Tuesday, April 23, 2024

Sài Gòn chi gần 10,000 tỷ đồng, kênh Ba Bò càng ô nhiễm nặng

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Chi gần 10,000 tỷ đồng (hơn $440 triệu) để “đầu tư cho việc nạo vét, giải quyết ô nhiễm, xây dựng các hệ thống chế biến nước thải cho kênh Ba Bò” chỉ dài hơn 6 cây số, nhưng đến nay nó càng thêm ô nhiễm đến nỗi dân không thể chịu nổi.

Theo báo Tuổi Trẻ, thời gian gần đây, người dân sống dọc hai bên bờ kênh Ba Bò lại tiếp tục than phiền dòng kênh bốc mùi hôi nồng nặc, nổi đầy bọt trắng chảy thẳng ra sông Sài Gòn.

Người dân sống gần đó cho biết tình trạng ô nhiễm tại kênh Ba Bò diễn ra từ nhiều năm nay, sau mỗi cơn mưa, mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều người phải dọn nhà đi nơi khác tránh bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trước đây, kênh Ba Bò đã bị ô nhiễm rất nặng. Năm 2008, khi tỉnh Bình Dương và Sài Gòn cùng triển khai dự án nạo vét, xây dựng bờ kè thì tình trạng ô nhiễm “giảm đến 80%,” nhưng sau đó tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Theo báo Người Lao Động, Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Bình Dương cho biết mỗi ngày kênh Ba Bò nhận khoảng 20,000 khối nước thải, trong đó có khoảng 15,000 khối là từ hai khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2. Còn lại là nước thải từ khu dân thuộc thị xã Thuận An, Dĩ An và Quân Đoàn 4.

“Có dấu hiệu một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2 xả lén nước thải chưa qua chế biến ra kênh nhưng cơ quan chức năng chưa phát hiện được,” ông Nguyễn Hồng Nguyên, phó giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Bình Dương, nói.

Sau khi bị người dân phản ứng, ngày 6 Tháng Mười vừa qua, lãnh đạo ở Sài Gòn và tỉnh Bình Dương họp bàn “tiếp tục giải quyết ô nhiễm kênh Ba Bò giai đoạn 2017-2018.”

Tuy nhiên, điều chắc chắn rằng, ô nhiễm kênh Ba Bò chưa giải quyết được ngay, bởi vì công ty Đại Nam, Thanh Lễ, chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2 cho biết “đang xây dựng các nhà máy chế biến nước thải đến Tháng Mười, 2018 mới hoàn thành.” Quân Đoàn 4 cũng nêu khó khăn về kinh phí khi xây dựng công trình chế biến nước thải sinh hoạt của hộ dân, kho bãi do mình cho thuê.

Hiện người dân đặt câu hỏi, đối với hiệu quả của dự án có xứng đáng với đồng vốn hơn 10,000 tỷ đồng đã bỏ ra hay chưa? Và phải chi bao nhiêu ngàn tỷ đồng nữa mới làm sạch được con kênh “ngốn tiền” này? (Tr.N)

Mời độc giả xem phóng sự “Nước đổ vào chum thành rượu – rượu của người K’Ho”

MỚI CẬP NHẬT