Thursday, March 28, 2024

Văn Phòng Đại Biểu Quốc Hội ở Sài Gòn từ chối tiếp người dân Lộc Hưng

Kalynh Ngô/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Văn Phòng Đại Biểu Quốc Hội ở Sài Gòn khóa cổng không tiếp người dân Lộc Hưng đến nộp đơn khiếu nại.

Sáng 17 Tháng Giêng, 2019, khoảng 100 người dân oan vườn rau Lộc Hưng lên đường đến các cơ quan chức năng của thành phố và trung ương nộp đơn khiếu kiện khẩn cấp. Tuy nhiên, Văn Phòng Đại Biểu Quốc Hội ở Sài Gòn khóa cổng, từ chối đón tiếp.

Trước đó một ngày, đại diện cho các nhà dân ở vườn rau Lộc Hưng là ông Cao Hà Chánh đã ký vào “Đơn Kêu Cứu Khẩn Cấp” gửi đến lãnh đạo đảng và nhà nước, các cơ quan thẩm quyền trung ương, cơ quan báo chí và truyền thông.

Trong đơn, họ tường trình toàn bộ nguồn gốc lịch sử khu đất vườn rau từ năm 1955 và thời gian sinh sống của họ ở đây đã được chính quyền từ thời Pháp thuộc và VNCH chấp nhận.

Người dân khẳng định bà con ở đây thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất Đai, tuy nhiên từ năm 1999 Ủy Ban Nhân Dân quận Tân Bình luôn tránh né, không trả lời và giải quyết cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất cho bà con.

Đặc biệt, họ nêu rõ trong đơn kêu cứu là ruộng đất đã trở nên khô cằn, không còn thích hợp cho việc trồng rau; hệ thống thoát nước của khu vực dân cư hiện hữu liền kề đã xuống cấp, thoát nước trực tiếp ra khu vườn rau gây ngập úng hoa màu. Quy hoạch ở khu này từng được lập ra nhưng không có kế hoạch khai triển thực hiện cụ thể dẫn đến tình trạng người dân có đất nhưng lại không có nơi ở, không thể sản xuất, kinh doanh trong suốt gần 20 năm. Cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Rất nhiều lần bà con vườn rau Lộc Hưng đã gửi văn bản xin được dùng khu đất để canh tác tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhưng không nhận được hồi đáp từ chính quyền địa phương.

Đây là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng xây dựng nhà không giấy phép trên khu đất vườn rau.

Đơn Kêu Cứu Khẩn Cấp của người dân Lộc Hưng. (Hình: Tin Mừng Cho Người Nghèo)

Tất cả những vấn đề nêu ra trong “Đơn Kêu Cứu Khẩn Cấp” đúng với chia sẻ của một người dân sống ở vườn rau Lộc Hưng từng trả lời phỏng vấn báo Người Việt.

Trên cơ sở cuộc sống thay đổi, biến động trong xã hội, từ việc trồng rau đến việc mưu sinh càng ngày càng khó khăn, con cái gia đình thêm người buộc chúng tôi phải nghĩ ra cách nào đó để mưu sinh. Đó là một trong những yếu tố mà nhà cầm quyền lấy cái cớ là xây dựng trái phép. Không cấp phép thì lấy gì có phép để mà xây,” theo người dân này.

Phóng viên nhật báo Người Việt liên lạc với Luật Sư Đặng Đình Mạnh ở Sài Gòn, là người đại diện cho nhóm các công ty luật hỗ trợ pháp lý cho người dân Lộc Hưng, ông cho biết quan điểm về đơn kêu cứu: “Sau khi chúng tôi lượt qua các tài liệu chứng cứ của bà con ở vườn rau Lộc Hưng xuất trình cho xem thì có khá nhiều vấn đề pháp lý mà khi diễn ra vụ đập phá giải tỏa nhà đã có rất nhiều điểm trái pháp luật. Trước tiên nói về nguồn gốc đất. Đánh giá của phía chính quyền là không đúng. Rất nhiều tài liệu, chứng cứ cho thấy là đất này từ trước năm 1975 trở về sau thì nó hoàn toàn không phải là đất công.”

“Thứ hai, về vấn đề nhà, không chỉ là nhà xây dựng sau năm 1975 mà trong đó có nhiều nhà xây dựng trước 1975, thì trước 1975 làm gì có chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa để mà nhân dân xin phép? Sau đó, khi người dân xin phép thì chính quyền không cấp phép. Nhưng vì nhu cầu nhà ở nên người dân buộc phải xây. Việc không cấp phép là trách nhiệm của nhà nước,” ông nói tiếp.

“Thứ ba, khi cho rằng nhà xây dựng trái pháp luật phải giải tỏa thì phải có qui trình của nó. Phải có biên bản ghi nhận sự việc, rồi chính quyền ra quyết định xử phạt hành chánh. Nếu người dân không chấp hành thì chính quyền buộc người dân tự tháo dỡ. Nếu người dân không làm thì lúc đó mới tiến hành cưỡng chế,” ông nói thêm.

Khoảng 164 nhà dân đã tham gia ký đơn khiếu kiện việc chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ gần 200 căn nhà tại khu vườn rau Lộc Hưng.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi rằng liệu người dân Lộc Hưng có hy vọng đạt được những yêu cầu, kiến nghị trong đơn kiện các cấp lãnh đạo đã thực hiện việc cưỡng chế đất đai nhà cửa của họ hay không, Luật Sư Mạnh cho biết: “Tôi tin rằng nếu sự việc được giải quyết thật sự trên tinh thần cầu thị, tôn trọng pháp luật và tôn trọng quyền lợi của người dân thì người dân sẽ bảo vệ được quyền lợi của mình.

Luật Sư Mạnh và Luật Sư Trịnh Vĩnh Phúc có cho chúng tôi biết rằng đã có năm luật sư trong nhóm các luật sư hỗ trợ pháp lý cho bà con vườn rau Lộc Hưng bị tấn công Facebook cá nhân.

Thêm vào đó, truyền thông trong nước cho biết công an quận Tân Bình, Sài Gòn, đang củng cố hồ sơ “xử lý” gần 20 người có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối lực lượng và chống người thi hành công vụ ở khu đất vườn rau Lộc Hưng.

Công an quận nói rằng khu vực này có nhiều người ở trọ là đối tượng hình sự, đối tượng “hoạt động chống phá.”

Sau khi cưỡng chế, họ phát hiện phòng cách âm, máy ghi âm, máy quay phục vụ cho truyền thông và tài liệu có nội dung tuyên truyền xấu nhưng không nói rõ là tài liệu như thế nào.

Nhà báo tự do, blogger Phạm Đoan Trang viết trên Facebook cá nhân cho rằng, “tài liệu xấu” mà công an nói tới là hai cuốn sách “Chính Trị Bình Dân” do chính cô là tác giả và “Học Chính Sách Công Qua Chuyện Đặc Khu” do cô đồng tác giả với hai nhà hoạt động nhân quyền là Nguyễn Anh Tuấn, Trịnh Hữu Long. (Kalynh Ngô)

MỚI CẬP NHẬT