Wednesday, April 24, 2024

Tùy bút Tháng Năm

Việt Nguyên

Tháng Ba trở về Portland, Oregon, thành phố tôi đã đến đúng 39 năm về trước sau chuyến vượt biên 42 ngày hẹn hò với tử thần trên vịnh Thái Lan. Chuyến vượt biên với những cơn sóng dữ, như những cơn sóng xóa quá khứ và những kỷ niệm của người tị nạn, khác với những người bản xứ may mắn lúc nào cũng có những hình ảnh, những con đường, những ngôi nhà hiện diện mỗi ngày quanh họ. Portland với ngọn núi Mt. Hood, đỉnh núi phủ đầy tuyết như Phú Sĩ, và cây cầu qua dòng sông Willamette, một đêm về sáng ngồi trên chuyến xe buýt về từ Seattle sau kỳ thi lấy bằng hành nghề Flex Tháng Mười Hai, 1978, hồn lâng lâng tưởng như đang sống trong một cơn mộng. Ngọn núi và dòng sông không đổi sau 39 năm và qua nhiều lần tôi trở về thăm như về thăm quê nhà. Thành phố với những người tử tế của nhà thờ Montavilla Methodist Church đã bảo trợ đại gia đình anh em chúng tôi qua lời yêu cầu giúp đỡ của anh tôi. “Đi trẻ về già…” như câu thơ của Hạ Tri Chương. Đến Portland năm 28 tuổi, lòng hướng đến tương lai mà hồn vẫn còn để lại quê nhà. Ba chín năm! Thời gian qua nhanh như vó câu, thời gian ở quê người lâu hơn thời gian ở quê nhà nơi đã sống, trưởng thành với nhiều ước mơ và kỷ niệm. Về lại Portland, nhìn lại con trẻ lớn tuổi hơn bố mẹ ngày đến Mỹ, lòng đầy bâng khuâng.

Về lại chốn cũ, đi một vòng nhà thờ, xuống dưới từng hầm nơi đại gia đình anh em chúng tôi đã tá túc trong những tuần đầu đến đất mới, khung cảnh đã đưa tôi về những ngày tháng xưa, về tình người. Những người bạn 39 năm trước không hề quen biết nhưng đã dang tay đón nhận theo “tiếng gọi của Thượng Đế” như Mike Love người bảo trợ gia đình chúng tôi nói với dân nhà thờ ngày Chủ Nhật hôm ấy. Nhờ về lại chốn cũ, các con tôi cũng cảm nhận được cuộc hành trình đã qua trên 39 năm và những khó khăn đã vượt qua của những người tị nạn trong khung cảnh của nước Mỹ sau chiến tranh Việt Nam. Mike nhớ lại anh đã nhìn tôi như người lạc hậu, phải khó khăn lắm tôi mới xin được $75 để nạp đơn thi ECFMG vì họ không thể tin được bác sĩ Việt Nam mới đến, không nói được tiếng Mỹ, gần ngày hết hạn nộp đơn, có thể đậu sau ba tháng sửa soạn. Bác Sĩ Ross và Mike đã “đau bụng” khi thấy tôi xé các sách y khoa dày cộm, đóng lại từng chương bỏ túi, học trong khi đi chợ, không có tiền học lớp luyện thi phải tự học, thân phận qua sau ba năm so với những người qua năm 1975 nên phải cố sức học. Ba tháng đậu ECFMG, sáu tháng sau lái xe lên Seattle đậu Flex. Mike và các người bảo trợ nhà thờ hãnh diện về thành tích của người tị nạn trẻ tuổi được nhà thờ bảo trợ. Cái nhìn của những người Mỹ trắng nhà thờ đã thay đổi, tự hào về người Việt tị nạn và bớt kỳ thị. Bên cạnh những người tốt cũng có những người nặng tinh thần kỳ thị như ngày đi xin việc qua bộ xã hội, một bà bác sĩ da trắng chuyên khoa da đã dạy tôi bài học sau một giờ ngồi chờ đợi, không phỏng vấn, không xem lý lịch học vấn, bà đã phán: “Anh đừng mong thi đậu. Bài thi khó anh không thể đậu, nếu may mắn đậu, thành bác sĩ, thì anh cũng nhớ một đều là bệnh nhân Mỹ trắng không đến bác sĩ da vàng và bệnh nhân da vàng cũng không đến bác sĩ da màu vì họ chỉ tin vào bác sĩ Mỹ trắng!” Hai mươi tám tuổi, mới bước chân đến Mỹ một tháng, về nhà sau kỳ phỏng vấn nhìn tương lai trước mắt không sáng sủa tôi chỉ mong bỏ Portland để đi về một tiểu bang miền Nam nơi có nhiều dân thiểu số.

Portland thay đổi so với 39 năm trước, từ thành phố bảo thủ đa số dân da trắng nay trở thành thành phố cấp tiến trong khi các tiểu bang miền Nam lại theo khuynh hướng cựu hữu. Xã hội Hoa Kỳ cũng thay đổi. Hơn 30 năm trước, sau khi tốt nghiệp chương trình y khoa cấp cứu, tôi về Houston hành nghề tại bệnh viện Spring Branch. Các y tá thường hỏi tôi: “Làm sao ông đậu bằng tương đương bác sĩ y khoa Hoa Kỳ sau ba tháng?” Tôi đùa, trả lời: “Tại vì tôi biết gian lận khi làm bài thi bằng cách nhìn qua thí sinh da trắng ngồi cạnh, thi trắc nghiệm dễ nếu anh ta khoanh câu trả lời ‘a’ tôi cũng khoanh ‘a,’ nếu khoanh ‘b’ tôi cũng khoanh ‘b’ nên anh ta đậu tôi cũng đậu.” Các y tá chỉ biết cười.

Hai mươi bốn năm sau về làm nhà thương mới, các y tá cũng hỏi tôi câu hỏi tương tự. Tôi cũng trả lời bằng câu nói đùa ấy. Ba giờ sáng ở phòng cấp cứu, Kevin đứng bật dậy nói: “Ông rất may mắn! Bây giờ đi thi nếu muốn gian lận tôi phải ngồi cạnh sinh viên Á Châu.” Xã hội Mỹ không còn xem thường người Á Châu như vào thập niên 1970-1980 nhờ những đóng góp thành công của giới trẻ trong cộng đồng người Việt tị nạn.

Tuyết Xuân Portland tiễn tôi về Houston với Tháng Tư chờ đợi, Tháng Tư với ngày 30 lịch sử, Tháng Tư với nhiều hoài niệm đổ về, với những người bạn ở xa đến, Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng từ DC, nhà văn Nguyễn Tường Thiết từ Seattle. Bốn mươi hai năm sau những kỷ niệm cũ vẫn hiện về. Sóng biển không xóa hết những kỷ niệm và quá khứ của người tị nạn trái lại đã đẩy những kỷ niệm đến. Giọng Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, người thầy cũ trường y khoa Sài Gòn, đã gọi tôi về Little Saigon trong Tháng Năm, đề dự ngày thầy ra mắt sách. Người thầy 95 tuổi vẫn theo đuổi sự nghiệp văn chương và giáo dục như ngày ông còn ở Việt Nam vừa dạy đại học y khoa vừa dạy đại học Vạn Hạnh và giữ chức tổng trưởng văn hóa giáo dục.

Giọng nói của thầy gợi tôi về những ngày tháng học y khoa với thầy đứng cao vời vợi trên bục giảng ở đại giảng đường. Giáo sư với bộ mặt nghiêm khắc khiến học trò vừa kính sợ vừa khâm phục về kiến thức sâu rộng. Tôi đã nhiều lần chạy xe gắn máy theo sau chiếc xe Peugeot trắng 404 của thầy đến tòa soạn báo Bách Khoa trên đường Phan Đình Phùng. Tôi đã “mê” thầy cũng như “dại dột” mê đọc báo, đọc sách văn chương ngoài giờ học và tập tành cầm bút.

Sài Gòn trong thời chiến tranh là một Sài Gòn đẹp, một Sài Gòn thơ mộng với những con đường cây rợp bóng mát để thương để nhớ, một Sài Gòn trong thời chiến tranh với nhiều ngẫu hứng văn chương, báo chí tràn ngập trong đó có hai tập san nổi bật Bách Khoa và Sáng Tạo của giới trí thức. Một Sáng Tạo với Mai Thảo đã mất và một Doãn Quốc Sỹ tôi đã gặp trong ngày ra mắt sách ở Viện Việt Học với Khu Rừng Lau, Gìn Vàng Giữ Ngọc, Dòng Sông Định Mệnh, Người Việt Đáng Yêu… Cùng với Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên những tiếng thơ đã làm Sáng Tạo nổi bật về văn chương, khác với Bách Khoa nổi bật với khuynh hướng chính trị, với chủ thuyết, chủ nghĩa quốc gia dân tộc, những bài nghiên cứu giá trị của nhà văn Bình Nguyên Lộc, Bác Sĩ Trần Văn Tích, Giáo Sư Nguyễn Thiệu Lâu, Linh Mục Trần Thái Đỉnh, Giáo Sư Nguyễn Hiến Lê, các nhà văn Võ Phiến, Vương Hồng Sển, Lê Tất Điều, Nhã Ca, v.v… Bách Khoa với chủ trương như cụ Á Nam Trần Tuấn Khải viết:

“Nào văn chương, chính trị nào xã hội nhân quyền

Từ vật chất tinh thần cùng đổi mới.”

Bốn mươi hai năm nhìn lại, lịch sử nước Việt Nam cũng như lịch sử các quốc gia trên thế giới, với chu kỳ như trời đất bốn mùa khi lên khi xuống đến tàn rụi, những thời kỳ văn minh như sử gia Arnold Toynbee nhận định trong “Nghiên cứu lịch sử” (A study of history).

Trong khi ngoài Bắc, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam theo đuổi chiến tranh với chủ nghĩa giải phóng theo chủ thuyết Marx đấu tranh giai cấp bằng vũ lực bịt miệng những tiếng nói của giới trí thức và văn nghệ sĩ, giới trí thức miền Nam vẫn giữ được sĩ khí trong một cuộc chiến không tiếng súng. Trong cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa thiện và ác, bên thiện đã thua vì phản bội của đồng minh, của Henry Kissinger qua Hiệp Định Paris. Nhưng cũng như truyện khoa học giả tưởng của Isaac Asimov, nước Việt Nam đã ở vào thời kỳ có hai cơ sở. Một ngày đất nước sẽ rơi vào thời kỳ đen tối, nhiệm vụ của giới trí thức và khoa học gia là cố gắng cứu vãn để thời gian hồi phục sẽ đến sớm hơn. Sau 30 Tháng Tư, 1975, trí thức và khoa học gia không được sử dụng. Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam theo chính sách của Liên Xô và Trung Quốc lập các trại cải tạo, hậu quả là sự suy sụp kéo dài man rợ. Hai cơ sở, hai nền tảng (foundation) vẫn tồn tại như trong thời kỳ chiến tranh, một ở trong nước với chánh sách bịt miệng trí thức, một ở ngoài nước với giới trí thức cố giữ vững tinh thần và tư cách của kẻ sĩ của một nước Việt Nam văn hiến.

Ngôn ngữ và văn chương là vũ khí hữu hiệu trong cuộc chiến không tiếng súng. Trong nước văn chương phản kháng không ngừng từ 1954, ở hải ngoại giới trí thức gặp khó khăn không đến từ chánh quyền mà vì khung cảnh và môi trường sống. Giới trẻ lớn lên, như thuyết Darwin, thay đổi theo môi trường sống, ngôn ngữ Việt không được sử dụng hàng ngày, tiếng Việt quên lãng trong giới trẻ. Vietnamese American, người Mỹ gốc Việt, thoạt đầu là Việt, 42 năm sau người Việt sống ở Hoa Kỳ có nhiều đặc tính Mỹ nhiều hơn Việt.

Sống ở Mỹ từ năm 1978, sau khi định cư yên ổn với nghề y, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh cho thấy ông là người xứng đáng với chức vụ tổng trưởng văn hóa giáo dục thời VNCH. Ông vẫn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp giáo dục cho các thế hệ trẻ qua Viện Việt Học và viết các sách có giá trị. Trình độ của ông là trình độ “bậc thầy các thế hệ” với kiến thức rộng, “kiến thức là sức mạnh” (Francis Bacon: knowledge is power).

Ba cuốn sách “Ngữ Pháp Việt Nam,” “Ngữ Vựng Việt Nam,” và “Dạy Đọc Dạy Viết Tiếng Việt” là một công trình nghiên cứu lâu dài của ông và là một công trình của một người hiếu học tự học. Đến thăm thầy tôi năm nay 95 tuổi, tôi thấy lúc nào ông cũng cặm cụi viết. Ông có lần tâm sự với tôi ông là học trò của Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, nhưng cũng như các học trò trường Bưởi và Chu Văn An, ông tự học nhiều hơn, chính sự hiếu học và tự học đã tạo ra người quảng bác chứ không phải là một “con vẹt trả bài.”

“Dạy đọc dạy viết theo phương pháp Âm Vi Học” đã cho thấy ông đã nghiên cứu lối dạy phát âm trên thế giới. Ông đã cho tôi liên tưởng đến Sejong (Thế Tông), Hoàng Đế Hàn Quốc, người đã sáng tạo hệ thống ngôn ngữ Hangul, hệ thống chữ Alphabet cho Hàn Ngữ để người bình dân có thể phát âm, 38 chữ giúp cho dân Triều Tiên phát âm qua cơ quan (từ miệng lưỡi mới cho đến thanh quản). Công trình của Vua Sejong mất ba năm, từ 1443 đến 1446, giúp ngôn ngữ của người Triều Tiên độc lập với Hán Ngữ. Từ ngôn ngữ độc lập, dân Triều Tiên độc lập với Trung Quốc khác với chữ Nôm của Việt Nam chỉ thay đổi một phần nhưng vẫn không phát âm Alphabet. Hàn Ngữ từ đời Vua Sejong đã được Tây Phương khen ngợi, học Hàn Ngữ rất dễ so với các ngôn ngữ khác ở vùng Đông Nam Á.

Sách ngữ vựng của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh dựa theo lý thuyết của ông Noam Chomsky, một nhà nghiên cứu ngữ pháp đồng thời là triết gia đại học MIT, chính trị gia khuynh tả chống chiến tranh Việt Nam, một trong những nhân vật tự nhận là “lương tâm” của thời đại, mới đây ông viết bài luận chống Tổng Thống Donald Trump. Thuyết ngữ pháp của ông Noam Chomsky có ảnh hưởng lớn trên thế giới sau khi nghiên cứu hơn 50 ngôn ngữ trên thế giới. Căn bản thuyết ngôn ngữ của ông bắt nguồn từ sinh học (biolinguistics), cấu trúc ngôn ngữ xác định trong tư tưởng con người và được truyền qua di thể (gene). Tất cả ngôn ngữ có chung một cốt lõi được ông gọi là ngữ pháp hoàn vũ. Ngữ vựng quan trọng hơn ngữ pháp.

Sách của Giáo Sư Ninh đưa nhiều lý luận mới về tiếng Việt và thay đổi nhiều từ như động từ là “điều thật từ.” Cách pháp âm và thay chữ cùng đổi như I thay vì Y. Những chữ khó chấp nhận ngay như đề nghị của Nguyễn Ngu Y từ trước năm 1975.

Giáo Sư Đàm Trung Pháp, giáo sư về ngôn ngữ, đã ca tụng bộ sách của Giáo Sư Ninh sau khi đọc bản thảo của hai cuốn sách và phát biểu về ngôn ngữ theo một nhà chuyên môn với triết về ngôn ngữ. Tôi lắng nghe và mỉm cười nhớ lại những câu ông viết trong báo Ngày Nay ở Houston mấy năm trước khi ông còn dạy ở Dallas. Ông kể chuyện khi mới đến Mỹ du học sau khi tốt nghiệp trung học. Anh văn giỏi, một ngày ở ký túc xá, một sinh viên Mỹ đã hỏi ông Pháp về thời tiết bên ngoài. Ông Pháp trả lời: “Thời tiết rất nóng, đổ mồ hôi, nóng quá tôi muốn cởi áo mặc quần đùi.” Anh sinh viên Việt Nam thao thao bất tuyệt bị anh chàng Mỹ chận lại ngay: “Mày chỉ cần nói trời nóng như lửa. Hot like hell!, là tụi tao dân Texas hiểu rồi đâu cần nói văn chương!”

Ngôn ngữ là từ được dùng nhiều thì thành ngôn ngữ hàng ngày. Sách “Language Instinct” của Steven Pinker một nhà ngôn ngữ học và tâm lý học ở Montreal nổi tiếng không thua ông Chomsky, không được Giáo Sư Pháp và Giáo Sư Ninh nhắc đến. Đọc sách Steven Pinker rồi, người đọc dễ chấp nhận những thay đổi như ngữ pháp trong sách của Giáo Sư Ninh, cũng như dễ chịu hơn với những từ được dùng ở Việt Nam sau 30 Tháng Tư, 1975. Những danh từ rất khó nghe như: sự cố kỹ thuật thay vì lý do kỹ thuật, đăng ký thay vì ghi danh, khẩn trương thay vì khẩn cấp. v.v… Những chữ khó chịu nay được phổ thông như “cực kỳ.” Cấu trúc ngày xưa giống Trung Quốc nay giống Mỹ như chữ “Ấn tượng,” ngày trước miền Nam dùng: “Tôi có ấn tượng tốt về cô” nay nói tắt “Cô ấn tượng tôi.” Chữ “tử vong” nay vừa dùng thành danh từ và động từ, dùng mãi rồi chữ “chết” không còn được xài, “cha mẹ tử vong” nghe chướng tai. Trước 1975, người Việt tao nhã, bệnh “tiểu đường” (Diabetes) thay vì “bệnh đái đường” nay sinh viên y khoa được dạy là “đái tháo đường.”

Ngôn ngữ tự phát của Steven Pinker đã nhận xét trẻ em “tự nhiên sáng chế ngữ pháp và ngôn ngữ,” không khác gì ngôn ngữ đường phố của người dân Việt từ xã hội trước và nay.

Cuốn sách của Giáo Sư Ninh hy vọng sẽ gây được nhiều bàn cãi xây dựng về ngôn ngữ.

Cuối buổi ra mắt sách tại Viện Việt Học, tôi dìu thầy tôi xuống hai tầng lầu, 95 tuổi tinh thần ông vẫn minh mẫn và tôi đã thấy những việc làm của thầy có nhiều kết quả. Nhiều học trò đang theo bước chân thầy như Bác Sĩ Đặng Phú Ân với trường Việt Ngữ ở Montreal, Canada, Bác Sĩ Đỗ Hoàng Ý và vợ Quý Linh với trường Việt Ngữ và nhà xuất bản Ý Linh ở Houston.

MỚI CẬP NHẬT