Friday, April 26, 2024

Chín tình huống người xin việc nên tránh

NEW YORK CITY, New York (NV) – Tìm việc luôn là điều khiến bao nhiêu sinh viên mới ra trường lo ngại. Tùy vào vận may mà bạn gặp người xét duyệt dễ tính hay một người vô cùng nguyên tắc khiến cuộc phỏng vấn trở nên ngột ngạt. Dù gặp phải người nào, sau đây là chín tình huống bạn nên tránh khi đi xin việc nhằm tạo một ấn tượng tốt và chuyên nghiệp hơn trước mặt người tuyển dụng, theo trang mạng Forbes.

1. Sau khi xác nhận ngày phỏng vấn với nhà tuyển dụng nhưng bạn lại lỡ mất ngày hẹn rồi email cho người tuyển dụng, bảo rằng bạn quên hay không thể đến được vì lý do khẩn cấp, rồi xin phép dời cuộc gặp vào một ngày khác. Điều này sẽ khiến bạn “mất điểm” trong mắt nhà tuyển dụng vì sự thiếu chuyên nghiệp trong việc quản lý thời gian. Nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn không coi trọng công việc mà bạn tìm kiếm.

2. Không tìm hiểu về công ty mà bạn sắp phỏng vấn, nhất là các thông tin về tầm nhìn, sứ mệnh và văn hóa của nơi bạn mong muốn vào làm. Ngoài ra, bạn không chuẩn bị các câu hỏi cần thiết để đối thoại với người tuyển dụng và ăn mặc thiếu chuyên nghiệp trong buổi phỏng vấn. Điều tệ hơn là khi người xin việc hỏi người tuyển dụng câu: “Bạn có thể nhắc lại cho tôi biết về vị trí mà tôi đang nộp đơn được không?”

3. Sau khi trải qua vài cuộc phỏng vấn và được nhận vào vị trí, bạn không nói với nhà tuyển dụng về việc bạn sắp có một kì nghỉ ngắn, do đó không thể bắt đầu công việc trong vòng vài tuần sắp tới.

4. Bạn không cung cấp thông tin liên lạc của người phụ trách trước tại nơi bạn từng làm việc, và chỉ trả lời nhà tuyển dụng rằng, “Tôi không giữ liên lạc với những người chủ cũ.”

5. Khi công ty quyết định tuyển dụng bạn, bạn từ chối và lại mong muốn chuyển sang vị trí khác, bằng cách trả lời như “Tôi không thích công việc đó, lý do tôi phỏng vấn là vì tôi muốn vượt qua bước tuyển nhân sự, phía công ty có tuyển dụng cho vị trí khác không.”

6. Bạn không tham gia các buổi phỏng vấn tiếp theo sau khi được chọn là một trong những ứng cử viên cuối cùng cho vị trí công việc. Bạn không trả lời điện thoại và phản hồi email. Sau vài tuần, bạn lại liên lạc phía công ty và nói rằng: “Tôi bận phỏng vấn cho một vị trí khác tốt hơn nhưng không được nhận. Tôi có thể tiếp tục việc phỏng vấn cho vị trí này được không?”

7. Khi tới phần đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, bạn không đưa ra các câu hỏi liên quan đến công việc, hướng đi, tầm nhìn hay giá trị liên quan đến công ty mà lại thắc mắc về các vấn đề như khu vực làm việc, cơ hội thăng tiến và các lợi ích cá nhân khác có thể nhận được.

8. Bạn không rõ ràng khi thỏa thuận lương bổng. Ví dụ, bạn sẽ nhận công việc nếu như công ty trả ít nhất $50,000/năm. Sau khi nhà tuyển dụng đồng ý lời đề nghị của bạn và đưa ra mức lương $51,000, bạn lại không chấp nhận và muốn thỏa thuận với mức lương cao hơn.

9. Bạn nộp đơn cho nhiều vị trí khác nhau, dù rằng đó không phải là chuyên môn và phù hợp với khả năng của bạn, vì bạn nghĩ rằng đây là “chiến lược” giúp bạn có cơ hội cao hơn được nhận vào công ty. (Kh.L)

MỚI CẬP NHẬT