Thursday, April 18, 2024

Mơ ước của nhạc sĩ Lam Phương ở tuổi 80: ‘Có một người bạn để hủ hỉ’

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Tối Thứ Bảy, 24 Tháng Sáu, tại Hội trường Nhật báo Người Việt diễn ra chương trình văn nghệ “Lam Phương- 80 cuộc đời, 65 năm âm nhạc” thu hút đông đảo khán giả thuộc nhiều thế hệ đến xem.

Nhân dịp này, phóng viên Người Việt đã có cuộc phỏng vấn “chớp nhoáng” với nhạc sĩ Lam Phương để nghe ông chia sẻ những buồn vui trong cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa. Đặc biệt là niềm mơ ước rất thú vị của ông ở tuổi 80.

***

Ngọc Lan (NV): Khi nãy nhìn thấy chú Lam Phương vừa ngồi vừa coi những video clip, có lẽ là những bài hát của chú. Mỗi lần ngồi xem ca sĩ trình diễn các ca khúc của mình như thế thì cảm xúc của chú như thế nào?

Nhạc sĩ Lam Phương: Chắc chắn là rất cảm động, nhất là những bài hát mình viết, nghe để nhớ lại lúc mình sáng tác nó như thế nào.

NV: Chương trình ca nhạc tổ chức ngay tại báo Người Việt hôm nay, những ca sĩ hầu hết không phải chuyên nghiệp hay trên một sân khấu lớn, mà chú vẫn có mặt để tham dự. Chú nghĩ gì về việc có mặt ở đây để tham dự một chương trình đơn giản như vậy?

Nhạc sĩ Lam Phương: Đối với tôi, việc đi dự những buổi nhạc chuyên nghiệp quen rồi. Nhưng tôi vẫn muốn làm điều gì để nâng đỡ đàn em sau này. Cho nên hy vọng sự hiện diện của tôi sẽ giúp cho các cháu ngày sau sẽ tiến lên.

NV: Chú bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình như thế nào? Giống như là năng khiếu bẩm sinh hay xuất phát từ điều gì để đi đến sáng tác đầu tiên của chú?

Nhạc sĩ Lam Phương: Tôi sáng tác rất sớm, khi mới có 15 tuổi. Đây này là năng khiếu tự nhiên của mình. Lúc đó tôi còn đi học, thức đêm thay vì học bài mình lại có đầu óc sáng tác. Lúc trời khuya dễ có cảm hứng lắm.

NV: Khi sáng tác ra bài nhạc đầu tiên, chú đưa cho ai hát? Làm sao để người ta biết đến tên của nhạc sĩ Lam Phương?

Nhạc sĩ Lam Phương: Khổ lắm cháu ơi! Cái gì khi bắt đầu cũng khó. Khi viết bài đầu tiên đâu có ai biết mình là ai, thành ra mình phải đi đến gặp họ, trình bày bài của mình cho họ biết, rồi họ kêu mình hát, dù hát không được cũng cố gắng hát cho họ nghe, nghe được rồi họ mới chịu hát bài của mình, chứ không có dễ đâu.

NV: Khoảng bao nhiêu lâu sao bài hát đầu tiên của chú thì người ta bắt đầu biết đến tên nhạc sĩ Lam Phương?

Nhạc sĩ Lam Phương: Bài đầu tiên là bài Chiều Thu Ấy, tôi làm lúc 13 tuổi. Đến năm 15 tuổi mới tung ra mà đâu ai mua, trong khi không có tiền, phải đi mượn tiền để in bài đó. Phải bán cả năm sau mới lấy vốn được. Cũng gian nan lắm!

NV: Phải mấy năm sau sự gian nan đó thì tên tuổi Lam Phương mới được người ta chú ý đến?

Nhạc sĩ Lam Phương: Hai năm sau. Bài đầu ít người biết lắm, sau này đến bài thứ nhì thì người ta mới biết nhiều, là bài “Nhạc Rừng Khuya,” giai đoạn tôi viết nhạc về quê hương đó, thì lúc đó phong trào mới nổi lên, và người ta mới biết đến tên tôi.

NV: Và khi tên tuổi nhạc sĩ Lam Phương được người ta biết đến nhiều, thì chuyện sáng tác của chú làm ra để đưa đến ca sĩ hay làm ra băng đĩa bán trở nên dễ dàng hơn rất nhiều phải không ạ?

Nhạc sĩ Lam Phương: Đúng rồi, dễ dàng hơn lúc đầu nhiều lắm, vì người ta đã biết tên mình thì người ta tin tưởng bài mình. Lúc đó mình không cần năn nỉ nữa mà người ta tìm đến mình xem có bài mới không là họ hát.

Khán giả thuộc nhiều thế hệ chật kín hội trường báo Người Việt trong đêm nhạc “Lam Phương-80 năm cuộc đời, 65 năm âm nhạc” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

NV: Trong số những ca sĩ đã trình diễn các sáng tác của chú, chú cảm thấy ưng ý nhất là ca sĩ nào?

Nhạc sĩ Lam Phương: Cũng khó so sánh, vì tôi viết nhiều loại nhạc lắm, mỗi một loại nhạc có một số ca sĩ riêng, như nhạc quê hương thì có Hương Lan, Mai Thiên Vân, nhạc tình thì có Khánh Hà, Ý Lan, thành ra mình không so sánh được, mỗi ca sĩ chuyên về một loại nhạc, mình không đem ca sĩ hát loại nhạc này với ca sĩ hát loại nhạc khác.

NV: Về bài hát “Chiều Tây Đô,” chú Lam Phương có thể cho biết là chú sáng tác bài đó trong hoàn cảnh như thế nào để có thể nói lên nỗi niềm tâm sự của nhiều người như vậy?

Nhạc sĩ Lam Phương: Trước tiên, tôi không phải là người sanh dưỡng tại Cần Thơ, mà tôi sanh ở Rạch Giá. Nhưng tôi có một người bạn, người bạn đó nói “Sao anh viết cho mọi người được mà anh không viết cho em được? Em ở Tây Đô.” Chính vì vậy mà tôi viết bài “Chiều Tây Đô.”

NV: Còn bài hát “Một Mình” thì sao ạ?

Nhạc sĩ Lam Phương: Thường những bài hát tôi sáng tác là tôi có một hoàn cảnh riêng của mình. Tôi viết bài đó lúc thôi bà vợ thứ hai, thứ ba, sống một mình. Sống một mình thì tình cảm cô đơn lắm. Tối tôi nằm một mình thấy tình cảnh mình cô độc quá mới viết bài “Một Mình,” đó là hoàn cảnh thật.

NV: Chú viết từ năm 13 tuổi, đến 15 tuổi thì tung sáng tác đầu tiên ra, cho đến bài cuối cùng là lúc chú bao nhiêu tuổi?

Nhạc sĩ Lam Phương: Tôi bệnh là năm 62 tuổi, tức năm 1999. Bốn năm sau, tức 2003, tôi viết bài cuối cùng là “Hạnh Phúc Mang Theo” lúc đó tôi nghĩ mình sắp chết rồi. Tôi nghĩ khi mình chết thì tất cả những kỷ niệm mình mang theo mình, để cho người sống ở lại không nhớ tới để mà buồn, tôi mang theo tất cả.

NV: Mặc dù trải qua một cơn bạo bệnh như vậy và có lúc đã nghĩ là mình không còn sống được lâu, nhưng đến bây giờ đã là 19 năm rồi, mà mỗi lần chú xuất hiện đều trong một thần thái rất là lạc quan, rất là vui. Làm sao chú có được điều đó?

Nhạc sĩ Lam Phương: Nhờ vậy mà sống lâu đó cháu. Giờ 80 rồi. Tôi nghĩ giờ mình có buồn cũng vậy thôi, tại sao mình không vui để hưởng những ngày cuối cùng của mình cho nó êm đẹp.

NV: Người ta thường nói, người nhạc sĩ, hay thi sĩ cũng vậy, khi họ sáng tác, thường có những tâm sự buồn hay khi xung quanh có những tác động mang tính buồn, tiêu cực thì sáng tác của họ hay hơn. Thì điều đó có đúng không?

Nhạc sĩ Lam Phương: Phần đông là như vậy. Nhưng riêng tôi thì tôi viết trong mọi hoàn cảnh. Lúc vui tôi viết nhạc vui, lúc buồn tôi viết nhạc buồn, lúc giận viết nhạc giận, không có so sánh được.

NV: Một bài thường từ lúc hình thành ý tưởng đến lúc chú hoàn thành sáng tác mất bao lâu?

Nhạc sĩ Lam Phương: Cũng tùy, nhưng thường tôi viết mau lắm. Một bài chậm lắm là một tuần thôi. Một bài mà tôi viết 3-4 ngày mà nghe không được là bỏ liền để viết bài khác.

NV: Vậy bài nhanh nhất chú viết trong bao lâu?

Nhạc sĩ Lam Phương: Trong vài tiếng đồng hồ, trong một đêm.

NV: Chú có thường nghe lại nhạc của chính mình mỗi ngày hay mỗi tuần không?

Nhạc sĩ Lam Phương: Nghe mỗi ngày (cười). Nghe để coi có chỗ nào yếu, không hay mình sửa lại để sau này tránh đi, để viết hoàn hảo hơn.

NV: Có bao giờ chú nghe lại sáng tác của mình và nghĩ “Ồ tại sao lúc đó mình viết hay như vậy!” Hay có lúc nào lại nghĩ “Trời, sao lúc đó mình viết tệ quá!”?

Nhạc sĩ Lam Phương: Như tôi đã nói khi viết tôi thấy được mới tiếp tục, còn không được thì thôi bỏ, để khỏi mất thì giờ.

NV: Ngay trong lúc này, khi mà bên hội trường báo Người Việt có rất nhiều ca sĩ đang trình diễn những ca khúc của chú, thì chú cảm thấy như thế nào?

Nhạc sĩ Lam Phương: Đó là niềm sung sướng của người sáng tác. Mình hát không được thì mình nghe người ta hát nhạc của mình. Đó là niềm vui sướng của người sáng tác.

NV: Hiện giờ điều chú lấy làm niềm vui trong đời sống hằng ngày của mình là gì?

Nhạc sĩ Lam Phương: Bây giờ tôi sống một mình, với gia đình người em. Cuộc sống rất giản dị. Tối ngủ, không thức khuya. Sáng thức sớm, rồi ăn uống, ngủ trưa. Cuộc đời có vậy thôi.

NV: Nếu bây giờ, có một điều ước thật đặc biệt thì chú nghĩ chú ước điều gì?

Nhạc sĩ Lam Phương (suy nghĩ thật nhanh): Có một người bạn để mình hủ hỉ những lúc buồn. Thế thôi. Bạn thôi. (Cười)

NV: Một người bạn, nhưng là nam hay nữ?

Nhạc sĩ Lam Phương (cười lớn): Nữ càng tốt! (Ngọc Lan)

Liên lạc tác giả: [email protected]

Niềm mơ ước rất thú vị của nhạc sĩ Lam Phương ở tuổi 80

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT