Saturday, April 20, 2024

Việt Nam phải trả nợ lãi gần 330 tỷ đồng mỗi ngày

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bóc ngắn cắn dài, chế độ Hà Nội mỗi ngày phải trả nợ lãi gần 330 tỷ đồng cho các khoản “nợ công” vay để nuôi sống chế độ.

Hồi đầu tuần, Bộ Tài Chính họp báo về tình hình thu chi ngân sách nhà nước trong Tháng Ba và ba tháng đầu năm. Các con số được nêu ra cho thấy chế độ Hà Nội ngày càng chìm sâu trong nợ nần, tồn tại được nhờ vay nợ cả trong lẫn ngoài nước.

Theo bản báo cáo được nêu ra, tổng thu cho ngân sách nhà nước Tháng Ba được khoảng 92.17 ngàn tỷ đồng; cộng cả ba tháng đầu năm thì khoảng 280.9 ngàn tỷ đồng, bằng 23.2% dự toán cả năm, tăng được 15.2% so cùng thời gian này năm 2016.

Trong khi đó, tổng chi từ ngân sách nhà nước của Tháng Ba lên khoảng 110.2 ngàn tỷ đồng. Nếu cộng cả ba tháng đầu năm thì chế độ Hà Nội đã phải chi khoảng 284.96 ngàn tỷ đồng, tương ứng với 20.5% dự toán cả năm, tăng 7.8% so với cùng thời gian này năm 2016.

Như vậy, bội chi của ngân sách nhà nước cho ba tháng đầu năm 2017 là khoảng 4.06 ngàn tỉ đồng. Trong các khoản phải chi ra, trong ba tháng đầu năm nay, ngân sách nhà nước phải trả nợ lãi khoảng 29.1 ngàn tỷ đồng, tương ứng 29.4% dự toán năm, tăng 6.7% so với cùng thời gian này của năm 2016. Tính ra, cứ một ngày, chế độ Hà Nội đã phải dùng ngân sách nhà nước để trả nợ lãi cho các khoản vay gần 330 tỷ đồng.

Sau một hội nghị tổng kết của ngành tài chính được tổ chức tại Hà Nội ngày 6 Tháng Giêng, báo chí trong nước thuật lời Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc “băn khoăn” về tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh, trung bình tăng nhanh gấp ba lần tốc độ tăng trưởng tổng sản lượng quốc gia (GDP) trong năm năm qua.

Dịp này ông Phúc thừa nhận gánh nặng nợ công của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã “vượt trần” và tỏ vẻ lo sợ về nguy cơ sụp đổ nền tài khóa quốc gia nếu tình trạng này không được chấm dứt. Qua những con số nêu trên của Bộ Tài Chính, người ta thấy vết xe đổ trước mặt nhưng vẫn cứ lao tới.

Theo thống kê được công bố, 2001, nợ công mới chỉ chiếm 36.5% GDP; năm 2005, tỷ lệ này đã lên 40.8% GDP; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 đã là 62.2% GDP.

Trình bày tại kỳ họp Quốc Hội ngày 1 Tháng Mười Một, 2016, ông Ðinh Tiến Dũng, bộ trưởng Tài Chính đổ lỗi cho tình trạng nợ công tăng nhanh là do “tăng trưởng kinh tế không đạt theo kế hoạch.”

Nhưng ông Phạm Thế Anh, trưởng bộ môn Kinh Tế Vĩ Mô, trường Ðại Học Kinh Tế Quốc Dân, cho rằng, “Cốt lõi vấn đề nợ công Việt Nam hiện nay là việc tăng chi quá nhanh, mà ở đây là tăng chi thường xuyên. Chi cho bộ máy hành chính, chi cho đoàn thể quá lớn.” Tuy ngoài mặt hô hào “tinh giản biên chế” nhưng trong thực tế thì bộ máy ngày càng phình to hơn.

Bộ Tài Chính cuối năm ngoái từng hé lộ cho thấy nợ công của Việt Nam chiếm 64.73% GDP, coi như gần sát với mức cho phép 65%. Những ngày đầu năm, ông thủ tướng đã nhìn nhận nợ công đã “vượt trần” tức đã qua khỏi mức độ 65% GDP mà nhà cầm quyền chỉ thấy có con đường duy nhất là vay thêm nợ mới. (TN)

“Thủ phủ” nuôi heo Việt Nam sắp phá sản

MỚI CẬP NHẬT