Thursday, April 18, 2024

Vingroup lấn biển Cần Giờ bị dân mạng kêu gọi phản đối

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 4 Tháng Bảy, một số Facebooker tiếp tục phát đi kêu gọi cộng đồng mạng ký vào một bản thỉnh nguyện thư đánh giá độc lập toàn bộ dự án lấn biển Cần Giờ của Tập Đoàn Vingroup.

Mục tiêu của những người phát động chiến dịch này là khi tập hợp đủ 5,000 chữ ký online, bản thỉnh nguyện thư sẽ được gửi trực tiếp tới Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn.

Theo báo Zing, Khu Đô Thị Du Lịch Lấn Biển Cần Giờ (Saigon Sunbay) tọa lạc tại huyện Cần Giờ, có quy mô 2,870 hécta, do công ty cổ phần Đô Thị Du Lịch Cần Giờ (CTC) làm chủ đầu tư. Vingroup sở hữu hơn 97% cổ phần tại CTC.

Trong văn bản được công bố trên trang web Avaaz.org, người ta thấy một số trí thức nổi tiếng tham gia ủng hộ chiến dịch như: Kiến Trúc Sư Ngô Viết Nam Sơn, nhà văn Nguyên Ngọc, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Giáo Sư Ngô Bảo Châu, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Lân Hiếu… Bên cạnh đó, chương trình này còn có sự chung tay của một số tổ chức: Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh (Greenid), Trung Tâm Hành Động và Liên Kết Vì Môi Trường và Phát Triển (CHANGE)…

Theo bản thỉnh nguyện thư, dự án Khu Đô Thị Du Lịch Lấn Biển Cần Giờ rộng 2,870 hécta, tức lớn gấp sáu lần diện tích Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và bốn lần Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm. Lượng dân cư dự trù sống tại Khu Đô Thị Lấn Biển Cần Giờ dự trù lên tới 230,000 người/2,870 hécta, tức cao gấp hơn ba lần lượng dân hiện tại của huyện Cần Giờ (khoảng 70,000 người/70,400 hécta. Đó là chưa kể mục tiêu của nhà đầu tư rằng dự án sẽ đón gần 9 triệu lượt khách du lịch/năm.

Những người ký bản thỉnh nguyện thư đưa ra lập luận: “Việc xây dựng khu đô thị này là một rủi ro rất lớn về các vấn đề xói lở, ngập lụt, thoát nước, biến đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng lớn đến môi trường và xã hội, phá hỏng quy hoạch vùng sinh thái Cần Giờ, đi ngược lại chiến lược ‘Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới,’ tạo sức ép vượt quá khả năng tài nguyên ở Cần Giờ có thể cung ứng, có nguy cơ trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước và xã hội trong tương lai.”

Đáng lưu ý, theo văn bản nêu trên, đến nay chưa có một đánh giá đầy đủ, khách quan, độc lập nào về khả năng cung cấp cát san lấp, ảnh hưởng của nguồn cát san lấp dùng cho dự án lấn biển ở Cần Giờ. Bên cạnh đó, cũng chưa có một nghiên cứu đầy đủ về hiệu quả kinh tế-xã hội thực sự của dự án.

Theo báo Zing, để thực hiện khu lấn biển ở Cần Giờ, dự trù cần đến 133 triệu khối cát và 2.5 triệu khối đá hộc các loại để xây dựng hệ thống kè bờ biển dài 21 km. (Hình: Zing)

Bản thỉnh nguyện thư nhắc lại một phát ngôn của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc “cam kết không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội để lấy phát triển kinh tế” để nêu nghi vấn về việc liệu dự án lấn biển Cần Giờ của Tập Đoàn Vingroup có làm trầm trọng thêm nguy cơ tan rã của Đồng Bằng Sông Cửu Long hay không.

“Cần xác định rõ nguyên tắc: Không quyết định khi không đủ dữ liệu, không làm khi không chắc an toàn,” văn bản viết.

Đến nay, khi đề cập về Khu Đô Thị Du Lịch Lấn Biển Cần Giờ hoặc bất kỳ dự án nào khác của Vingroup, gần như tất cả các báo nhà nước đều né tránh yếu tố tác động môi trường, vì đây được coi là khái niệm “cấm kỵ, nhạy cảm, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động.”

Có suy đoán cho rằng sở dĩ dự án nêu trên được triển khai bất chấp hệ lụy cho môi trường là vì Vingroup có quan hệ “lợi ích nhóm” với giới chức CSVN.

Một bài trên báo Zing đăng hôm 17 Tháng Sáu về Khu Đô Thị Du Lịch Lấn Biển Cần Giờ hé lộ chi tiết CTC được thành lập ngày 21 Tháng Chín, 2004, với những cổ đông chính là Tổng Công Ty Du Lịch Sài Gòn (Saigontourist) và Văn Phòng Thành Ủy ở Sài Gòn. Tuy vậy, đầu năm 2015, nhóm cổ đông này đã thoái vốn khỏi dự án. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT