Thursday, April 25, 2024

Việt Nam kinh tế kiệt quệ, bế tắc, lại đề cao vai trò tư nhân ‘như lối thoát’

VIỆT NAM (NV) – Ba mươi mốt năm sau khi cho phép tư nhân tổ chức sản xuất, kinh doanh, chính phủ Việt Nam tuyên bố “sẽ tập trung phát triển kinh tế tư nhân” và xem đó như lối thoát.

Cho dù đã gạt bỏ hình thái kinh tế theo kế hoạch, nhờ vậy thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện hồi giữa thập niên 1980 nhưng “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đã làm Việt Nam kiệt quệ về nội lực, liên tục suy thoái. Vào lúc hoàn toàn bế tắc như hiện nay, thêm một lần nữa, tư nhân được xác định như cứu cánh.

Tuy nhiên cả các chuyên gia kinh tế lẫn doanh giới không lạc quan.

Nhìn lại giai đoạn vừa qua, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, sự góp mặt của tư nhân vốn đã tạo ra động lực mới, mạnh mẽ cho phát triển nhưng do có sự khác biệt lớn giữa nói và làm – tuyên bố ủng hộ nhưng trên thực tế lại “phân biệt đối xử”, vẫn “kỳ thị khu vực tư nhân”, vẫn xem doanh nghiệp nhà nước là “trụ cột”, là “anh cả” thành ra gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia dồn vào doanh nghiệp nhà nước.

Trong cuộc trao đổi gần đây với tờ Tuổi Trẻ, ông Thiên gọi đó là sự “méo mó” về chính sách”. Sự “méo mó” này đã làm cho kinh tế tư nhân kém thế, gánh chịu nhiều thiệt thòi, chậm lớn, yếu. Ông Thiên nói thêm, đó là lý do tại sao chính quyền Việt Nam phải tiến hành “tái cơ cấu nền kinh tế” nhằm phân bổ lại nguồn lực.

Theo ông Thiên “kỳ thị khu vực tư nhân” không chỉ tạo ra sự “phân biệt đối xử” giữa doanh nghiệp nhà nước với tư nhân mà còn “phân biệt đối xử” giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư của ngoại quốc (doanh nghiệp FDI) với doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam. Ông Thiên khẳng định, nếu sự hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tốt hơn thì khối này đã có thể phát triển ngang ngửa với khối doanh nghiệp FDI, có thể cạnh tranh và liên kết tạo ra sự “cộng hưởng về sức mạnh”.

Bởi “kỳ thị khu vực tư nhân” nên số doanh nghiệp tư nhân phát triển bằng thực lực, bằng nền tảng công nghệ rất ít. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân trở thành lớn là nhờ “đầu cơ chính sách”, có chỗ “chống lưng”. Ông Thiên khẳng định, thực tế hiện nay là hệ quả của “mô hình kinh tế lệch lạc”, duy trì tăng trưởng trên cơ sở khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp, khuyến khích đầu cơ, khuyến khích làm “cò mồi” hơn là sản xuất thật.

Ông Thiên nhấn mạnh, phải có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, muốn vậy phải xác định tư nhân là nền tảng để phân bổ nguồn lực cho phù hợp, không thể dành riêng nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước.

Trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ về cùng đề tài, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thép Việt, bảo rằng, dù chủ trương “tập trung phát triển kinh tế tự nhân” là quá muộn nhưng còn hơn không. Dù đóng góp cho quốc gia không nhỏ song trước nay, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam luôn phải “nghe ngóng” chính phủ để tìm đường cho mình. Ông Thái bảo rằng, chủ trương “tập trung phát triển kinh tế tự nhân” nhất thiết phải được giám sát đặc biệt, phải tạo ra được sự công bằng trong môi trường kinh doanh.

Tuần tới, chính phủ Việt Nam sẽ đối thoại với doanh giới Việt Nam về chuyện “đồng hành” cùng họ. Dù cách nhìn doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã khác nhưng theo bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, nơi tổ chức cuộc đối thoại này thì các thủ tục để tiếp cận đất đai, thuế, hải quan, thanh tra, kiểm tra vẫn chưa như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Sự bình đẳng về cơ hội kinh danh, tiếp cận nguồn lực vẫn chưa rõ ràng mà chỉ nằm trong nội dung các nghị quyết. (G.Đ)

Cá chết thối bờ nửa tháng tại Quảng Nam, chính quyền vẫn thờ ơ

MỚI CẬP NHẬT