Wednesday, April 24, 2024

‘Ngày Đà Lạt’ tại Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – “Ngày Đà Lạt” là tên gọi của buổi picnic Hè do Hội Thân Hữu Đà Lạt Nam California vừa tổ chức vào trưa Chủ Nhật, 25 Tháng Sáu, tại Garden Grove Park, Garden Grove.

Bà Nguyễn Ngọc Tịnh, hội trưởng, nói với nhật báo Người Việt: “Hàng năm, vào những ngày cuối của Tháng Sáu, hội có tổ chức ‘Ngày Đà Lạt’ để bà con nào không có dịp gặp nhau vào mùa Tết thì sẽ gặp nhau trong mùa Hè này. Đặc biệt lần này, có nhiều đồng hương từ những tiểu bang khác và bên Âu Châu cũng về tham dự.”

“Mục đích chính của buổi tổ chức là kết hợp những người đã từng sinh sống tại Đà Lạt; từng đến viếng Đà Lạt và những người yêu mến Đà Lạt có dịp gặp lại để kết chặt tình thân, sau những năm xa quê hương, xa không khí trong lành cùng những thắng cảnh đẹp ẩn hiện nhiều mộng mơ của xứ hoa đào Đà Lạt,” hội trưởng nói thêm.

Theo ban tổ chức, thông thường, hội chuẩn bị khoảng 200 phần ăn cho những đồng hương đến tham dự, nhưng lần này có đến 300 phần.

Khoảng 10 giờ sáng, đồng hương đã tề tựu rất đông, trong lúc các thành viên trong ban tổ chức vẫn còn lo những công việc làm cần thiết trong các ban: trang trí; âm thanh; văn nghệ; ẩm thực,… Mỗi người một nhiệm vụ, tuy hơi tất bật, nhưng chan hòa những nụ cười thân thương để buổi tổ chức được chu toàn.

Nắng của những ngày đầu Hè cũng bắt đầu chói chang.

Ngoài những món ăn mà ban ẩm thực bày biện trên dãy bàn dài như cơm chiên, mì xào, gỏi, heo quay, xôi, bánh mì… thỉnh thoảng có vài đồng hương cũng mang đến yểm trợ cho ban tổ chức vài thức ăn khác.

Sau nghi thức khai mạc, trong lời chào mừng tất cả mọi người, hội trưởng nói: “Vì người Đà Lạt rất tôn kính những vị cao tuổi, nên trong chương trình hôm nay có phần đặc biệt là lễ chúc thọ và phát quà lưu niệm cho các vị bô lão.”

Ban văn nghệ và các bô lão đồng hát bài “Việt Nam, Việt Nam.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Chương trình văn nghệ được bắt đầu với bài “Việt Nam, Việt Nam” của cố nhạc sĩ Phạm Duy, do toàn ban văn nghệ đồng ca.

Ban tổ chức mời đồng hương dùng bữa cơm trưa và thưởng thức chương trình văn nghệ tiếp tục, với những tiếng hát của đồng hương Đà Lạt và thân hữu đóng góp.

Theo ban tổ chức, Đà Lạt là một tỉnh nhỏ thuộc cao nguyên Trung Phần, nhưng có rất nhiều trường học và các trung tâm huấn luyện. Vì thế, các đồng hương Đà Lạt đến tham dự ngoài mang bảng tên của mình, ban tổ chức còn yêu cầu họ ghi thêm tên trường của mình học ngày xưa.

Được biết, sau năm 1954, nhiều người ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung đến Đà Lạt lập nghiệp, nên số trường lớp được mở ra ngày càng nhiều hơn, từ vườn trẻ, mẫu giáo, tiểu học đến đại học, công lập cũng như tư thục.

Trước 1975, các trường trung học ở Đà Lạt gồm có Bùi Thị Xuân, Hưng Đạo, Hùng Vương, Quang Trung, Việt Anh, Văn Học, Bồ Đề, Trí Đức, Thụ Nhân, Couvent des Oiseaux, Adran, Thiên Hương, Minh Đức, Vinh Sơn, Thánh Phao Lồ;…

Các trường đại học như: Viện Đại Học Đà Lạt, Trường Quốc Gia Hành Chánh, Trường Chính Trị Kinh Doanh…

Về quân sự, có các trường: Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, Trường Chỉ Huy và Tham Mưu,… Khi nhắc đến những trường này, bà Ngọc Tịnh tâm tình: “Con gái Đà Lạt rất lãng mạn, nhưng khi thương người nào thì thương hết lòng, cho nên, khi gặp được những chàng sinh viên sĩ quan của Trường Võ Bị Đà Lạt cũng như Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị,… thì có nhiều cô đã mến thương những chàng trai này, vì họ vừa có trình độ trí thức và vừa thể hiện sự kiêu hùng của nam nhi trong thời chiến.”

Ông Trần Đắc, cư dân Westminster, định cư tại Hoa Kỳ 1993, theo diện HO 17, cho biết, ông theo gia đình di cư vào sống tại Đà Lạt lúc còn nhỏ, khi lớn lên ông là học sinh của trung học Hưng Đạo, ông kể: “Lúc còn ở Đà Lạt, nhà của tôi trên đường Đào Duy Từ ở cuối Dốc Nhà Bò, gần một con suối có một tiệm tạp hóa có một cô gái trông rất xinh. Lúc đó tôi mới 13 tuổi thôi, không biết vì tính lãng mạn hay vì tình cảm đặc biệt nào đó mà tôi lại ‘để ý’ và thích ngắm nhìn cô ta và cô ta cũng có chút cảm tình với tôi sau những lần tôi đến mua hàng hóa và trò chuyện với cô.”

Ông kể thêm: “Rồi sau đó, tôi đi nhập ngũ vào Khóa 3/68 SVSQ Trừ Bị Thủ Đức. Sau khi ra trường, tôi có về Đà Lạt để thăm lại ngôi trường xưa cùng bè bạn, và nhất là muốn gặp lại người con gái mình yêu thích ngày nào. Lúc đó tôi cũng khoảng tuổi 20 và nàng cũng khoảng 19. Nhưng, tôi không gặp được nàng nữa vì theo bè bạn kể lại, nàng đã có người yêu là một chàng sinh viên sĩ quan của Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.”

Các thành viên trong ban tổ chức “Ngày Đà Lạt.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bà Tina Trần, cư dân Anaheim, định cư tại Hoa Kỳ hơn sáu năm, trước năm 1975, bà là nhân viên của Air Vietnam, bà tâm sự: “Tuy tôi không được sinh ra ở Đà Lạt, nhưng ngày xưa tôi rất thích những thắng cảnh thơ mộng của xứ này, cũng vì thế, tôi đã có chồng là người Đà Lạt. Hiện giờ, tôi và chồng tôi đã chia tay, nhưng những kỷ niệm về thành phố Đà Lạt tôi vẫn còn nhớ, vì thế, hôm nay tôi mới đến tham dự buổi hội ngộ này để tìm lại chút hương vị của những ngày cũ.”

Bà tâm tình: “Đà Lạt, những thắng cảnh thơ mộng đã chất chứa bao nhiêu mối tình êm đẹp như nét đẹp của Thác Cam Ly, Hồ Xuân Hương, Thung Lũng Tình Yêu, Đồi Cù, Đồi Mộng Mơ,… và cũng có những mối tình đầy mộng mơ, ray rứt như nét buồn của Hồ Than Thở, Đồi Thông Hai Mộ. Và, thâm tình đồng hương Đà Lạt vẫn còn muôn thuở.”

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 27 tháng 6 năm 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT