Saturday, April 20, 2024

Trung Quốc phá giá tiền tệ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lao đao

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việc Trung Quốc cho phá giá đồng tiền Reminbi (RMB, tức nhân dân tệ) trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung leo thang sẽ khiến hoạt động xuất cảng của các doanh nghiệp Việt Nam lao đao trong thời gian tới.

Hôm 14 Tháng Năm, 2019, Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc cho biết đã quyết định phá tỷ giá đồng RMB đối với đồng Mỹ kim (USD) ở mức 0.6%, đặt tỷ giá 6.83 RMB đổi $1, mức thấp nhất kể từ đầu Tháng Giêng, 2019, nhằm đẩy mạnh xuất cảng.

Theo báo Người Lao Động ngày 16 Tháng Năm, đồng RMB giảm giá mạnh khiến nhiều doanh nghiệp xuất cảng Việt Nam lo lắng, bởi Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Cụ thể, khi RMB bị mất giá nhiều hơn so với đồng tiền Việt Nam (VNĐ) trước đồng USD sẽ tạo ra chênh lệch giữa đồng RMB và VNĐ. Lúc này, giá hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất cảng của Việt Nam.

Chưa hết, khi đồng RMB giảm giá, hàng Trung Quốc sẽ rẻ hơn và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, hàng Việt vào Trung Quốc khó khăn hơn, đồng thời kém cạnh tranh hơn ở các thị trường khác.

Ông Đoàn Văn Sang, giám đốc Công Ty Chế Biến Nông Sản Cát Tường, chuyên xuất cảng thanh long qua Trung Quốc, cho biết đồng RMB giảm giá khiến các doanh nghiệp xuất cảng nông sản lo lắng. Bởi lẽ, trong tình hình căng thẳng, phức tạp của thương chiến Mỹ – Trung hiện nay, chỉ doanh nghiệp nào xuất cảng chính thức trực tiếp vào Trung Quốc mới có lợi thế để đàm phán, thương thảo hợp đồng, điều khoản thanh toán theo hướng có lợi. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt xuất cảng qua Trung Quốc thường không chính thống nên chắc chắn sẽ khó khăn hơn.

Năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam xuất cảng khoảng 75 triệu đôi giày, dép các loại, trị giá $1.4 tỷ sang Trung Quốc.”Khi RMB mất giá, Việt Nam có cơ hội mua nguyên phụ liệu đầu vào từ thị trường này thấp hơn. Nhưng ngược lại, hàng Trung Quốc cũng sẽ rẻ hơn ở các thị trường khác để nâng cao tính cạnh tranh, nhất là thị trường EU (khối Âu Châu), Nhật Bản và các nước Đông Á… Lúc này, hàng Việt Nam sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh, thậm chí các doanh nghiệp Việt mất thị phần vào các tay doanh nghiệp Trung Quốc ở những thị trường khác,” ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp Hội Da Giày-Túi Xách Việt Nam, phân tích.

Theo Hiệp Hội Chế Biến Và Xuất Cảng Thủy Sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc cũng là một trong bốn thị trường có giá trị nhập cảng thủy sản Việt Nam trên $1 tỷ/năm. Thế nhưng, trong Quý I/2019, do đà mất giá của đồng RMB xuất cảng thủy sản sang thị trường này chỉ đạt $239 triệu, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018.

Các nhà nhập cảng Trung Quốc có xu hướng lựa chọn tôm Ấn Độ giá rẻ thay vì tôm Việt Nam khiến cho xuất cảng tôm Việt bị sụt giảm liên tục từ năm ngoái đến nay, ảnh hưởng hơn 150 doanh nghiệp xuất cảng thủy sản.

Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trưởng Khoa Tài Chính trường Đại Học Kinh Tế Sài Gòn, nhận định việc RMB mất giá sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất cảng của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Về lâu dài, hệ lụy của việc RMB giảm giá sẽ là không nhỏ, gây sức ép lên tỉ giá USD/VNĐ trong bối cảnh đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế. Lúc này, “quả bóng” đang nằm trong tay của Ngân Hàng Nhà Nước, thành hay bại là do quyết sách điều hành của chính phủ CSVN.

Bộ Công Thương thừa nhận với báo Người Lao Động, “Việt Nam là một trong những thị trường đang hưởng lợi khi xuất cảng hàng hóa sang Mỹ tăng cao, nhưng ở chiều ngược lại, xuất cảng sang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn và sụt giảm.” (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT