Thursday, March 28, 2024

Thủy điện vừa và nhỏ đang có dấu hiệu hồi sinh tại Việt Nam

VIỆT NAM (NV) – Chính quyền nhiều địa phương tại Việt Nam lại tiếp tục xin thực hiện thêm các công trình thủy điện vừa và nhỏ cho dù chúng đã được xác định là lợi bất cập hại.

Cách nay bốn tháng, Thủ Tướng Việt Nam yêu cầu Bộ Công Thương tạm ngưng cấp giấy phép đầu tư cho những dự án thủy điện có thể “tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái”.

Trong một công điện gửi cho nhiều cơ quan hữu trách hồi hạ tuần Tháng Ba, Thủ Tướng Việt Nam yêu cầu gia tăng kiểm soát việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện. Bộ Công Thương được yêu cầu phải cương quyết loại bỏ các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường và đời sống dân chúng. Đồng thời phải cùng với Bộ Tài Nguyên – Môi Trường hoàn thiện quy trình vận hành các hồ chứa để vừa bảo đảm hiệu quả phát điện, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở khu vực hạ du trong mùa khô, cắt – giảm lũ và các tác động tiêu cực trong mùa mưa. Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn thì được yêu cầu buộc chủ đầu tư các dự án thủy điện trồng rừng thay thế ngay lập tức.

Đầu thập niên 2000, chính quyền Việt Nam từng cho phép thực hiện ồ ạt hàng ngàn dự án thủy điện, đa số là thủy điện vừa và nhỏ và điều đó tạo ra một thảm họa mới cả về kinh tế, môi trường lẫn dân sinh.

Chẳng hạn tại khu vực Tây Nguyên, ngoài chuyện nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng rất cẩu thả nên đã xảy ra hàng loạt tai nạn nghiêm trọng như vỡ đập, nứt đập,… khiến người chết, nhà cửa, ruộng vườn bị hư hại, các công trình, dự án thủy điện còn làm Tây Nguyên mất 80,000 héc ta đất, gây xáo trộn sinh hoạt, sinh kế của 26,000 gia đình, phần lớn là người thiểu số.

Năm 2013, Ủy ban Khoa Học – Công Nghệ – Môi Trường của Quốc Hội Việt Nam tiến hành thẩm tra các công trình thủy điện và xác định, việc quản lý chất lượng, an toàn tại các công trình thủy điện vừa và nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Khoảng 30% đập chắn nước chưa được kiểm định. Khoảng 66% đập chắn nước chưa được duyệt phương án bảo vệ. Khoảng 55% chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão. Ủy ban này cho biết thêm rằng, từ 2006 đến 2012, Việt Nam có 160 dự án thủy điện đã hủy diệt 19.792 héc ta rừng. Đến nay, diện tích rừng được trồng để thay thế chỉ chừng 3,7%.

Năm 2014, chính quyền Việt Nam chính thức thú nhận, những dự án thủy điện vừa và nhỏ, đặc biệt tại Tây Nguyên là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự bần cùng. Từ khi có các dự án thủy điện, vào mùa khô, cả điện lẫn nước ở nhiều khu vực cùng thiếu. Hạn hán đang theo xu hướng năm sau nghiêm trọng hơn năm. Chuyện xả lũ vô tội vạ của các nhà máy thủy điện sau những trận bão lớn còn làm chết thêm hàng trăm người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.

Nhiều đại biểu Quốc Hội Việt Nam đã chỉ trích kịch liệt việc phát triển thủy điện theo phong trào, khiến Việt Nam mất thêm hàng chục ngàn héc ta rừng, khiến hàng triệu người sống ở khu vực hạ du căng thẳng vì những rủi ro không thể dự báo. Họ cho rằng, phải truy cứu trách nhiệm cá nhân trong chuyện cho phép thực hiện tràn lan các công trình thủy điện.

Đó cũng là lý do, Tháng Ba vừa qua, Thủ tướng Việt Nam thể hiện thái độ hết sức cứng rắn với các dự án thủy điện vừa và nhỏ.

Đáng ngạc nhiên là tại một hội thảo do Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam tổ chức hồi cuối tuần trước, chính quyền nhiều địa phương khăng khăng xin thực hiện thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ, còn Bộ Công Thương Việt Nam công khai tán thành.

Chẳng hạn theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ, tuy Bộ Công Thương đã loại bỏ 54/123 dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Lào Cai nhưng chính quyền tỉnh này vừa xin “bổ sung vào quy hoạch thủy điện” mười dự án khác.

Không riêng Lào Cai, chính quyền các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk cũng đang làm như thế. Quảng Trị đang xin “bổ sung bốn dự án thủy điện” sau khi có 10 dự án thủy điện bị loại ra khỏi quy hoạch. Quảng Nam muốn “bổ sung 14 dự án thủy điện”. Theo quy hoạch, Đắk Lắk chỉ còn 9 dự án thủy điện nhưng đã thành công trong việc vận động Bộ Công Thương trình chính phủ Việt Nam bổ sung vào quy hoạch thủy điện của tỉnh này sáu dự án thủy điện khác.

Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam, thừa nhận, các dự án thủy điện làm mất rừng, khiến thiên tai (hạn hán, lũ) trầm trọng hơn nhưng vì Việt Nam có “nguy cơ thiếu điện” nên cần xem xét lại chủ trương về thủy điện.

Các chuyên gia năng lượng của ngoại quốc và một số chuyên gia về năng lượng của Việt Nam từng chứng minh, Việt Nam không cần thủy điện và các nhà máy phát điện bằng than vẫn đủ điện nếu đầu tư thỏa đáng cho năng lượng tái tạo (phát triển các dự án phát điện từ năng lượng mặt trời, gió, sinh khối – bã mía, bắp). Tuy nhiên những dự án loại này vẫn đang “xếp hàng chờ được phê duyệt”. Chưa kể do giá mua điện do Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) ấn định quá thấp, chỉ 7,8 cent/kWh nên nhiều nhà đầu tư lưỡng lự.

Cũng vì vậy, thỉnh thoảng, các cơ quan hữu trách tại Việt Nam và EVN lại có cơ hội cảnh báo về “nguy cơ thiếu điện”, từ đó có cơ sở vận động cho việc phát triển thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ, nhà máy phát điện bằng than – vốn đã được xác định là sẽ hủy diệt môi trường sống. (G.Đ.)

 

MỚI CẬP NHẬT