Tuesday, March 19, 2024

Chủ đầu tư xin xả trạm BOT 3 ngày Tết: Chỉ là ‘trò’ mị dân

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một số chủ đầu tư BOT đường bộ ở Việt Nam liên tiếp kiến nghị Bộ Giao Thông Vận Tải cho miễn thu phí trong ba ngày Tết Kỷ Hợi để “cảm ơn” người dân. Tuy nhiên, đề nghị này chỉ là “trò” xoa dịu dư luận.

Theo báo Tiền Phong ngày 23 Tháng Giêng, 2019, sau kiến nghị xin được xả trạm trong ba ngày từ 30 Tháng Chạp, Mồng Một và Mồng Hai Tháng Giêng Âm Lịch dịp Tết Nguyên Đán sắp tới của chủ đầu tư BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, thì lượt chủ đầu tư BOT quốc lộ 1 Bạc Liêu và BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng cũng có kiến nghị tương tự.

Nói với tờ Tiền Phong, ông Lưu Huy Hà, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Cổ Phần Vận Tải Hoàng Hà (tỉnh Thái Bình), cho biết các kiến nghị xả trạm thu phí của chủ đầu tư BOT chỉ xuất hiện sau hàng loạt vụ tài xế phản đối trạm thu phí BOT vừa qua.

Theo ông Hà, các doanh nghiệp vận tải đang chịu gánh nặng rất lớn từ phí cầu đường. Hiện có những tuyến đường phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ còn lớn hơn chi phí nhiên liệu. Trong khi giá cước vận tải hành khách không thể tăng, vì tăng thì khách không đi nữa, khách chuyển sang đi xe “dù,” xe “bến cóc” vì giá vé luôn rẻ hơn, khiến không ít doanh nghiệp vận tải phải dừng hoạt động.

“Xả trạm thu phí một số ngày Tết cũng tốt, nhưng không phải việc cần. Với doanh nghiệp vận tải, việc cần nhất hiện nay là giảm mức phí chung, để doanh nghiệp vận tải và chủ xe chịu được. Nếu đã xả trạm thì phải xả những ngày đi lại đông trước và sau Tết, không phải chỉ ba ngày Tết ít người đi lại. Vì vậy, theo tôi đây chỉ là trò làm hạ nhiệt dư luận. Thực chất đó không phải vì quyền lợi người dân,” ông Hà nói.

Ông Hà cũng cho biêt thêm, hiện có nhiều trạm BOT còn không bán vé tháng, vé quý, chỉ bán vé ngày để không phải giảm giá. Điều này rất không ổn.

Còn Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cựu giám đốc Nhà Xuất Bản Giao Thông Vận Tải thì cho rằng, nếu các chủ đầu tư BOT có lòng, hãy xả trạm thu phí vô điều kiện, dùng lợi nhuận của mình để bù hụt số thu. Còn nếu xin xả trạm, nhưng sau đó lại đòi tăng phí, tăng thời gian thu phí, hoặc đòi thêm lợi ích khác thì không chấp nhận được.

“Một số chủ đầu tư BOT đề xuất xả trạm ba ngày Tết có gì đó ‘lắt léo,’ vì những ngày đó đều rất ít người đi và nhân tiện cho nhân viên nghỉ Tết, khỏi tốn thêm tiền tăng ca,” ông Thủy nói.

Trong khi đó, trước kiến nghị của các trạm BOT, Tổng Cục Đường Bộ thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải cho rằng “việc dừng thu phí trong ngày lễ, Tết không có trong hợp đồng BOT giữa Bộ Giao Thông Vận Tải và nhà đầu tư, cũng như các văn bản pháp luật khác.”

“Hiện chưa có quy định xả trạm BOT đường bộ khi không có tắc nghẽn, nên muốn xả trạm các chủ đầu tư phải bỏ tiền túi để bù phần hụt thu, bảo đảm kế hoạch tài chính của dự án. Tuy nhiên, trong các kiến nghị của chủ đầu tư BOT vừa qua, chưa có nhà đầu tư nào đưa ra kế hoạch bù phần hụt thu do dừng thu phí ngày Tết. Tổng Cục sẽ đồng ý cho xả trạm nếu các chủ đầu tư đưa ra kế hoạch sẽ dùng tiền của mình bù phí cho những ngày dừng thu,” ông Nguyễn Văn Huyện, tổng cục trưởng Tổng Cục Đường Bộ, cho biết.

Liên quan đến thu phí BOT, báo chí Việt Nam loan tin, sau khi có chỉ đạo của thủ tướng CSVN, Tổng Cục Đường Bộ đã làm việc với nhà đầu tư, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tiền Giang  thống nhất thu phí trở lại BOT Cai Lậy từ ngày 14 Tháng Hai, 2019 (tức Mồng 10 Tháng Giêng năm Kỷ Hợi). (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT