Friday, April 19, 2024

Ông Phạm Minh Hoàng khiếu nại lệnh ‘tước quốc tịch Việt Nam’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ông Phạm Minh Hoàng, một người mang song tịch Việt Nam và Pháp, vừa gửi đơn tới Bộ Tư Pháp khiếu nại lệnh “tước quốc tịch” để tiến hành trục xuất ông ra khỏi Việt Nam.

Hôm 15 Tháng Sáu, ông Hoàng gửi đơn tới Bộ Tư Pháp khiếu nại về quyết định ngày 17 Tháng Năm mà Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang ký “tước quốc tịch Việt Nam” của ông. Trong quyết định ghi rõ ông Hoàng sinh ngày 8 Tháng Tám, 1955, tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trong đơn thư, sau khi tham khảo quy định Luật Quốc Tịch Việt Nam, ông viết rằng, “Việc chủ tịch nước ký quyết định tước quốc tịch Việt Nam đối với tôi là không có cơ sở pháp luật.”

“Về quy định pháp luật: Tham chiếu theo Luật Quốc Tịch Việt Nam, vấn đề tước quốc tịch được quy định tại Điều 31 áp dụng cho hai đối tượng: Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài (khoản 1); và người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 19 (Khoản 2), tức chỉ công dân nước ngoài và người không có quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam (Điều 19).”

Tuy nhiên, trong trường hợp của ông thì “cha mẹ tôi, ông bà Phạm Văn Thi-Phạm Thị Kiệm là công dân Việt Nam, thế nên, khi sinh ra tôi thì mặc nhiên tôi là công dân Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam từ năm 1955 khi tôi được sinh ra (căn cứ Điều 15 Luật Quốc Tịch). Năm 1973, tôi xuất cảnh đi du học tại Pháp. Năm 2000, tôi trở về sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Năm 2007, tôi được chấp thuận hồi hương, được cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, cấp hộ khẩu thường trú cùng chứng minh nhân dân.”

“Với nhân thân như vậy, thì tôi đã là công dân Việt Nam cư trú trong lãnh thổ Việt Nam từ năm 2007.
Do không còn là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài ít nhất từ 10 năm nay (2007-2017), cho nên, tôi không thuộc hai đối tượng có thể bị tước quốc tịch theo quy định của Điều 31 Luật Quốc Tịch đã thượng dẫn trên. Việc tước quốc tịch đối với tôi là không có cơ sở pháp luật, vi phạm Điều 2 của Luật Quốc Tịch Việt Nam về quyền đối với quốc tịch công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam.”

Trước các bằng chứng đương nhiên như dẫn chứng, ông khiếu nại với Bộ Tư Pháp về lệnh “tước quốc tịch” một công dân của chính nước mình của chủ tịch nước vì “Quyết định về việc tước quốc tịch Việt Nam số 832/QĐ-CTN ký ngày 17 Tháng Năm vì ban hành không có cơ sở pháp lý, vi phạm quy định về quốc tịch, gây thiệt hại không chính đáng đối với quyền công dân hợp pháp của tôi được Hiến Pháp và Luật Quốc Tịch Việt Nam minh thị bảo vệ.”

Ông Phạm Minh Hoàng “yêu cầu quý Bộ Tư Pháp khẩn cấp có biện pháp cho hủy bỏ ngay quyết định về việc tước quốc tịch Việt Nam số 832/QĐ-CTN của ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ký lập ngày 17 Tháng Năm.”

Ông Hoàng đã xin nhập tịch Pháp trong thời gian du học và làm việc tại Pháp nhưng khi về Việt Nam, dạy học tại đại học ở Sài Gòn, ông đã xin hồi Việt tịch nhưng vẫn còn giữ cả quốc tịch Pháp.

Vụ “tước quốc tịch” để chuẩn bị trục xuất một công dân của chính nước mình mà Việt Nam đang tiến hành chưa từng có trong lịch sử của nước Việt Nam.

Khi hay tin mình bị “tước quốc tịch,” ông Hoàng đã gửi đơn cho chính phủ Pháp qua tòa Đại Sứ Pháp tại Việt Nam từ bỏ quốc tịch Pháp để ở lại Việt Nam. Dư luận đang theo dõi xem chính quyền Việt Nam sẽ làm gì tiếp theo.

Ông Phạm Minh Hoàng, 62 tuổi, là người có song tịch Việt Nam và Pháp. Ông bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam vào Tháng Tám, 2010 khi ông đang giảng dạy tại Đại Học Bách Khoa Sài Gòn, kết án tù ba năm hồi năm 2011 nhưng thả ra trước hạn tù sau khi ở trong tù 17 tháng vì bị áp lực của chính phủ Pháp nhưng ông vẫn bị quản chế tại nhà ba năm.

Ông bị cáo buộc là đảng viên đảng Việt Tân, viết các bài chống phá chế độ độc tài đảng trị và tham nhũng tại Việt Nam phổ biến trên Internet dưới tên “Phan Kiến Quốc.” Bản cáo trạng kể tội ông “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” qua “33 bài có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng và nhà nước.”

Những bài viết về chính sách giáo dục sai lầm, môi trường sống độc hại và nhất là mối nguy Trung Quốc đe dọa an ninh và chủ quyền đất nước Việt Nam trên blog với bút danh Phan Kiến Quốc được hiểu là những căn cứ để chế độ Việt Nam bỏ tù ông. Những người khác bị cầm tù cũng chỉ vì đòi hỏi dân chủ, nhân quyền, đả kích các chính sách sai lầm, nạn bè đảng, tham nhũng tràn lan tại Việt Nam.

Sau ngày ra tù, ông Phạm Minh Hoàng từ chối lời đề nghị được đưa sang Pháp sinh sống. Dù không được các trường đại học ở Việt Nam nhận giảng dạy, ông tiếp tục những gì đã làm trước đó là mở những lớp dạy tiếng Pháp và kỹ năng mềm cho các em học sinh tại Sài Gòn. Ảnh hưởng của ông đối với học sinh sinh viên là một trong những điều chế độ Hà Nội không chấp nhận. (TN)

MỚI CẬP NHẬT