Friday, April 26, 2024

Thay vì gia tài, nhiều ông bà ở Mỹ cho cháu tiền học đại học

Lê Tâm
(Theo US News & World Report)

Hiện ngày càng có nhiều bậc ông bà ở Mỹ đang bắt đầu cho tiền bạc của mình lúc còn sống thay vì đợi cho hưởng tài sản khi họ đã qua đời, theo các chuyên gia tài chánh.

Một số đông bậc ông bà nay không chỉ chú trọng đến việc tiết kiệm khi đến tuổi nghỉ hưu, nhưng còn dùng tiền bạc của họ để trợ giúp người thân, trong một số trường hợp gồm cả việc giúp tiền cho cháu đi học đại học.

“Các bậc ông bà này muốn khởi sự cho đi tài sản của họ lúc còn sống và không đợi đến khi họ qua đời để cho con cháu được hưởng gia tài,” theo lời Wendy Moyers, một cố vấn tài chánh và là người sáng lập công ty Linden Oak Wealth Partners ở Kensinton, tiểu bang Maryland.

Một cuộc nghiên cứu do Age Wave và Merrill Lynch thực hiện mới đây cho thấy có khoảng 62% những người từ 50 tuổi trở lên đang cung cấp một số hình thức trợ giúp tài chánh cho người thân trong gia đình. Cuộc nghiên cứu đó cũng cho thấy có 60% những người được hỏi đã nói rằng tốt hơn là cho đi một số tài sản khi họ còn sống hơn đợi cho đến khi họ đã qua đời.

“Không phải ai cũng ở trong hoàn cảnh để có thể giúp được người khác. Chúng tôi may mắn vì tôi là con một và mẹ tôi đã để dành được tiền khi chuẩn bị cho việc nghỉ hưu của bà,” theo lời Sabina Novoa, một bà mẹ có hai con ở San Francisco, người nhận được tiền từ bà mẹ để trả học phí đại học cho hai đứa con của mình. “Mẹ tôi giúp cho gánh nặng nhẹ đi.”

Bà Novoa mỗi tháng nhận được $1,000 trong trương mục của mình từ bà mẹ sống ở thành phố San Jose, để chi trả cho người con gái 19 tuổi đi học tại đại học University of Arizona.

“Chúng tôi hiện phải trả khoảng $50,000 cho việc đi học đại học của con gái, do đó số tiền này giúp giảm xuống còn khoảng $38,000 mỗi năm,” theo bà Novoa, cho biết thêm rằng mẹ của bà muốn giúp con và cháu ngay lúc này, thay vì đợi đến mãi sau, vì muốn được nhìn thấy kết quả khi còn sống.

Đối với các bậc ông bà trong hoàn cảnh có khả năng giúp cháu trả chi phí đi học đại học, dưới đây là một số điều họ cần xem xét.

1.Một ông hay bà có thể giúp con hay cháu tới $14,000 một năm mà không phải trả tiền thuế cho quà (gift tax). Đây là theo hướng dẫn của IRS về quà tặng. Nếu hai ông bà còn sống và cùng khai thuế thì có thể cho đến $28,000.

Nhận số tiền khoảng $12,000 mỗi năm như quà tặng để trả chi phí đại học, như trong trường hợp gia đình Novoa, được miễn thuế vì dưới mức $14,000. Tuy nhiên các chuyên gia tài chánh nói rằng quà tặng bằng tiền mặt bị coi là thu nhập không phải trả thuế cho người sinh viên, và có thể khiến bị giảm bớt mức được nhận trợ giúp tài chánh khi nộp đơn Free Application for Federal Student Aid (FAFSA). FAFSA được nhiều trường sử dụng để ấn định mức trợ giúp tài chánh, nhất là trong những trường hợp dựa trên nhu cầu tài chánh của người sinh viên.

“Món quà bằng tiền của ông bà không cần phải báo cáo là nguồn thu nhập khi khai FAFSA,” theo lời Mark Kantrowitz, một phó tổng giám đốc về chiến lược tại Cappex.com, một trang web giúp tìm kiếm đại học và nguồn tài trợ.

“Tốt nhất là các bậc ông bà cho tiền cha mẹ người sinh viên thay vì đưa thẳng cho cháu, dù là số tiền đó cuối cùng cũng sẽ được dùng để giúp đứa cháu đi học đại học,” ông Kantrowitz nói.

2.Các bậc ông bà có thể trả tiền trực tiếp cho trường nơi đứa cháu đi học để tránh thuế quà tặng. Sở thuế IRS cho phép việc trả tiền thẳng cho một trường học hay bệnh viện mà không bị coi là “quà tặng” để phải tính thuế.

“Nếu các bậc ông bà trả thẳng tiền học cho nhà trường, thì họ có thể có sự dễ dàng hơn để cho thêm tiền người cháu, theo mức tiền tặng tối đa hàng năm,” theo lời Moyers thuộc Linden Oak Wealth Partners.

Tuy nhiên, một số đại học có thể coi số tiền này là trợ giúp tiền mặt (cash support) và giảm khả năng nhận trợ giúp tài chánh, theo các chuyên gia.

Vì lý do đó, ông Kantrowitz thuộc Cappex.com nói rằng trừ khi là người sinh viên không được hưởng sự giúp đỡ tài chánh dựa trên mức độ thu nhập của cá nhân hay gia đình (need-based aid), “không có lợi lộc gì trong việc ông bà trả tiền học trực tiếp cho cháu thay vì đưa cho cha mẹ chúng.”

3.Việc mở một trương mục 529 để bớt thuế có thể là một cách khác để các bậc ông bà tiết kiệm tiền và trả học phí đại học. “Một trong những phương cách hữu hiệu và uyển chuyển nhất cho việc để dành tiền hầu chi trả cho đại học là qua chương trình tiết kiệm 529,” theo lời Ashley Bleckner, một chuyên gia hoạch định tài chánh tại công ty RS Crum, Inc. ở California, chuyên về hoạch định tài chánh và đầu tư.

Các chuyên gia nói rằng trương mục 529 không do cha mẹ hay chính người sinh viên làm chủ không bị tính vào con số ước lượng đóng góp của gia đình, con số tính toán từ FAFSA theo đó phỏng định khả năng chi trả của gia đình người sinh viên.

Tuy nhiên số tiền chi ra từ trương mục 529 do ông bà của người sinh viên làm chủ có thể bị coi là nguồn thu nhập của sinh viên, theo bà Moyers.

“Tiền chi ra từ một trương mục 529 do ông bà làm chủ có thể giảm khả năng nhận trợ giúp tài chánh căn cứ theo nhu cầu của sinh viên, bằng tới một nửa số tiền người sinh viên nhận được từ ông bà, trong khi một trương mục 529 của cha mẹ sinh viên chỉ giảm khoảng 5.64% trị giá của trương mục,” theo Cappex.com.

MỚI CẬP NHẬT