Trở ngại trong liên hệ xuyên Thái Bình Dương

Cổ Lũy

Bài này lại trình bày những ý chính trong nghiên cứu đầu Thu năm qua của chuyên gia về Trung Quốc và Hoa Kỳ Mark Beeson, giáo sư chính trị học và bang giao quốc tế (University of Western Australia, Úc). Người viết cũng đưa thêm những giải thích cần thiết và ý kiến riêng như thường lệ. 

Liên hệ mật thiết hay xung khắc?

Liên hệ giữa hai siêu cường kinh tế hạng nhất (Mỹ) và nhì (Trung Quốc) rất là mật thiết; cộng thêm tranh giành vai trò bá chủ “địa chính trị” toàn cầu, liên hệ cũng khác hẳn những gì trước đây. Hai nước chẳng giống nhau mấy về cơ cấu chính trị và kinh tế nhưng lại rất lệ thuộc vào nhau dù cách xa nghìn trùng Thái Bình Dương (xin đọc bài “Năm mới, nhìn về liên hệ Mỹ Hoa” kỳ trước). Khoảng giữa thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã thay thế Anh làm bá chủ đưa thế giới về hướng tư bản và tự do. Bốn mươi năm Chiến Tranh Lạnh tiếp theo, trật tự này bị khuôn mẫu chính trị và kinh tế Liên Xô đe dọa. Cuối cùng kinh tế tư bản thắng thế, bành trướng hầu khắp rồi nối liền hai siêu cường cùng nhiều nước khác theo cơn lũ toàn cầu hóa.

Trung Quốc vươn lên cuối thế kỷ 20 là thách đố khác hẳn cho Mỹ. Ông Beeson nhấn mạnh ba yếu tố: (a) Trung Quốc là đe dọa thật sự vào thế lãnh đạo Mỹ trong chiến lược Ðông Á; (b) “Xã hội chủ nghĩa với dấu ấn Trung Quốc,” sau là “tư bản đỏ” tuy vô cùng khác với tư bản làm tại và xuất cảng từ Mỹ, lại hưởng nhiều phúc lợi qua việc nhập vào hệ thống thế giới; (c) Việc thắt chặt trong kinh tế hỗ tương – hàng hóa Trung Quốc đổi lấy hàng nghìn tỷ đô la – buộc hai bên phải thận trọng trong tác động chính trị và quân sự. Hai bên đều có lợi lớn trong liên hệ này; chỉ ngại là “những gì có thể xẩy ra nếu một bên mất niềm tin vào liên hệ, hoặc quyết định trừng phạt nước kia vì lý do này nọ” – như tân Tổng Thống Donald Trump đe dọa “trả đũa kinh tế” Trung Quốc chẳng hạn. Hỗ tương kinh tế củng cố liên hệ thân thiện và chặt chẽ, nhưng ông Beeson đặt câu hỏi: “Ðây có ngăn chặn được Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ khi ta nhìn tới những bất trắc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chăng?”

Ðồng minh Ðông Á lo ngại

Cuối năm 2011, đồng minh trong vùng (nhất là Úc, Việt Nam, Nam Hàn và Nhật) vừa phấn khởi lẫn phân vân khi Tổng Thống Barack Obama tuyên bố quân bằng đối ngoại với chính sách mới về Châu Á: “Chuyển trục.” Úc từng đứng cùng với đồng minh Mỹ từ chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, hai lần Iraq, Afghanistan cho tới Syria. Hàng thế hệ lãnh đạo Úc đã bỏ nhiều vốn chính trị vào liên minh với Mỹ từ khi rời vùng ảnh hưởng của Anh. Cuộc chiến 30 năm ở Việt Nam và những hệ quả sau đó cũng trực tiếp ảnh hưởng vào hàng thế hệ người Việt và Mỹ; Nhật và Nam Hàn vẫn giữ liên minh quân sự với Hoa Kỳ. Trước Quốc Hội Úc, ông Obama trấn an các nước trong Hiệp Hội Ðông Nam Á (ASEAN): “Hoa Kỳ là một nước Thái Bình Dương” cương quyết “đóng vai trò lớn và lâu dài hơn trong việc xây dựng địa chính trị và tương lai vùng, qua nỗ lực đề cao những nguyên tắc căn bản và hợp tác chặt chẽ giữa đồng minh và thân hữu.” Tuy nhiên, nhiều người vẫn thấy Washington như quá bận tâm với những bất ổn ở Trung Ðông và tuyên truyền “khủng bố” tại Hoa Kỳ – dù thực tế chứng minh số người Mỹ bị khủng bố sát hại còn nhỏ hơn số người Mỹ chết ở hồ tắm. Khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền giữa khó khăn kinh tế ảnh hưởng vào việc Bắc Kinh hung hăng đối ngoại, “chuyển trục” khó trấn an đồng minh Ðông Á, vốn luôn luôn cảm thấy bất an và bị bỏ quên. Họ Tập lại nhìn “chuyển trục,” và thỏa thuận kinh tế Hợp Tác Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau này, như hoàn toàn nhắm vào Trung Quốc. 

Thái Bình Dương dậy sóng

Cái nhìn thực tiễn trong chính trị học và bang giao quốc tế cho thấy: mọi cường quốc đều tìm quyền lực và thế thượng phong; nước đang lên đều thách đố nước đi xuống. Theo Giáo Sư John Mearsheimer (University of Chicago), mâu thuẫn sẽ xảy ra khi Bắc Kinh hăm he chiếm ngôi vị Washington ở Ðông Á. Thật sự, Bắc Kinh đã từ lâu chuyển nhiều vũ khí chiến lược vào sâu lục địa Châu Á, xa tầm hoạt động của Ðệ Thất Hạm Ðội của Mỹ ở phía Ðông Thái Bình Dương; gần đây lại ráo riết quân sự hóa các đảo trên Biển Ðông nhằm gia tăng kiểm soát đường biển huyết mạch và cũng để bù trừ cho việc hạm đội Trung Quốc chỉ có một hàng không mẫu hạm. Giới phân tích và làm chính sách Mỹ nghĩ rằng Washington có thể và cần ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. “Chuyển trục” cộng với “đôn quân” hẳn là giải pháp thích đáng, nhưng thực tế cho thấy đôn quân nho nhỏ không mấy hiệu quả.

Ông Beeson nhận xét và đặt câu hỏi: (a) Thế siêu đẳng quân sự Mỹ không hẳn gây lo sợ ở Bắc Kinh; (b) Washington liệu có dám tham chiến vì một nước Ðông Á dù không có ủng hộ rộng rãi trong nước, hoặc nhỏ hơn của một số chính khách Mỹ thôi? Washington có giữ nổi lời hứa tham chiến với một đồng minh không? (c) Liệu tuyên bố tôn trọng luật lệ quốc tế mang hiệu quả gì chăng, nhất là khi cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không tuân theo luật Liên Hiệp Quốc về biển cả? (d) Ai đóng vai trò lãnh đạo rất là quan trọng; ông Tập cần thổi phồng “tự ái quốc gia” nhằm tránh dân nổi loạn vì kinh tế bấp bênh. Ông Trump quen “huênh hoang, phách lác” và “trả đũa” (khác hẳn ông Obama luôn “cẩn trọng” trong chính sách, hành động). Thêm nhánh lập pháp Mỹ, tuy Cộng Hòa nắm thế đa số, lại thiển cận và nhu nhược nên không đóng đúng vai trò “kiểm soát và cân bằng” nhánh hành pháp – như hiến pháp qui định rõ ràng. Từ đây mầm mống xung đột như khó tránh khỏi.

Dĩ nhiên, một số đồng minh ở Châu Á vô cùng hoang mang và chỉ mong Hoa Kỳ tôn trọng những cam kết. Ông Beeson kết luận: “Dù xung đột không xảy ra… giải pháp đúng có thể sẽ đến từ hoạt động ngoại giao và xây dựng những định chế [nhằm duy trì ổn định, hòa bình]. Nhìn từ Washington, trong bối cảnh này, “Châu Á sau ‘chuyển trục’ mỗi lúc một thêm vấn đề.”

Cựu đặc khu trưởng Hồng Kông nhận mức 20 tháng tù giam