Thursday, April 25, 2024

Sinh viên ‘làng đại học’ ở Sài Gòn khốn đốn với kiến ba khoang

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Trung bình mỗi ngày bệnh viện Da Liễu ở Sài Gòn tiếp nhận từ 80 đến 100 người đến khám vì bị kiến ba khoang tấn công. Trong khi đó, những tháng trước hầu như không có ca nào.

Theo báo Tổ Quốc, cứ vào thời điểm Sài Gòn bước vào mùa mưa cũng là lúc kiến ba khoang xuất hiện tấn công nhiều hơn ở các khu dân cư, ký túc xá, đặc biệt là vào ban đêm.

Nhiều sinh viên ở ký túc xá khu B Đại Học Quốc Gia ở Sài Gòn, cho biết mỗi đêm kiến ba khoang bu đen các bóng đèn, sau đó bò sang giường chiếu, quần áo, khăn, mùng mền… và đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực.

Đưa tay vào chỉ vết sưng mủ trên cổ anh Đậu Viết Sỹ, sinh viên trường Đại Học Kinh Tế-Luật nói với báo Tổ Quốc: “Khi Sài Gòn vào mùa mưa, mình nghĩ ngay đến ‘mùa kiến ba khoang’ lại đến. Sợ lắm, vết thương bị kiến cắn sưng tấy, đau ngứa mà không gãi được, nó mọng nước nhìn rất khó chịu. Năm trước mình bị kiến làm bỏng hết cả mặt, đến mấy ngày liền không dám ra đường vì ghê quá.”

Một số sinh viên thậm chí phải nghỉ học vì độc của kiến ba khoang chi chít trên cổ, vai. “Dù không thấy dấu vết của kiến ba khoang nhưng mình vẫn bị nó cắn. Lần này mình bị khá nặng vì dính ở mắt khiến việc nhắm mở mắt khá đau,” anh Anh Đức, sinh viên trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, cho biết.

Nhiều sinh viên tung đủ tuyệt chiêu “diệt kiến” nhưng vẫn không hiệu quả đâm ra sợ. Chị Như Lam, sinh viên trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, cho hay: “Mình đã chủ động tuân theo những yêu cầu của ký túc xá, đóng cửa phòng ngay khi bật đèn, chú ý cẩn thận vệ sinh phòng ở, kiếm tra quần áo khi mặc vậy mà vẫn bị ‘dính chưởng.’ Kiến ba khoang xuất hiện mọi ngóc ngách, nhiều lúc còn leo lên giường mình ngủ. Có đêm, mình nơm nớp sợ đến không ngủ được.”

Một sinh viên bị tổn thương da do tiếp xúc dịch tiết kiến ba khoang. (Hình: Tổ Quốc)

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Bác Sĩ Vũ Thị Phương Thảo, bệnh viện Da Liễu Sài Gòn, cho biết những ngày vừa qua, số lượng bệnh nhân đến khám do viêm da tiếp xúc dị ứng từ côn trùng (chủ yếu là kiến ba khoang) tăng đột biến, với 80-100 lượt/ngày. Thường bệnh nhân đến khám, trên da xuất hiện những mảng sẩn hồng ban với chùm mụn nước, mụn mủ tại một hoặc nhiều vị trí vùng da hở trên cơ thể như mặt, cổ, tay, chân…

Nói về nguyên nhân kiến ba khoang xuất hiện “năm sau nhiều hơn năm trước,” Tiến Sĩ Đoàn Bình Minh, phó viện trưởng Viện Sốt Rét Ký Sinh Trùng-Côn Trùng Sài Gòn thuộc Bộ Y Tế, cho rằng kiến ba khoang thường xuất hiện, xâm nhập vào các khu dân cư, ký túc xá,… gần cánh đồng lúa, bãi cỏ, vũng nước, công trình đang xây dựng dang dở tại các vùng ven như quận 9, quận 7, huyện Hóc Môn, Củ Chi… Nguyên do là người dân lạm dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp và tốc độ đô thị hóa đã khiến môi trường sống của côn trùng nói chung và kiến ba khoang nói riêng dần mất đi, buộc chúng phải xâm nhập vào các khu dân cư.

Các vết thương do dịch tiết của kiến ba khoang gây ra. (Hình: Người Lao Động)

Theo Cục Y Tế Dự Phòng Bộ Y Tế, kiến ba khoang gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo lượng độc chất xâm nhập qua da. Tác nhân gây viêm da là độc chất trong dịch có trong thân kiến ba khoang, độc chất này gây ngứa rát, đỏ cộm, mụn nước nếu chúng ta đập kiến và làm thân kiến vỡ ra.

Nếu tay bị dính độc chất mà sờ vào mắt có thể gây bỏng mắt, nếu vùng tổn thương ở gần mắt, mắt có thể bị sưng. Do vậy, khi thấy kiến đang bò trên người chỉ nên thổi, hoặc để một tờ giấy vào cho kiến bò lên và hất ra khỏi người. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này.

Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da, phải nhanh chóng rửa sạch da và đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT