Friday, March 29, 2024

Luật Biểu Tình bị Quốc Hội CSVN trì hoãn sang năm thứ 10

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Công An CSVN “đề xuất chính phủ báo cáo Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội cho phép lùi thời gian trình dự thảo Luật Biểu Tình” lấy cớ “vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc.”

Báo VNExpress hôm Thứ Ba, 12 Tháng Năm, đưa tin như trên về một dự luật năm nào cũng thấy đề cập “lùi lại” cho năm sau suốt từ năm 2011 đến nay vẫn thấy còn “lùi” không biết đến bao giờ.

Bản tin của VNExpress viết: “…Thực hiện chỉ đạo của chính phủ hồi Tháng Ba, 2020, Bộ Công An đã phối hợp với các cơ quan chức năng, tổng kết 10 năm thực hiện nghị định của chính phủ về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; tổ chức nhiều hội thảo, khảo sát thực tế, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm một số nước như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… để xây dựng Luật Biểu Tình.”

Theo nguồn tin trên thì dự thảo luật này “đã được các bộ, ngành tham gia ý kiến, Bộ Tư Pháp thẩm định, các thành viên chính phủ cho ý kiến.” Nhưng “vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất cao về những trường hợp áp dụng, trường hợp nào không được tổ chức, tham gia biểu tình, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình…” nên lại xin hoãn.

Tại các nước dân chủ, luật thường do các nhà lập pháp độc lập với chính quyền soạn thảo qua sự hợp tác của các chuyên gia pháp lý. Tại Việt Nam, luật hoàn toàn do các bộ ngành của nhà cầm quyền soạn thảo, phục vụ nhu cầu của chế độ độc tài đảng trị. Khi đem ra Quốc Hội biểu quyết thì các “đại biểu” đều là đảng viên cao cấp CSVN được “cơ cấu” từ trung ương tới địa phương nên luật nào cũng đều được thông qua “nhất trí cao.”

Trong trường hợp của “Luật Biểu Tình” ngâm suốt 10 năm, Bộ Công An được giao trách nhiệm soạn thảo lại cũng chính là lực lượng cầm dùi cui, gậy gộc đàn áp người dân biểu tình nên mãi vẫn cứ “vướng mắc.”

Trong văn bản đề nghị lùi đệ trình Luật Biểu Tình, theo VNExpress, Bộ Công An kêu rằng: “Dự án Luật Biểu Tình có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân rất quan tâm nên phải được nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá.”

Dân Hà Nội biểu tình chống “Luật Đặc Khu Kinh Tế” và “Luật An Ninh Mạng” ngày 10 Tháng Sáu, 2018. (Hình: AFP/Getty Images)

Tháng Mười Một, 2011, Quốc Hội CSVN thông qua nghị quyết đưa dự án Luật Biểu Tình vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc Hội nhiệm kỳ khóa 13 sau khi hàng loạt các cuộc biểu tình “tự phát” của người dân tại Hà Nội và Sài Gòn chống Trung Quốc bá quyền bành trướng trên Biển Đông. Ngâm cho đến năm 2016 thì “Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội cho rằng nhiều vấn đề quan trọng trong dự luật này vẫn còn có ý kiến khác nhau, nên chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc Hội.”

Đến năm sau lại thấy dự thảo luật “chưa đạt yêu cầu” nên rút lại. Năm sau nữa tức đến khóa họp đầu của năm 2017, ông tổng thư ký của Quốc Hội CSVN kêu rằng vẫn phải hoãn đệ trình Dự Luật Biểu Tình vì “chất lượng chưa đảm bảo.” Nay, năm 2020, vẫn chưa hoàn thiện vì cần phải làm sao để bọn “thế lực thù địch” bên ngoài và “phản động” bên trong đừng “xuyên tạc, hoạt động chống phá.”

Tháng Sáu, 2018, hàng chục ngàn người tại nhiều thành phố, đặc biệt là Hà Nội và Sài Gòn, biểu tình chống hai luật “Luật Đặc Khu Kinh Tế” và “Luật An Ninh Mạng.” Luật trước bị dân chúng nghi ngờ “nhóm lợi ích” chế độ Hà Nội làm ra để “bán nước” khi cho thuê 3 khu vực quan yếu quốc phòng an ninh Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) cho người Trung Quốc, tới 99 năm. Luật sau là siết chặt quyền tự do thông tin và phát biểu trên mạng của người dân.

Hàng ngàn người đã bị bắt giữ. Họ chỉ được thả ra sau khi bị đánh đập dã man và bị buộc phải ký cam kết không đi biểu tình, rất nhiều người bị buộc “ký khống” các tờ giấy nhìn nhận đã cầm tiền của “Việt Tân” để đi biểu tình. Hàng trăm người đã bị bỏ tù.

Rất nhiều người tin rằng nếu có “Luật Biểu Tình” tại Việt Nam, nó cũng sẽ chỉ là một thứ “xin, cho” với những đòi hỏi khó khăn để chỉ những cuộc biểu tình do nhà cầm quyền tổ chức qua các cơ quan đảng đoàn của chế độ mới được cho phép. Còn những cuộc biểu tình đi ngược lại ý muốn của đảng và nhà nước CSVN thì sẽ không bao giờ được cấp phép.

Tháng Chín, 2019, khi thấy Quốc Hội CSVN lại “bàn lùi” dự luật biểu tình, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nhận định trong cuộc phỏng vấn của đài RFA là “vì họ là những người quản lý nhà nước, họ nhìn vô lợi ích của họ, phục vụ cho lợi ích của họ, chứ không phải họ tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình.” (TN) (kn)

MỚI CẬP NHẬT