Thursday, March 28, 2024

Thương lái Trung Quốc vẫn định đoạt nông phẩm Việt

VIỆT NAM (NV) – Tuy giá bán thịt heo, trứng gà ở đồng bằng sông Cửu Long đã dưới giá vốn nhưng hai tháng vừa qua, nông dân và chủ các trại chăn nuôi vẫn không bán được cả heo lẫn trứng.

Theo ước tính của một số người, đối với mỗi con heo nặng một tạ, cả nông dân lẫn chủ các trai chăn nuôi lỗ khoảng 500,000 đồng và đối với mỗi trái trứng gà, họ lỗ khoảng 500 đồng.

Lý do chính dẫn tới thảm trạng vừa kể vẫn là từ giữa Tháng Mười Hai năm ngoái, thương lái Trung Quốc đột nhiên ngừng mua thịt heo và trứng.

Một số chuyên gia kinh tế tiếp tục lập lại khuyến cáo mà họ đã nêu ra nhiều lần, từ rất lâu rằng, nếu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, kể cả sản phẩm chăn nuôi cứ tiếp tục phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì nông dân Việt Nam sẽ tán gia, bại sản.

Báo chí Việt Nam cho biết, dù chính quyền của nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã hối hả liên lạc với các doanh nghiệp Việt Nam chuyên chế biến thịt heo, trứng để nhờ mua thịt heo, trứng gà giúp nông dân nhưng những doanh nghiệp đó đều lắc đầu vì đã có sẵn nguồn hàng.

Người ta dự đoán, cả nông dân lẫn chủ các trại chăn nuôi sẽ lỗ nặng hơn do phải ráng nuôi heo, gà quá lứa. Trong khi chi phí tăng không ngừng thì giá bán vẫn thế.

Giống như những thảm họa đã từng xảy ra nhiều lần với đủ loại nông sản, chính quyền các tỉnh chỉ khuyến cáo nông dân và chủ các trại chăn nuôi nên thu hẹp đàn heo rồi đề nghị Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn trợ giúp.

Dẫu có một hệ thống đồ sộ từ trung ương đến địa phương với hàng loạt ngành: nông nghiệp – phát triển nông thôn, công – thương,… nhưng chính quyền Việt Nam vẫn không thể kéo nông nghiệp, nông dân Việt Nam thoát ra khỏi thế lệ thuộc thương lái Trung Quốc.

Nông dân Việt Nam trồng gì, nuôi gì, kể cả săn lùng thứ gì hoàn toàn do thương lái Trung Quốc định đoạt.

Tháng Ba năm ngoái, sau hàng loạt sự kiện liên quan đến thực trạng thương lái Trung Quốc tự do tung hoành, nguy hại cho cả môi trường, hệ sinh thái, lẫn kinh tế – xã hội Việt Nam, lần đầu tiên Bộ Công Thương Việt Nam cảnh báo động cơ của thương lái Trung Quốc là “không rõ ràng.”

Trước đó, khi còn là đại biểu của Quốc Hội Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Trân, từng nhận định, phải xem việc thương lái Trung Quốc nâng giá một loại nông sản nào đó để nông dân thi nhau trồng, thi nhau nuôi rồi ngưng mua, hoặc tận thu mọi thứ là có thâm ý.

Theo ông Trân, những chiến dịch thu mua của thương lái Trung Quốc đã làm nông dân khánh kiệt, kinh tế – xã hội bất ổn. Những chiến dịch thu mua này còn nhằm tận diệt các loại thực vật, động vật quý hiếm, thúc đẩy tiến trình phá rừng, làm đất sớm bạc màu, khiến quá trình rửa trôi đất đồi núi diễn ra nhanh hơn, phá hoại môi sinh, môi trường. Thậm chí đánh vào các doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu nguyên liệu, mất uy tín vì không còn khả năng thực hiện đúng hợp đồng.

Ông Trân khẳng định, không ai nghĩ rằng, thương lái Trung Quốc chỉ là những cá nhân vào Việt Nam làm ăn riêng lẻ. Ông Trân kêu gọi, phải xem chuyện giải quyết tình trạng thương lái Trung Quốc đang phá hoại kinh tế – xã hội Việt Nam là “một nhiệm vụ không thể trì hoãn.”

Có thể vì hệ thống công quyền Việt Nam xem việc chống “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” “giữ vững sự ổn định chính trị,” “duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN” quan trọng hơn nên tình trạng thương lái Trung Quốc tự do định đoạt thị trường nông sản trở thành chuyện nhỏ. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT