Saturday, April 20, 2024

Slovakia đóng băng quan hệ với Việt Nam, nghi Trịnh Xuân Thanh dùng tên giả

BRATISLAVA, Slovakia (NV) – “Quan hệ song phương Slovakia-Việt Nam sẽ bị đóng băng cho đến khi Bratislava nhận được lời giải thích đáng tin cậy từ Hà Nội về vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đã kết thúc tại Việt Nam như thế nào.”

Đó là tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Slovakia Boris Gandel được hãng thông tấn nhà nước TASR hôm 19 Tháng Mười, 2018, dẫn lời trong bản tin bằng tiếng Anh.

Đây được cho là bước leo thang mới trong quan hệ ngoại giao Slovakia-Việt Nam. Hôm 27 Tháng Chín, 2018, Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh được ghi nhận “ê chề” khi gặp người đồng cấp Slovakia Miroslav Lajčák bên lề phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ.

Thời điểm đó, các báo Việt Nam khi tường thuật sự kiện này đã giấu nhẹm chuyện ông Minh bị ông Lajčák mạnh mẽ lên án hành động lợi dụng lãnh thổ Slovakia và mượn máy bay của chính phủ Slovakia để chở ông Trịnh Xuân Thanh qua Nga (trước khi đưa về Hà Nội trên một chuyến bay khác).

“Ông Lajčák nói rằng đó là hành vi vi phạm cơ bản luật pháp quốc tế và lạm dụng hệ thống Schengen, gây tác động tiêu cực đến quan hệ Việt Nam-Slovakia,” TASR tường thuật.

Đến nay thì ông Boris Gandel xác nhận rằng Bộ Ngoại Giao Slovakia “vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Việt Nam.”

“Slovakia là quốc gia nghiêm túc và sẽ có hành động ngoại giao nghiêm khắc đối với Việt Nam khi những nghi ngờ nghiêm trọng về Việt Nam trong vụ Trịnh Xuân Thanh được chính thức xác nhận. Slovakia vẫn bảo lưu quan điểm rằng chính phủ Việt Nam đã lợi dụng Slovakia trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh,” ông Gandel được trích lời nói.

Phát ngôn của ông Gandel được đưa ra trong bối cảnh đảng đối lập Tự Do và Đoàn Kết (SaS) đang dấy lên lời kêu gọi trục xuất đại sứ Việt Nam.

Trong khi đó, tuần báo Spectator và nhật báo Denník N của Slovakia tiếp tục công khai thêm chi tiết về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: “Có người trong phái đoàn giới chức công an Việt Nam (tiến hành vụ này) không có visa Schengen nhưng Slovakia đã cho họ ngoại lệ ra vào nước này. Vụ này sẽ gần như không thể thực hiện được nếu không có sự trợ giúp đắc lực của cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Robert Kaliňák, người đã cho phái đoàn Việt Nam sử dụng máy bay của chính phủ.”

Đáng lưu ý, hai tờ báo nêu trên cho biết thêm: “Một passport trong đoàn Việt Nam thiếu visa Schengen theo yêu cầu. Tên của người đó trên passport là Trung Việt Lưu và ngày tháng năm sinh là 2 Tháng Chín, 1968. Người này nhiều khả năng chính là Trịnh Xuân Thanh. Các nhân viên cận vệ của Slovakia mô tả rằng họ để ý trong ba người Việt cuối cùng lên máy bay, hai người giữ chặt người còn lại. Slovakia có thể cấp ngoại lệ ra vào nước này mà không cần visa Schengen vì ba lý do: nhân đạo, lợi ích của nhà nước hoặc cam kết quốc tế.”

Báo chí Slovakia tiết lộ trong vụ này, cảnh sát Slovakia đã hoàn toàn mất dấu Lê Hồng Quang, cựu đại biện lâm thời Sứ Quán Slovakia tại Hà Nội, người được báo chí Đức và Slovakia xem là nhân chứng rất quan trọng trong việc móc nối cho đoàn giới chức công an Việt Nam đưa ông Thanh từ Bratislava sang Moscow vào ngày 26 Tháng Bảy, 2017.

Tuy vậy, cuộc điều tra vẫn sẽ tiếp tục, nhưng cảnh sát sẽ tập trung vào những kẻ bắt cóc từ Việt Nam thay vì cựu Bộ Trưởng Kaliňák.

Tính đến thời điểm này, các báo ở Việt Nam cũng như Bộ Ngoại Giao CSVN vẫn tiếp tục giữ im lặng về cáo buộc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT