Thursday, March 28, 2024

Việt Nam thiệt thòi nhất khi có Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông

MANILA, Philippines (NV) – Việt Nam sẽ là nước bị thiệt thòi nhiều nhất nếu một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) trên Biển Đông được ASEAN và Trung Quốc chấp thuận nhằm hạ nhiệt các căng thẳng tại khu vực.

Cuối tuần này, lãnh tụ 10 nước khu vực sẽ gặp nhau tại Philippines, nước đang là chủ tịch luân phiên của tổ chức ASEAN, qua hai ngày thảo luận các vấn đề cùng quan tâm với chủ đề “Chung Tay Đổi Thay, Kết Nối Toàn Cầu.”

Theo TTXVN mô tả, hội nghị sẽ tập trung vào trọng tâm và ưu tiên như “Triển khai hiệu quả tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch đi kèm, tăng cường liên kết, đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; tăng cường quan hệ giữa ASEAN và các đối tác; trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.”

Trái với tin của báo PhilStar cho hay mấy ngày trước đây, Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự, tuy nhiên TTXVN ngày 28 Tháng Tư nói, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn phái đoàn đi dự thượng đỉnh ASEAN tổ chức vào hai ngày 29 và 30 Tháng Tư.

Tin tức gần đây nói một trong những vấn đề chính sẽ được nêu ra trong hội nghị là vấn đề Biển Đông và một COC để tránh xung đột quân sự vì tranh chấp chủ quyền biển đảo. Dù ASEAN và Trung Quốc đã ký với nhau bản Tuyên Bố Ứng Xử Trên Biển Đông từ năm 2002, đến nay, một bộ COC vẫn chưa có nổi vì sự cản trở từ Bắc Kinh.

Khi người ta hiểu ra được là Bắc Kinh chỉ thật sự thảo luận COC khi họ đã đặt được các căn cứ quân sự vững chắc để kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông, thì đã muộn. Không một nước ASEAN nào có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc có khả năng cản trở Bắc Kinh bồi đắp các đảo nhân tạo tại Trường Sa, thiết lập các căn cứ quân sự khổng lồ tại cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Mấy tháng gần đây, người ta thấy Bắc Kinh hô hoán rầm rĩ là một COC sắp hoàn tất sau các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan. Theo giới chuyên viên phân tích, một khi nó thành hình, Việt Nam sẽ là nước thua thiệt nặng nhất.

Việt Nam từng nhiều lần đòi COC phải bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền dù vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng sau cuộc hải chiến với VNCH đầu năm 1974. Tuy nhiên, Bắc Kinh chống đối quyết liệt. Sau khi cướp được Hoàng Sa rồi, họ đã xây dựng các căn cứ quân sự quy mô trên đó. Họ nói quần đảo Hoàng Sa và vùng biển chung quanh là của Trung Quốc, không có tranh chấp với ai nên không cần phải đưa vào Bộ COC.

Chính vì vậy, tàu chiến nước nào đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo tại quần đảo Hoàng Sa đều không thể không gặp rắc rối. Ngư trường Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam nhưng các tàu cá của Việt Nam đến đây khai thác thủy sản đều bị bắt giữ hoặc đâm chìm.

“Không nước nào có khả năng đẩy được Trung Quốc ra khỏi quần đảo Hoàng Sa.” Giáo Sư Carl Thayer, Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, cho rằng hy vọng lớn nhất của Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa với Trung Quốc là đưa vấn đề ra kiện tại Tòa Án Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan.

Trước hai ngày họp thượng đỉnh, các chuyên viên và cấp thấp hơn của ASEAN họp hai ngày tại Manila, theo giới chuyên viên, nhiều phần sẽ không làm gì để thúc ép Trung Quốc trong vấn đề Hoàng Sa dù phía Việt Nam có thể nêu lên. Trong số các nước ASEAN, Lào và Cambodia thường xuyên bênh vực Bắc Kinh trong khi những nước không có tranh chấp thì chẳng tha thiết.

Philippines chỉ tranh chấp với Trung Quốc ở khu vực Trường Sa và khu vực bãi cạn Scarborough và chỗ khác. Phi cũng cố gắng làm hòa với Bắc Kinh để tránh bị áp lực đến mất hẳn các khu vừa kể. Tổng Thống Rodrigo Duterte từng tuyên bố gác bản phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế qua một bên.

Nếu COC được chấp thuận mà không đả động gì đến tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, sẽ giúp cho Trung Quốc yên trí, coi như cô lập được Việt Nam trong vấn đề tranh chấp biển đảo tại các cuộc thảo luận quốc tế. Từ trước tới nay, trong các cuộc đàm phán song phương về biên giới, biển đảo, Bắc Kinh luôn luôn từ chối thảo luật vấn đề quần đảo Hoàng Sa với phía Việt Nam.

Theo ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu hàng hải tại đại học Kỹ Thuật Namyang, Singapore, không kể Bắc Kinh không chịu thảo luận, một số nước trong khu vực cũng không muốn thấy có vấn đề tranh chấp quần đảo Hoàng Sa được đưa vào thảo luận về COC. Bởi vì “họ không muốn dính vào vụ tranh chấp” và lại còn “làm vấn đề phức tạp thêm.”

Tuy 10 nước khu vực Đông Nam Á quy tụ lại với nhau trong một tổ chức với mục đích cao đẹp là hợp tác với nhau để cùng nhau phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh chung, nhưng tổ chức chính trị và xã hội lại khác biệt nhau, theo nhiều thể chế khác nhau từ dân chủ phần nào đến độc tài, độc đảng. Chen vào cái khối “đồng sàng dị mộng” này, ông khổng lồ phương Bắc dùng ảnh hưởng kinh tế và chính trị để chia rẽ, mua cuộc, làm ASEAN không mấy khi “nhất trí” khi đụng chạm vấn đề Biển Đông. (TN)

Sông Thu Bồn ô nhiễm, cá chết kéo dài gần 3 cây số

MỚI CẬP NHẬT