Thursday, April 25, 2024

Cảm nhận sau khi coi phim Buddha 54 tập trên Internet

Tiểu Huyền

Từ hai ba tháng qua, hầu như ngày nào tôi cũng dành thì giờ ôn lại các bài học của Bụt Thích Ca trong tập phim Buddha, do nhà sản xuất Modi đưa lên mạng Youtube từ năm 2016. Khi được bạn bè giới thiệu cuốn phim này, tôi coi mấy đoạn đầu, rồi nhảy cách tới đoạn Buddha thành đạo (tập 34), và coi tiếp sau đó tập 41 tả cảnh Buddha về thánh Ca Tỳ La Vệ thăm gia đình. Ðoạn 41 này rất hay, đạo diễn và tài tử đều diễn tả được tình cảm của Buddha và bà vợ mà ông rất thương yêu trước khi đi tu.

Từ đó, cuốn phim có đủ yếu tố hấp dẫn khiến tôi phải coi lại toàn bộ, song song với việc đọc lại cuốn truyện “Ðường Xưa Mây Trắng” (Lá Bối xuất bản lần đầu 1988), kể về cuộc đời và giáo pháp của đức Bổn Sư Buddha Sakyamuni.

Cuốn phim Buddha do nhà tỷ phú B. K. Modi người Ấn Ðộ sản xuất, có thể nói đã bắt nguồn từ việc ông được đọc cuốn truyện “Ðường Xưa Mây Trắng” của Thiền Sư Nhất Hạnh, vào đầu thiên kỷ 2000. Sau khi biết tác giả Thích Nhất Hạnh vẫn còn tại thế, ông Modi đã liên lạc với nhà xuất bản Paralax lấy địa chỉ và gửi một luật sư tới Làng Mai (miền Tây Nam nước Pháp) để thương thuyết về bản quyền. Thiền Sư Nhất Hạnh từ chối không thảo luận những con số từ nửa triệu Mỹ kim được đưa ra, nhưng tỏ ý muốn gặp người làm phim. Vì vậy ông Modi đã đến gặp ông thầy trong ba ngày, từ 27 tới 29 Tháng Ba, 2006. Sau cuộc gặp gỡ, Thiền Sư Nhất Hạnh tỏ ý muốn cúng dường chư Phật, không lấy tác quyền, chỉ đề nghị ông tặng một phần tiền thu lợi (1%) giúp cho các trẻ em đói khổ của xứ Ấn Ðộ. Hiểu và cảm thông sâu xa được tâm nguyện này ông Modi rất cảm động, nên đã xin được góp thêm 1% nữa vào quỹ từ thiện cho trẻ em Việt Nam và các nước khác.

Phóng viên Tiểu Ký đã viết trong nhật báo Người Việt: “Thiền Sư Nhất Hạnh ký hợp đồng phim ‘Ðường Xưa Mây Trắng’ mà không lấy tiền bản quyền!”

“Nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy báo chí loan tin về Ðại Hội Ðiện Ảnh Cannes (Pháp) ngày 23 Tháng Năm, 2006 có đăng hình Thiền Sư Nhất Hạnh và các vị đệ tử đứng tươi cười, chụp hình cùng ông Modi và phụ tá của ông. Tăng đoàn đã được mời tới Cannes trong buổi công bố việc ký kết hợp đồng cho phép làm phim về cuộc đời đức Phật dựa trên cuốn “Ðường Xưa Mây Trắng” của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Cuốn phim sẽ do một nhà tư bản Ấn Ðộ, ông Bhupendra Kumar Modi, bỏ vốn. Nhưng chưa có báo nào nói về hợp đồng lạ lùng giữa Thiền Sư Nhất Hạnh và nhà đầu tư B. K. Modi, vì tác giả không lấy tiền bản quyền.

Ðây là một hợp đồng rất đặc biệt vì không những tác giả Nhất Hạnh không nhận tiền bản quyền như thông lệ, vị thầy tu già 81 tuổi chỉ đòi hỏi một điều kiện – có lẽ duy nhất trong lịch sử phim ảnh thế giới. Ðó là: Từ người bỏ vốn (ông B. K. Modi), đến giám đốc sản xuất, người viết phim, phân cảnh, cho tới các tài tử, tất cả phải dự một khóa tu tập cùng thiền sư và tăng đoàn Làng Mai (tại làng hay tại một tu viện của Làng Mai, ở Pháp, hoặc ở Hoa Kỳ (California, Vermont) hay ở Việt Nam, nếu tình cờ thiền sư có mặt ở xứ nào đúng thời gian mà nhóm làm phim đã chọn xong người, muốn tới thực tập.

Riêng ông giám đốc sản xuất Michel Shane (từ Holywood) và người viết phân cảnh (Script writer) từ cuốn “Ðường Xưa Mây Trắng” sẽ phải tới Làng Mai ở hai tuần lễ để biên soạn và đưa tác giả duyệt lại chuyện phim, ngõ hầu diễn tả đúng với của ý của người viết cuốn sách. Ông Michel Shane cho báo chí biết ông muốn làm cuốn phim thành thành một thiên “anh hùng ca vĩ đại.” Thiền Sư Nhất Hạnh đề nghị nhóm người thực hiện cuốn phim sẽ sinh hoạt với tăng đoàn Làng Mai như một gia đình lớn, tập hạnh lắng nghe và dùng ái ngữ để thông đạt những ý kiến bất đồng nếu có. “Khi có thể hiểu nhau, thương nhau và chung sức làm phim, chúng ta mới có thể cống hiến cho thế hệ tương lai những tuệ giác của Bụt, Buddha.”

Ông Modi rất đồng ý với Thiền Sư Nhất Hạnh. Ông cũng có ý làm một phim về cuộc đời Ðức Phật để nhân loại nhìn vào tấm gương từ bi trí tuệ của ngài mà giảm được các khổ đau, bớt chiến tranh, khủng bố.

Ông Modi tuyên bố với báo chí trong Ðại Hội Ðiện Ảnh Cannes vừa qua rằng, sau gần 20 năm chờ đợi tìm cốt truyện hay về Ðức Phật, nay ông mới có thể thực hiện mộng ước của mình. Tuy theo Ấn Ðộ Giáo, ông Modi rất phục Bụt Thích Ca, là nhân vật có thật trong lịch sử, một đại sư vô cùng tôn kính của xứ Ấn Ðộ. Ông từng được nhiều nhà Phật học danh tiếng đề nghị các văn bản viết về cuộc đời Ðức Phật theo truyền thống Nam tông có, Bắc tông có, nhưng cho tới nay, ông mới tìm được cuốn sách hay nhất, đó là cuốn “Ðường Xưa Mây Trắng.”

Ông Modi cho biết là công việc làm phim về cả cuộc đời Ðức Phật, tóm gọn trong 2 giờ đồng hồ, là chuyện vô cùng khó khăn. Nhưng ông có quyết tâm muốn làm nên hy vọng sẽ ra phim mắt tại Ðại Hội Ðiện Ảnh Cannes năm 2008!

Vì không đầy đủ nhân duyên và có thể vì không đáp ứng được yêu cầu “tu tập” của Thiền Sư Nhất Hạnh, nên cuốn phim “Ðường Xưa Mây Trắng” không được thực hiện như ông Modi dự tính. Trong 54 tập phim mới sản xuất đây, ông Modi không làm phim theo câu chuyện “Ðường Xưa Mây Trắng” nữa, mà ông đã kể chuyện cuộc đời Buddha theo thứ tự thời gian, từ khi sinh ra tới lúc nhập diệt. Ðồng thời ông đã đưa vào phim nhiều cảnh bạo động (như Thái Tử Tất Ðạt Ða đánh nhau với Ðề Bà Ðạt Ða, các cảnh đâm chém trong chiến tranh, cùng nhiều cảnh trong các âm mưu của người em họ muốn ám hại thái tử)…

Ông Modi đã dùng rất nhiều chi tiết trong cuốn sách cho vào phim, nhất là các chương sách diễn tả giấc mơ kỳ lạ và tâm tư của Thái Tử Tất Ðạt Ða, khi ngắm nhìn chiếc lá mà giác ngộ về toàn thể vũ trụ… chi tiết các trẻ em xin gọi thái tử là Bụt (Bud – Buddha) khi chúng gặp được con người mới giác ngộ đạo tỉnh thức, ngay trong buổi sáng ngài đắc đạo, v.v… Chi tiết Ðức Phật sau ngày thành đạo, đã dạy chú bé chăn trâu và cô gái tặng sữa cho ngài về cách ăn quýt trong Chánh Niệm, là một chi tiết độc đáo của cuốn “Ðường Xưa Mây Trắng,” do Thiền Sư Nhất Hạnh sáng tạo. Bài dạy ăn quýt một cách có ý thức đã được thiền sư viết trong cuốn “Phép Lá Của Sự Tỉnh Thức” (Lá Bối 1975), hiện nay lan truyền trong hầu hết các sách tâm lý học của Âu Mỹ, khi họ nói tới chuyện sống tỉnh thức để chữa bệnh. Một số tác giả Tây phương biến đổi bài học ăn quýt này thành ra bài học ăn trái nho khô, hay ăn cam, ăn táo, v.v..

Chỉ tiếc cho ông Modi, nay làm bộ phim 54 tập cho TV Ấn Ðộ, ông đã không một lần nhắc tới cuốn sách “Ðường Xưa Mây Trắng” hay tác giả Nhất Hạnh, khi nói về công trình do ông sản xuất. Cố tình quên đi nguồn cảm hứng ban đầu và vẫn dùng rất nhiều chi tiết trong sách, ông Modi có lẽ sẽ “mang một món nợ” đối với tác giả. Nhưng chúng tôi nghĩ, Thiền Sư Nhất Hạnh khi biết chuyện này, cũng sẽ mỉm cười khuyên học trò, như khi xưa, họ “mách” thầy về những cuốn sách in lậu, không xin phép của nhiều nhà xuất bản vô danh, trong hai thập niên 1980 và 1990: “Ðừng bận tâm những chuyện đó con à, giáo pháp của Bụt được loan truyền rộng rãi là điều đáng vui mừng rồi.”

Ðể độc giả biết thêm về câu chuyện “Ðường Xưa Mây Trắng” và chuyện ông Modi dự tính làm phim Buddha, chúng tôi xin đăng lại một đoạn mà báo chí quốc tế nói về ông năm 2006 như sau:

Ông đã tổ chức nhiều hội luận khắp thế giới về hòa bình, chân lý, từ bi, và bất hại. Ông Modi được Ðức Ðạt Lai Lạt Ma coi là một người bạn tốt của ngài. Dự án cuốn phim về cuộc đời Ðức Phật, theo cuốn “Ðường Xưa Mây Trắng,” đã được ngài ban phép lành, và ngài sẽ có mặt tại Hollywood vào ngày 11 Tháng Chín năm nay (2006), khi cuốn phim về “Ðường Xưa Mây Trắng” chính thức được khởi công.

Ông Modi tuyên bố với báo Hollywood Reporter: “Sau nhiều năm nuôi ý làm cuốn phim về Buddha, nay tôi mới có thể thực hiện mộng ước của mình. Tôi tìm được cuốn ‘Ðường Xưa Mây Trắng’ từ hai năm qua, cuốn sách này đã thay đổi đời tôi và nay tôi nghĩ, phải chia sẻ niềm hạnh phúc của tôi với cả thế giới.”

Ðược biết cuốn phim này sẽ nhắm vào lớp khán giả 15 đến 25 tuổi. Ðây là lần đầu tiên ông bỏ vốn làm phim và ông đã sang ở Hollywood, lập một công ty, Buddha Films.

Thiền Sư Nhất Hạnh nói với báo chí: “Bụt có thể không vui vì đã bị thần thoại hóa quá nhiều trong những thế kỷ qua. Cuốn phim này có thể giúp ngài trở lại hình ảnh một con người như chúng ta.”

“Ðường Xưa Mây Trắng” là cuốn sách kể chuyện cuộc đời Ðức Phật Thích Ca qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti, sau khi xuất gia, trở thành một vị đệ tử của Phật. Ðó là chú bé cúng dường cỏ bồ đề cho sa môn Tất Ðạt Ða tĩnh tọa suốt 49 ngày trước khi thành đạo. Nhiều độc giả Việt Nam cho rằng “Ðường Xưa Mây Trắng” kể chuyện đời Ðức Phật mà hấp dẫn không thua gì truyện chưởng! Các độc giả quốc tế coi đó là cuốn sách rất hấp dẫn và có phẩm chất tâm linh khiến người ta phải đọc liền, trang này sang trang khác và thấy lòng chuyển hóa.

Xuất bản lần đầu tiên bằng Việt Ngữ năm 1988, “Ðường Xưa Mây Trắng” tiếp tục thuộc vào loại sách bán chạy nhất tại Bắc Mỹ và các xứ Âu, Á khác, đã dịch ra 20 ngôn ngữ khác nhau. Tại Trung Quốc, nhà nước Cộng Sản đã cho phép in và tái bản nhiều lần cuốn sách này bằng Hoa ngữ, từ khi họ chính thức thỉnh mời Thiền Sư Nhất Hạnh qua giảng dạy cho các tăng ni từ năm 1997 và nhiều lần các năm sau đó, cho tới năm 2007, sau khi thiền sư lên tiếng bênh vực Ðức Ðạt Lai Lạt Ma trong một buổi tiếp xúc với báo giới tại Rome, Ý.

Tờ báo chuyên điểm sách Library Journal viết: “Ðó là cuốn sách tác giả viết bằng trái tim của mình, dùng các nguồn tài liệu quan trọng (bằng tiếng Phạn và tiếng Hán) về cuộc đời Ðức Phật. Văn phong mới mẻ, đầy chất thơ của ông có thể làm say mê các độc giả sơ cơ cũng như các Phật tử thuần thành…”

Mời độc giả xem điểm tin buổi sáng ngày 9 tháng 6 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT