Friday, April 19, 2024

Sài Gòn muốn chi hơn $21 triệu xây dựng hệ thống quan trắc môi trường

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Do các trạm quan trắc môi trường hiện tại ở thành phố đều làm theo cách thủ công vừa chậm vừa không chính xác nên Sài Gòn muốn đầu tư hơn $21 triệu để xây dựng hàng trăm trạm ghi nhận chính xác số liệu ô nhiễm.

Báo VNExpress ngày 26 Tháng Mười Một, 2019, cho hay Sở Tài Nguyên Môi Trường ở Sài Gòn muốn chi 495 tỷ đồng ($21.33 triệu) để xây dự hệ thống quan trắc tự động với thiết bị hiện đại của các nước G7, bởi vì 30 trạm quan trắc không khí hiện tại đều làm theo cách thủ công, mất rất nhiều thời gian do phải trải qua quá trình lấy mẫu, phân tích mẫu.

Báo Phụ Nữ TP.HCM cùng ngày cho biết hệ thống quan trắc trị giá 495 tỷ đồng gồm 27 trạm quan trắc tự động và 225 trạm bán tự động sẽ luôn cập nhật chỉ số về môi trường để giúp nghiên cứu, cảnh báo về tình trạng ô nhiễm.

Hệ thống quan trắc môi trường này nằm trong đề án “Phát Triển Tổng Thể Mạng Lưới Quan Trắc Chất Lượng Môi Trường Tầm Nhìn Đến Năm 2030” do Sở Tài Nguyên Môi Trường thực hiện, dùng để quan trắc các dữ liệu ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, không khí và lún đang có chiều hướng gia tăng ở thành phố rồi gửi về trung tâm điều hành. Khi có số liệu, Sở Tài Nguyên Môi Trường sẽ phân tích dữ liệu để đưa ra dự báo, cảnh báo đến người dân.

Báo này cũng cho hay, từ năm 1993, quan trắc môi trường tại Sài Gòn đã được khai triển. Trước đây, Sài Gòn có 9 trạm quan trắc tự động xây dựng từ năm 2003, nhưng đến năm 2012 các trạm này đã hỏng hoàn toàn.

Không khí ô nhiễm gây mù như có cháy giữa trung tâm Sài Gòn. (Hình: Zing)

Báo VNExpress dẫn lời ông Cao Trung Sơn, giám đốc Trung Tâm Quan Trắc Tài Nguyên Môi Trường thuộc Sở Tài Nguyên Môi Trường ở Sài Gòn, cho biết: “Việc đầu tư thiết bị hiện đại, giải pháp mang tính công trình kỹ thuật sẽ thực hiện việc đánh giá, đưa ra các chỉ số nhanh, chính xác hơn. Đây cũng sẽ là cơ sở để người dân có thể cập nhật được các thông tin về môi trường tự động, liên tục, có được các dự báo về môi trường thông qua các phần mềm, app hoạt động tương tự Air Visual, PamAir.”

Ông Sơn cũng cho biết “đề án trong giai đoạn nghiên cứu khả thi và sẽ trình cơ quan thẩm quyền lập hội đồng thẩm định, trước khi trình Hội Đồng Nhân Dân thành phố duyệt.”

Tuy nhiên, sau khi báo chí công bố đề án này, người dân nghi ngờ tính hiệu quả và cho rằng thứ người dân đang cần là biện pháp cải thiện chứ không phải các trạm quan trắc khi sự ô nhiễm đã nhìn thấy rõ ràng trước mắt. Hệ thống quan trắc chỉ giúp biết sự thật, quan trọng là biết rồi thì phải có hành động phù hợp nếu không thì hệ thống quan trắc sẽ phản tác dụng.

Bạn đọc Cang Do bình luận trên báo VNExpress: “Số tiền gần 500 tỷ đồng này nếu phục vụ giải pháp giảm bụi thì có tốt hơn thay vì xác định coi có bụi hay không.”

Bạn Gia Huy đặt vấn đề: “Tại sao không dùng 500 tỷ đồng này để cải thiện môi trường sống, làm sạch không khí, đầu tư cho giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường?”

“Tôi không có chuyên môn về môi trường. Nhưng 500 tỷ đồng là số tiền lớn của dân. Hãy sử dụng khôn ngoan và chứng minh cho dân thấy mục đích đó là hợp lý,” bạn đọc Huy Đỗ nghi ngờ. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT