Friday, April 19, 2024

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Ðức gây sức ép, điều tra thêm 2 người Việt

BERLIN (NV) – Các công tố viên của Ðức cho hay, một người đàn ông tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi tháng trước đã bị bắt giữ ở Cộng Hòa Czech và được giao cho các nhà điều tra Ðức, theo hãng thông tấn AP.

AP cho hay, người bị bắt là một công dân Việt Nam tên Long N.H, 46 tuổi. Ông Long bị bắt ở Cộng hòa Czech ngày 12 và giao cho Ðức hôm 24 Tháng Tám. Nghi can này bị cáo buộc đã thuê một chiếc xe van ở thủ đô Prague của Czech và lái sang Berlin hôm 20 Tháng Bảy để thực hiện vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào ngày 23 Tháng Bảy.

Các công tố viên Ðức nói rằng nghi can bị cáo buộc làm gián điệp và bắt người bất hợp pháp.

Trước đó, theo tin của BBC, một người đàn ông gốc Việt tên là Ho. N. T., làm việc tại cơ quan nhập cư và tỵ nạn của Ðức, và đã bị đình chỉ để điều tra vì nghi ngờ cung cấp thông tin cho an ninh Việt Nam.

Nghi can Ho. N. T. bị nghi ngờ là đã cung cấp “thông tin” cho nhóm an ninh Việt Nam, gồm bảy người, đã đến Berlin vào Tháng Bảy để bắt giữ và bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Chính quyền Ðức đã buộc tội cơ quan tình báo Việt Nam và Ðại Sứ Quán Việt Nam liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hôm 23 Tháng Bảy, đồng thời trục xuất một nhân viên tình báo của Việt Nam làm việc tại tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Ðức.

Theo BBC, Bộ Ngoại Giao Ðức xác nhận qua lời một phát ngôn viên rằng hôm 17 Tháng Tám, cuộc họp cao cấp đầu tiên giữa chính phủ Ðức và chính phủ Việt Nam về vụ Trịnh Xuân Thanh đã diễn ra tại Berlin.

Chiếc xe Multivan VW (Volkswagen) 7 chỗ do ông Nguyễn Hải Long thuê từ ngày 20-24 Tháng Bảy bị nghi là đã được sử dụng trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. (Hình: Bui Quang Hieu)

Trước các cáo buộc của phía Ðức, là Trịnh Xuân Thanh (người đang xin tị nạn tại Ðức) bị bắt cóc, phía nhà cầm quyền Việt Nam và báo chí trong nước vẫn hoàn toàn im lặng.

Hôm 31 Tháng Bảy, Bộ Công An Việt Nam loan báo, Trịnh Xuân Thanh đã tìm đến “Trực Ban Hình Sự” của bộ này để xin đầu thú.

Ba ngày sau, hôm 3 Tháng Tám, Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên đài truyền hình Việt Nam (VTV) trong chương trình thời sự vào lúc 7 giờ tối “thú tội” về việc bỏ trốn sang Ðức vì “lo sợ trước kết luận về vi phạm và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC.”

Ðây cũng là lần đầu tiên và duy nhất người ta nhìn thấy ông Trịnh Xuân Thanh kể từ khi Bộ Công An Việt Nam loan báo tin ông này ra “đầu thú.”

Việc ông Thanh xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia có số khán giả đông nhất ở Việt Nam xảy ra chỉ một ngày sau khi chính phủ Ðức cáo buộc tình báo Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.

Truyền thông tại Việt Nam không đề cập đến cáo buộc của Bộ Ngoại Giao Ðức.

Tại cuộc họp báo tại Hà Nội hôm 3 Tháng Tám, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng “lấy làm tiếc về phát biểu của Bộ Ngoại Giao Ðức ngày 2 Tháng Tám về vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh” nhưng lại không cho biết nội dung “phát biểu của Bộ Ngoại Giao Ðức” là gì.

Ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, người từng là đại biểu Quốc Hội Việt Nam, đồng thời từng là phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đột nhiên biến mất hồi Tháng Chín năm ngoái, trước khi Bộ Công An Việt Nam xác định ông là nghi can trong vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”

Tháng Hai năm nay, sau một phiên xử năm cá nhân từng là thuộc cấp của ông Thanh, hoặc có liên quan đến vụ thất thoát 3,200 tỉ đồng của Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC) vào thời điểm ông Thanh là bí thư, kiêm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của PVC, tòa khu vực Hà Nội của Tòa Án Tối Cao đã khởi tố ông Thanh thêm một tội nữa là “tham ô.”

Trịnh Xuân Thanh bị Bộ Công An phát lệnh truy nã quốc tế khi biết ông đã trốn ra nước ngoài. Sau khi chạy trốn, Trịnh Xuân Thanh được cho là đã gởi bức thư ngỏ cho Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng CSVN tuyên bố ra khỏi đảng và lại còn nói “không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí tổng bí thư” Nguyễn Phú Trọng nữa. (KN)

Dân Thanh Hóa chặn xe phản đối nổ mìn phá đá

MỚI CẬP NHẬT