Wednesday, April 24, 2024

Việt Nam: Xà ích liên tục vung roi, đàn ngựa không thèm chuyển động

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam, giống như một xà ích bất lực với đàn ngựa không thèm nghe ông gào thét và cũng chẳng sợ roi.

Tường thuật của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn về cuộc đối thoại giữa chính phủ với doanh giới diễn ra hồi đầu tuần này cho thấy, môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn thế, chẳng có gì mới. Thủ tướng tiếp tục hứa hẹn, cam kết nhằm thuyết phục chủ các doanh nghiệp tư nhân gia tăng đầu tư, mở rộng sự nghiệp để vực nền kinh tế càng ngày càng èo uột gượng dậy; còn doanh giới thì tiếp tục tố khổ, thậm chí bộc bạch sự nghi ngại, chán chường mạnh mẽ hơn.

Tại cuộc đối thoại, ông Phúc nại cả đảng lẫn nghiên cứu của tư vấn ngoại quốc để tiếp tục trấn an, khuyến khích giới chủ doanh nghiệp tư nhân rằng, đảng CSVN cũng như nhà nước Việt Nam không chỉ “kỳ vọng” vào kinh tế tư nhân mà “quan điểm về vai trò, vị trí, tầm ảnh hưởng của kinh tế tư nhân đã trở nên sâu sắc và toàn diện hơn.”

Ông nhắc lại một nghị quyết của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng đương nhiệm, theo đó, sẽ bằng mọi giá, tìm mọi cách, nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân từ 39% GDP lên 50% GDP vào năm 2020, 60% GDP vào năm 2030.

Ông còn dẫn số liệu của một công ty ngoại quốc hoạt động trong lĩnh vực tư vấn có tên là McKenzi, thừa nhận với mỗi đơn vị vốn bổ sung, doanh nghiệp tư nhân tạo ra doanh thu gấp ba lần so với doanh nghiệp nhà nước, và do vậy “chìa khóa của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khu vực kinh tế tư nhân.”

Là thành viên của Bộ Chính Trị – nơi vẫn kiên định xây dựng “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (về lý thuyết, kinh tế xã hội chủ nghĩa chủ trương thủ tiêu sở hữu tư nhân, buộc toàn bộ nền kinh tế phải vận hành theo kế hoạch được soạn sẵn) tại Việt Nam nhưng ông Phúc nhấn mạnh cam kết: “Nguyên tắc chung mà chúng tôi đưa ra là những gì doanh nghiệp tư nhân làm tốt thì nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm.”

Sợ những tuyên bố vừa kể không đủ sức thuyết phục, ông còn dẫn chứng về những nỗ lực “đưa kinh tế tư nhân trở thành mũi nhọn của đất nước,” chẳng hạn vừa qua, đại diện chính phủ đã tham dự 25 hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng trăm cuộc tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp về công nghiệp, công nghệ cao, du lịch, nông nghiệp… Nhìn chung, “không có ngày nào mà chính phủ, thủ tướng không làm việc với doanh nghiệp về chủ đề doanh nghiệp”…

Tuy nhiên theo tường thuật của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, hồi đáp từ doanh giới khá lạnh nhạt, thiếu hẳn sự hào hứng. Ông Vũ Văn Tiền, một doanh nhân, chủ nhiều doanh nghiệp, dẫn ra hàng loạt con số, chứng minh, các loại chi phí liên quan đến sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam – yếu tố quyết định đến sự tồn vong của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn “cao nhất thế giới.” Ông đề nghị chính phủ cho biết sẽ làm thế nào để giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí để tạo ra động lực và cơ hội phát triển cho doanh nghiệp?

Ðáng chú ý là khi thay mặt ông Phúc trả lời ông Tiền, ông Ðặng Huy Ðông, thứ trưởng Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư, đưa ra một nhận định mà tính chất giống như “táng vào mặt” cả ông Tiền lẫn những doanh nhân tham dự “đối thoại.” Theo ông Ðông, thông tin chi phí chiếm tới 34.5% doanh thu của doanh nghiệp là “quá kinh.” Do đó, ông yêu cầu, tham gia đối thoại cần phải có những đại diện khác, “phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của đa số trong cộng đồng doanh nghiệp tư nhân chứ không chỉ nhóm doanh nghiệp ở đây!”

Một trong những công cụ “phản ánh đúng” này là kết quả các cuộc khảo sát. Chỉ số Khảo Sát Niềm Tin Doanh Nhân (CEO.CI) được công bố tại cuộc đối thoại, xác định 50% doanh nhân tham gia khảo sát cho rằng họ bị thiệt hại vì các quy định. Sản xuất, kinh doanh thì cần vốn nhưng rất khó vay ngân hàng vì ngân hàng chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước. Cũng vì vậy, 70% các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ phải dựa vào “thị trường tín dụng đen.”

Những thông tin, ý kiến như vừa kể từ doanh giới cũng chẳng mới. Ðiểm mới là nó vẫn còn nguyên sau hàng loạt cam kết, hứa hẹn, kể cả khi đã có “nghị quyết.”

Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam, hồi Tháng Sáu năm ngoái, tại hội thảo về “chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Trung Tâm Nghiên Cứu Truyền Thông-Phát Triển tổ chức, ông Lê Hồng Sơn, cựu cục trưởng Cục Kiểm Tra Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật của Bộ Tư Pháp, từng ví von, có thể xem chủ trương, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân giống như “trải thảm nhung,” nhằm mời gọi đầu tư, phát triển kinh tế nhưng khi thực hiện, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cố tình “gài đinh” để cho nhóm của mình trục lợi. Ông xem đó là hậu quả tất nhiên của hiện tượng viên chức bị “lưu manh hóa.”

Khi “cá mè một lứa” thì thủ tướng cũng chẳng là gì, ngoài việc van vỉ lãnh đạo các ngành, các cấp “nhóm lửa trong lòng.” (G.Ð)

Dân Hà Nội lại chịu ô nhiễm do cá chết

MỚI CẬP NHẬT