Friday, April 19, 2024

Thủ tướng Nhật đến Việt Nam, Indonesia liên kết khu vực ASEAN

TOKYO, Nhật Bản (NV) – Tân Thủ Tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ đến Việt Nam và Indonesia từ Chủ Nhật tới đây nhằm liên kết với các nước khu vực ASEAN.

Đài truyền hình NHK ở Tokyo đưa tin Thủ Tướng Saga sẽ đến hai nước Việt Nam và Indonesia trong chuyến đi kéo dài bốn ngày qua hai nước ASEAN từ Chủ Nhật, 18 Tháng Mười, trong chương trình “nhằm chứng tỏ cho cả trong nước và hải ngoại biết rằng Nhật Bản sẽ đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng ở khu vực.”

Tân Thủ Tướng Nhật Yoshihide Suga (phải) được thủ lãnh đảng Komeito (Công Minh Đảng) đón rước khi ông đến dự đại hội của đảng này cuối Tháng Chín, 2020. (Hình: STR/Jiji Press/AFP/Getty Images)

Nguồn tin vừa kể nói ông Suga sẽ gặp Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thống Indonesia Joko Widodo trong chuyến công du đầu tiên của ông với tư cách thủ tướng.

Chuyến công du của ông Suga đến Việt Nam diễn ra một tuần lễ sau khi nhóm ba tàu chiến gồm cả mẫu hạm trực thăng và tàu ngầm đến cảng Cam Ranh tiếp nhận thêm nhiêu liệu sau cuộc tập trận săn tàu ngầm trên Biển Đông mà người ta tin chỉ là cái cớ bề ngoài được loan báo.

Tháng trước, khi báo chí Nhật tiết lộ ông Suga dự tính đến Hà Nội và Jakarta khoảng giữa Tháng Mười, báo tài chính Nikkei cho rằng ông vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại của người thủ tướng tiền nhiệm là thúc đẩy cho một khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở rộng” như Hoa Kỳ lâu nay vẫn cổ võ.

Cả Việt Nam và Indonesia đều đóng vai trò chính yếu trong hiệp hội các nước ASEAN và sự hợp tác với họ sẽ là trụ cột cho các kế hoạch đối phó với tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Khi ông lên nhậm chức thủ tướng ngày 16 Tháng Chín thay thế Thủ Tướng Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe, ông Suga đã công khai xác nhận trong bài diễn văn là “tôi sẽ theo đuổi các chính sách đối ngoại dựa trên thực tế của liên minh Mỹ-Nhật.”

Cả Việt Nam và Indonesia đều phải đối phó với tham vọng muốn nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc và cũng không có khả năng đối phó trực diện với Bắc Kinh về quân sự. Hà Nội chỉ cho phát ngôn viên ngoại giao tuyên bố cả quyết chủ quyền biển đảo hoặc gửi công hàm phản đối Bắc Kinh dù tàu chiến, hải cảnh và ngay cả tàu đánh cá “dân quân biển” của Trung Quốc ngang ngược ngay trên các vùng biển đặc quyền của nước mình.

Đường sắt đô thị Metro Bến Thành-Suối Tiên ở Sài Gòn dài gần 20 km được đầu tư và xây dựng với tín dụng ODA của Nhật Bản hiện đang bắt đầu chạy thử. (Hình: VNExpress)

Theo Nikkei, thủ tướng Nhật nhắm phối hợp nỗ lực với Việt Nam và Indonesia trên các vấn đề Biển Đông. Những cuộc tập trận dồn dập của Mỹ cũng như của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian mấy tháng gần đây khiến người ta lo ngại xung đột quân sự ngày một nguy cơ cao hơn ở khu vực, làm các nước nhỏ ASEAN bối rối khi họ giao thương sâu rộng với cả Trung Quốc và Nhật cũng như Mỹ và Âu Châu.

Tuy nhiên Nhật Bản nhiều phần sẽ kêu gọi các đối tác ASEAN về một chương trình ổn định an ninh khu vực với hy vọng làm giảm thiểu tham vọng bá quyền của Bắc Kinh ở khu vực.

Với Việt Nam, suốt 40 năm qua, nước Nhật đã viện trợ và cấp tín dụng ODA nhiều nhất với $27 tỉ. Nhật cũng là đối tác thương mại đứng hàng thứ tư của Việt Nam, thống kê mậu dịch hai chiều giữa hai nước năm 2018 là $38 tỉ. Giới đầu tư Nhật Bản đã đổ vào Việt Nam gần $60 tỷ qua 4,300 dự án sản xuất, vừa giúp phát triển kinh tế vừa cung cấp việc làm cho dân lao động. (TN)

MỚI CẬP NHẬT