Thursday, April 25, 2024

Sau hàng chục năm, tờ tiền ‘mất giá’ 100 đồng bất ngờ xuất hiện

TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Tờ tiền 100 đồng đột nhiên được lưu hành trở lại trên thị trường Việt Nam hôm 2 Tháng Mười Hai tại trạm BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang sau hàng chục năm không ai còn thấy đồng tiền này vì giá trị của nó gần như không đáng kể và không thể mua được bất kỳ món gì.

Theo báo Tuổi Trẻ, từ khi chính thức thu phí trở lại theo hình thức BOT (dự án giao thông được nhà đầu tư ứng tiền trước để làm công trình rồi mới thu phí) lúc 9 giờ sáng 30 Tháng Mười Một đến lúc này, BOT Cai Lậy đã buộc phải xả trạm hàng chục lần.

Đáng chú ý, vì phí bắt buộc là 25,000 đồng (khoảng $1), nhưng vì trạm thu phí này đặt sai chỗ, nên các tài xế đưa nhiều tờ tiền mệnh giá thấp, tổng số tiền là 25,100 đồng. Sau đó, nhân viên thối lại 200 đồng. Tuy nhiên, tài xế không đồng ý nhận tiền dư, yêu cầu nhân viên phải đưa đúng 100 đồng.

Chính vì vậy, theo báo Zing, trạm BOT Cai Lậy đã “được chi viện từ Hà Nội và vận chuyển qua ngả phi trường Tân Sơn Nhất về Cai Lậy” 1,500 tờ tiền 100 đồng để đối phó với các tài xế trả tiền lẻ.

Theo báo Người Lao Động, hôm 2 Tháng Mười Hai, rất nhiều tài xế từ Vĩnh Long, Bình Dương, Sài Gòn, Long An về BOT Cai Lậy đòi nợ 100 đồng do nơi này chưa trả tiền thừa khi thu phí qua trạm hôm 30 Tháng Mười Một.

Tuy vậy, báo Tuổi Trẻ ghi nhận, việc chuẩn bị một lượng lớn tờ 100 đồng cũng không cải thiện được tình hình và “chỉ tính trong hơn tám giờ hôm 2 Tháng Mười Hai, BOT Cai Lậy đã tám lần phải xả trạm để tránh kẹt xe.”

Tình trạng căng thẳng tại trạm BOT Cai Lậy không có dấu hiệu được tháo ngòi nổ vì theo báo Tuổi Trẻ, Bộ Giao Thông Vận Tải loan báo họ “đang phối hợp Bộ Công An, địa phương tiếp tục thu phí để hoàn vốn cho dự án và có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi gây rối tại trạm.”

Thứ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Nguyễn Nhật được báo VNExpress dẫn lời: “Bộ đã rà soát quy trình, thủ tục cũng như việc triển khai dự án liên quan đến trạm Cai Lậy và nhận thấy không có gì sai. Có hành vi quá khích của một số tài xế ở trạm BOT Cai Lậy. Dư luận không nên ủng hộ các trường hợp này.”

Báo VOV – Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 2 Tháng Mười Hai viết: “Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xử lý dứt điểm sự việc này (vụ căng thẳng tại trạm BOT Cai Lậy). Trước đó, chính phủ đã giao Bộ Giao Thông Vận Tải đánh giá toàn diện các dự án BOT, trong đó có dự án BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, dư luận không tin vào tính khách quan nếu để Bộ Giao Thông Vận Tải làm việc này, minh chứng cho điều này là những gì tái diễn ở Cai Lậy hai ngày vừa qua.”

“Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao không giao việc này cho Thanh Tra Chính Phủ hoặc Kiểm Toán Nhà Nước giống như với dự án Pháp Vân-Cầu Giẽ? Bộ Giao Thông Vận Tải một lần nữa khẳng định lập trường là quyết không dời trạm mà chỉ giảm phí. Nếu trạm BOT Cai Lậy vẫn nằm nguyên ở đó, chắc chắn sự bực tức không phải chỉ có người dân địa phương, mà sẽ lan ra cả những tài xế liên tỉnh khác. Và như vậy, vấn đề xem ra sẽ không được ‘xử lý dứt điểm’ như lời Thủ Tướng Phúc chỉ đạo,” theo bản tin của VOV.

Hồi Tháng Tám, báo Người Lao Động đăng bài giải thích tại sao Bộ Giao Thông Vận Tải “quyết liệt” bảo vệ trạm BOT Cai Lậy.

Bài báo dẫn lời một lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, do tình trạng kẹt xe các ngày cao điểm ở ngã tư huyện Cai Lậy nên Ủy Ban Nhân Dân tỉnh đề nghị chính phủ và Bộ Giao Thông Vận Tải xem xét làm đường tránh qua huyện này.

Tỉnh mong muốn có con đường tránh để giảm kẹt xe trên quốc lộ 1 bằng tiền ngân sách nhưng không rõ vì sao sau đó Bộ Giao Thông Vận Tải kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.

“Dự án này là của Bộ Giao Thông Vận Tải, tỉnh chỉ tham gia giai đoạn giải tỏa mặt bằng, các khâu còn lại từ vị trí đặt trạm thu phí, giá thu phí, chủ đầu tư là ai thì không biết. Cả dự án này, Bộ Giao Thông Vận Tải và chủ đầu tư thực hiện chứ tỉnh không có đề nghị nào cả,” bài báo viết. (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT