Thursday, March 28, 2024

Sense Market, khu chợ dưới lòng đất Sài Gòn

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sense Market tọa lạc tại bên dưới tầng hầm của khu sân khấu Sen Hồng, thuộc về khu B của công viên 23/9.

Sở dĩ gọi là “khu B” để phân biệt với “khu A” – của công viên 23/9, vốn là ga xe lửa cũ của Sài Gòn (phần gần chợ Bến Thành). Còn khu B, được tính là phần tiếp giáp với khu Tây ba-lô Phạm Ngũ Lão.

Trước kia, khu này là tầng hầm giữ xe, ẩm thấp, tăm tối, nước mưa nhiều khi chảy lênh láng…

Xa hơn nữa, cỡ 20 năm về trước, nhà đầu tư nước ngoài (Đài Loan) đã đầu tư vốn để xây khu này thành một trung tâm thương mại – tài chánh (cỡ lớn). Nhưng cuộc khủng hoảng tài chánh Châu Á (1997), làm công trình này bị đình đốn.

Kể từ đầu năm 2017, khu Sense Market ra đời từ tầng hầm vốn là nơi “giam xe” vi phạm luật giao thông, và là nơi “nuôi” chuột bọ…

Cảm giác đầu tiên khi đến Sense Market là sự kết hợp giữa nét siêu thị hiện đại, với lối chợ truyền thống. Nhất là khu hàng ẩm thực, với các gian hàng liền thông với nhau trong một không gian rộng. Làm cho khách đến Sense Market có cảm giác như khu ăn uống “lộ thiên” chứ không có vẻ tù túng như một số tầng hầm kinh doanh tại một số cao ốc thương mại (như Vincom chẳng hạn).

Trong “lòng” của Sense Market có hẳn một siêu thị của Co.op Mart, bán đầy đủ các đồ gia dụng, nguyên liệu thực phẩm… Ngoài ra còn có quầy bưu điện, quầy đổi ngoại tệ, cũng như quầy… bán vé số Vietlott xổ theo lối… Mỹ.

Khu ẩm thực bên trong Sense Market. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Nhưng “chợ” ẩm thực trong loàng Sense Market mới thực sự là “tâm điểm” được du khách quan tâm.

Trong bài viết này,chúng tôi chỉ tạm “kê” ra sự phong phú về ẩm thực tại Sense Market. Vì để đánh giá hết được sơ sơ có… 400 món ăn, với nhiều nguồn văn hóa ẩm thực khác nhau là một việc làm rất ư là tốn thới gian, và dĩ nhiên là rất tốn… tiền.

Khu ẩm thực Châu Á (Asiana food Town) với nhiều món ăn có xuất xứ từ Thái Lan, Cambodia, Lào, Ấn Độ, Singapore… Thượng vàng “hạ cám” từ bánh pizza cho tới sushi và mì Udon, cho tới dimsum kiểu Hồng Kông (cái này là bên hông chợ… Bến Thành, chứ không phải bên hông… ChoLon à nghen).

Nhưng thích nhất vẫn là những món ăn Việt, những món mới chỉ nghe tên thôi mà đã “chảy nước miếng,” nào là: bò lá lốt, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, cơm hến, bánh canh cá lóc, bún bò, mì quảng, cháo lòng, cơm tấm… Dĩ nhiên là kể hoài cũng chưa hết, kể nữa thì nào là phở, hủ tiếu Mỹ Tho, miến lươn, cơm gà xối mỡ, bò bía… Điều đáng nói, ở các chợ bên ngoài, mỗi chợ quy tụ một số món ngon, nhưng tại Sense Market hội tụ hầu như đủ mặt “anh hào” của món Việt. Cho nên rất tiện cho quý vị nào có “tâm hồn ăn uống” cứ việc thong thả thưởng thức hết món này tới món kia mà không phải chạy đi chạy lại từ Bến Thành, qua Tân Định, vòng lên Bà Chiểu, xuôi xuống Bà Hoa…

Một điều đáng nói là không gian trong Sense Market khá thoáng đãng, lịch sự (so với các khu chợ Việt khác ở Sài Gòn). Các món ăn được nấu nướng, cũng như bài trí bắt mắt trong một không gian sạch sẽ, ấm cúng… Nên cũng dễ tạo ra niềm tin nơi khách hàng. Chứ thật lòng, có những món ăn liệt vào hạng “đệ nhất khoái” nhưng chúng tôi cũng chưa dám đem mình làm “chuột bạch” để mà thưởng thức trên hè phố. Đó là món “bò nướng lá lốt”và món “cháo lòng”…

Nói đến không gian ẩm thực trong Sense Market mà không nhắc tới những gian hàng “chè Việt,” thì quả là một sai lầm không thể tha thứ.

Chè Việt, bán trong Sense Market hầu hết là chè truyền thống lâu nay của người Việt. Theo đánh giá “chuyên môn” của một số quý bà, quý cô “hảo ngọt.” Thì chè ở đây nấu rất đúng điệu, thơm ngon lại còn… tinh khiết nữa. Chỉ có điều duy nhất cần khắc phục là giảm bớt độ… ngọt, cho hợp với khẩu vị của thời đại “giữ eo và… giảm cân” và cũng để tránh… tiểu đường!

Ngoài ẩm thực thì Sense Market còn có trung tâm mua sắm Taka Plaza. Chuyên bán quần áo thời trang nam -nữ và trẻ thơ, với giá cả phải chăng hợp với túi tiền của giới “thường thường bậc trung.”

Nếu ai đã từng đi mua sắm quần áo tại những khu chợ như Bến Thành, chợ Tân Định, chợ An Đông… hay một số trung tâm thương mại như Lucky Plaza (đường Đồng Khởi, tức Tụ Do cũ), Taka Plaza đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đường Công Lý cũ), khu thương mại Sài Gòn Square (đường Hai Bà Trưng), thì sẽ nhận ra Taka Plaza trong Sense Market là thoáng, mát và dễ chịu hơn cả…

Quảng bá cho hơn… 400 món ăn Châu Á. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Không biết có phải do Sài Gòn ngày nay “tấc đất tấc vàng” hay không, mà hầu hết khu mua sắm trong các chợ cũng như mấy trung tâm thương mại đều rất chật chội, nóng bức khiến du khách chỉ muốn mau mau dời khỏi chốn mua sắm đó. Riêng với Sense Market thì có lẽ vì nằm trong lòng đất, phía trên là công viên với nhiều tán cây xanh, lại được đầu tư hệ thống hút gió và máy lạnh khá tốt. Chỉ sợ lâu ngày máy móc khó được bảo trì, hơn nữa nếu làm ăn không tốt, nội tiền điện để duy trì một không gian mát lạnh lên tới hơn 5000 mét vuông, sẽ là một gánh nặng làm Sense Market mất đi ưu thế.

Một điểm đáng kể nữa của Sense Market là ngoài khu mua sắm, khu ẩm thực thì còn có một khu vực của nhà sách, với diện tích khá lớn. Đây là một không gian khá tĩnh lặng trong lòng Sài Gòn. Người ta có thể vừa nhâm nhi ly cà-phê (hay một loại nước uống nào đó),vừa có thể thong thả đọc sách tại bàn, mà không nhất thiết phải mua cuốn sách đó. Không gian cà-phê sách như vậy, quả là điều hiếm hoi trong một Sài Gòn bon chen, khói bụi ô nhiễm, ồn ào và đâu đâu cũng là “vấn đề đầu tiên” – tiền đâu?

Nhiều người đến với khu Sense Market chỉ để… gởi xe. Vì ở đây có chỗ gởi xe 24/24, giữ cả xe máy lẫn xe hơi. Đó là lại thêm một “điểm cộng”nữa cho Sense Market, nhất là với những ai từng khổ sở tìm một chỗ gởi xe để được tự do…  “over night.”

Gần chợ Bến Thành, gần khu Tây ba-lô Phạm Ngũ Lão (nay mới có thêm phố đi bộ Bùi Viện, được phép kinh doanh tới 2 giờ sáng). Tuy có vị trí đắc địa, nhưng Sense Market vẫn bị “kẹt” là chỉ mở cửa cho tới 10 giờ rưỡi tối.

Sài Gòn vẫn thiếu lắm những không gian cho du khách về đêm. Trong khi khách sạn, quán bar, karaoke, vũ trường “chui” thì vẫn có thể hoạt động… tới sáng. Nhờ vào “đa kim ngân phá luật lệ” – Theo giới người Hoa, và “nén bạc đâm toạc tờ giấy” – Theo giới người Việt.

Nếu không vì “cái đuôi” “đinh hướng… xã ngãi,” thì việc Sài Gòn trở lại thời hoàng kim – Là hòn ngọc Viễn Đông, không phải là điều… viễn mơ!!!

MỚI CẬP NHẬT