, dù bác bỏ cáo buộc “can dự vào các vụ thảm sát ở Huế thời điểm đó,” và dù thừa nhận “những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân,” nhưng trong bức thư, ai, kẻ nào là thủ phạm cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế thì ông Tường không nên đích danh.

Trong bối cảnh dư luận chưa hết phẫn nộ về việc nhà cầm quyền CSVN tổ chức sự kiện Mậu Thân rầm rộ ở Sài Gòn vừa qua, lời “tự thú muộn màng và thiếu chân thành” của ông Tường càng khiến cộng đồng mạng dấy lên sự phẫn nộ.

Nhà báo tự do Mạnh Kim ở Sài Gòn bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Tôi không lên án sự chọn lựa chỗ đứng lịch sử của các ông trong thời điểm đó. Thái độ và sự chọn lựa cách thức để nhìn lại mình của các ông hàng chục năm qua mới là điều cần quan tâm. Tôi không chỉ trích sự chọn lựa quá khứ. Tôi chỉ thắc mắc sự chọn lựa hiện tại và cách nhìn hiện tại khi nhắc lại quá khứ. Hàng chục năm qua, các ông vẫn chỉ gỡ tội cho cá nhân mình chứ không phải giải oan cho hàng ngàn nạn nhân, tiếp tục nhất mực rằng những ‘mất mát’ đó là ‘ngoài ý muốn’ và Mậu Thân vẫn là một ‘chiến thắng lịch sử’ – như lời lặp đi lặp lại của Nguyễn Đắc Xuân. Thái độ hậu chiến và nhãn quan về tội ác chiến tranh của những người như Nguyễn Đắc Xuân đã khiến những kẻ hậu sinh như tôi xin được mạn phép thưa rằng, cho tôi gạt qua sự kính trọng cần có đối với người cao niên để thay bằng một cảm giác đối ngược.”

Còn nhà văn Nguyễn Đình Bổn thì viết: “Trong cái thư gọi là ‘bạch hóa’ cá nhân này, Hoàng Phủ Ngọc Tường tiếp tục ngụy biện cho mình và đồng đội khi vẫn ra rả cái luận điệu ‘địch thì ác còn ta chỉ… sai lầm.’ Ví dụ câu: ‘Đó là sự ngụy biện. Không thể lấy tội ác của Mỹ để che đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu Thân 1968.’ Điều này cho thấy, dù nhà nước này luôn xem vụ Mậu Thân như một chiến thắng vĩ đại do các lực lượng chính quy đảm nhiệm thì ông Tường và bạn bè ông ta như Nguyễn Quang Lập, vẫn cố tình làm nhẹ đi khi gọi là “quân nổi dậy,” và vẫn xem thủ phạm chính của thảm sát Mậu Thân là do Mỹ ném bom! Hài hước thay, trước cổng địa ngục đang mở, dù run sợ, ông ta vẫn tiếp tục hèn nhát đổ vấy cho kẻ thù của mình, mà vẫn muốn “về trời,” thậm chí là “im lặng bằng tâm về cõi Phật.” Vậy có cái cõi trời nào sẽ dung chứa ác nghiệp mà ông ta tạo ra?”

Hồi tháng trước, báo điện tử Dân Việt viết: “Trong suốt chiến dịch, Hoàng Phủ Ngọc Tường không được giao nhiệm vụ để trở lại Huế. Vậy mà trong nhiều năm ròng, một số cây bút ở hải ngoại đã kết tội cho Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Văn Hảo, Nguyễn Đắc Xuân với những lời lẽ xúc phạm. Họ gọi các nhà văn, nhà thơ này là ‘đồ tể,’ ‘thủ phạm chính của cuộc tàn sát,’ ‘các hung thần can dự tới bữa tiệc máu.’”

Tờ báo còn dẫn lời của chính ông Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Không hiểu sao đến giờ vẫn có những kẻ xấu miệng cứ tìm cách buộc chặt tôi vào vụ Mậu Thân Huế. Tôi đành xem họ như những kẻ vu khống bẩn thỉu thế thôi!” (T.K.)

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Đối thoại trong gia đình để hiểu những uẩn khúc của con em”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT