Thursday, April 18, 2024

Bao lâu rồi, ta không nhìn nhau?

Bùi Bích Hà

Buổi chiều cuối năm miền Đông Bắc trời ẩm sẫm. Gió luồn qua cổ áo, lọt xuống ngực, chảy một giòng cảm giác lạnh khô bên trong lớp áo ấm. Chị cẩn thận lái xe qua những con đường lờ mờ tối, lao xao nghĩ tới nồi súp chị đã nấu sẵn cho bữa ăn thanh đạm thường lệ của hai vợ chồng đang chờ trên bếp. Chị đậu xe vào gara, bên cạnh xe của anh rồi bước lên nhà. Căn nhà yên tĩnh như mọi khi. Ngọn đèn trên chiếc bàn nhỏ chị đã để bật sáng tự động cạnh cái sofa, êm đềm tỏa một vòng tròn màu vàng trên vai ghế. Bỗng nhiên chị cảm giác hơi lạ. Có vẻ như căn nhà yên lặng hơn mọi khi và lạnh hơn mọi khi, làm chị rùng mình toàn thân tuy tai chị vẫn nghe mơ hồ tiếng máy sưởi ở dưới tầng hầm. Không thấy anh trong phòng ngủ, chị để nguyên quần áo đi làm, ra đầu cầu thang gọi vọng xuống bàn làm việc của anh dưới basement. Không nghe anh trả lời. Không cả một tiếng động nhỏ. Thanh âm tiếng gọi của chị dội vào khoảng không trống trải, vang lên một cách khó chịu. Không gọi thêm lần thứ hai, chị chạy như bay xuống hết mấy bực thang trải thảm và khuỵu xuống trên nền nhà, chỉ cách anh vài sải tay. Anh nằm đấy, bất động. Không biết từ bao giờ.

Anh về hưu ở tuổi 67. Chị về hưu theo anh (“để anh có bạn” như chị vẫn cười nói với bạn bè.) Chị mê phim Hàn quốc. Anh nể chị, để chị gối đầu lên chân anh, cùng xem. Anh cầm thêm cuốn sách hay tờ báo, thỉnh thoảng đọc riêng. Bài nào hay tin nào khiến anh theo dõi hơi lâu, chị lại rời mắt khỏi màn hình, mè nheo: “Có gì hay không anh, nói cho em nghe với!” Có hôm anh hào hứng bàn bạc, giải thích. Có hôm anh ừ hữ. Những buổi tối ngày thường họ vẫn trải qua bên nhau như thế. Cho tới tối hôm đó, đã hơi khuya, anh nói với chị: “Đi nghỉ đi em, anh hơi mệt.” Anh nhẹ nhàng nâng đầu chị đặt lên chiếc gối rồi đứng dậy. Phim đang tới hồi gay cấn, chị tiếc rẻ bảo anh: “Anh lên trước đi, chút xíu em lên liền.” Chị nói với theo khi anh đã tới chân cầu thang: “Nhớ uống thuốc nghe anh, em thay chai nước mới ở đầu giường cho anh rồi đó!” Không biết “chút xíu” của chị là bao lâu nhưng khi cuốn phim chấm dứt, chị bước vào phòng ngủ trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn trên chiếc bàn đêm phía chị nằm thì anh đã ngủ say. Chị rón rén kéo phần chăn của chị lên ngực và nhìn anh nhắm mắt ngủ yên trước khi tắt đèn. Những hôm vào giường cùng lúc, bao giờ anh cũng quấn lấy chị, kissed goodnight lên trán vợ rồi để chị gối đầu lên cánh tay anh mà ngủ. Phần chị, sợ nặng, làm đau tay anh nên cố nương nhẹ, lựa thế nằm sao cho cánh tay anh luồn qua gáy chị một lúc rồi chị lăn ra cho dễ ngủ.

Tối hôm đó, lặng lẽ một lúc để ôn lại cảnh quân vương tỏ tình thật lãng mạn và say đắm với cô nữ ngự y trong cuốn phim làm chị say mê, chị khẽ trở mình nằm sát vào anh. Chị hơi ngạc nhiên sao bữa nay anh ngủ say quá vậy? Mọi lần, dù chị cử động rón rén thế nào anh cũng tỉnh ngay và khi cảm nhận chị kề cận bên mình, anh quay mặt vào chị, ầm ừ xoa một bàn tay lên lưng chị rồi ngủ tiếp. Đêm tĩnh mịch một cách khác thường. Từ thật sâu trong cái tĩnh mịch ấy, cảm giác lo sợ bỗng nhiên cồn lên, cuồn cuộn như sóng dâng khi chị nhận ra không nghe tiếng anh thở. Chị ngồi bật dậy, hai tay ôm ngực, định thần một giây rồi mở đèn đầu giường. Chị lay nhẹ anh nhưng anh như một phiến đá ấm. Chị ú ớ. Chị hốt hoảng. Chị run lẩy bẩy bấm số gọi mấy đứa con. Gọi 911. Rồi chị ngây ra, bưng mặt khóc.

Cả tháng nay anh chị có vấn đề nan giải. Sắp nghỉ hưu, anh muốn dời về Cali để được hưởng những ngày nắng ấm và gió biển. Chị thương gia đình cậu con trai duy nhất của hai anh chị đang hành nghề bác sĩ ở đây. Chúng nó có con nhỏ, cần chị phụ một tay. Chị nấu nướng cho cả hai nhà, hàng ngày chạy đi chạy lại lo mọi việc cho cả hai nơi. Nên chị dùng dằng. Nên chị muốn anh chậm thực hiện kế hoạch thêm vài năm cho mấy đứa cháu nội vào hết trường tiểu học để cha mẹ chúng nó bớt vất vả. Anh giải thích, biện bạch, cắt nghĩa, vẫn không thuyết phục được chị. Cuối cùng, anh đề nghị để anh về Cali trước, ở tạm với gia đình cô em gái, tìm mua nhà và sắp đặt sẵn nơi ăn, chốn ở, chừng nào chị muốn về thì về sau. Chị bất bình, trách anh ích kỷ, chỉ nghĩ phần mình, không đoái hoài vợ con cháu chắt. Lấy cớ anh đọc sách khuya, để đèn làm chị khó ngủ, chị ôm gối qua ngủ ở guess room. Anh không nói gì nữa và buồn ra mặt. Những bữa cơm tẻ nhạt trôi qua trong không khí gượng gạo, khó thở.

Bản năng làm mẹ, quẩn quanh với bổn phận hàng ngày thấm đẫm tình thương yêu dành cho con cháu, chị vui, không có thời giờ nghĩ đến nhu cầu của người bạn đời hiện diện bên chị đã thành thói quen bất biến, gắn liền với cuộc sống của chị chặt chẽ đến nỗi chị không còn nhận ra chỗ nối để phải bận tâm hay lưu ý. Còn anh, nói như người Mỹ, anh “hang on,” với hy vọng như tia nắng chiều cứ mỏng manh dần rồi đứt. Một buổi sáng, anh ra xa lộ, không biết vì sao mà anh chui cái xe đang tăng tốc của mình vào phía sau chiếc xe vận tải nằm ụ bên lề phất phơ mấy cái cờ đuôi nheo màu đỏ báo động tai họa. Chị đón nhận tin dữ như ngày tận thế, ngơ ngác thấy mình lẻ loi đứng lại giữa hoang tàn đổ nát, không biết phải làm gì?

Nhiều cuộc chia ly không hẹn hò. Nhiều cái chết như cơn mơ không chờ đợi. Để lại nuối tiếc, bàng hoàng, ân hận. Tôi chợt nghĩ đến “Chúc thư của tình yêu.” Viết mỗi ngày. Thi hành mỗi ngày. Gia hạn mỗi ngày. Sao không để lại cho nhau tất cả những gì mình có và biết là sẽ không thể mang theo khi ra khỏi đời sống này? Giữa bộn bề những món nợ thế gian ngày ngày chạy vạy, đêm đêm nằm gác tay lên trán tìm phương cách hoàn trả, món nợ tình yêu dễ thanh thỏa nhất thì con người quỵt nợ hơi nhiều. Ai cũng muốn thấy số tồn căn là Zero trên báo cáo nợ ngân hàng nhưng có lẽ không mấy ai nhớ ra còn một bản báo cáo không bao giờ được viết xuống từ trái tim, cái ngân hàng có vốn liếng vô tận. Chẳng biết triết gia hay nhà thần học vĩ đại nào đã cấy vào đầu óc chúng ta quan điểm trở thành lời sấm truyền và được rao giảng rộng rãi trong dân gian: Đời là bể khổ. Cứ tạm tin như cụ Nguyễn Công Trứ từng ngâm ngợi: “Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe, trần có vui đã chẳng cười khì.” Nhưng kinh nghiệm sống của con người là mặt đối chọi tích cực, không phải vô sở cứ: Bệnh quỷ có thuốc tiên! Chỉ hiềm thuốc tiên vì quý nên hiếm, tìm nó không dễ mà cần có “huệ nhãn,” ngụ ý con mắt được thiêng liêng soi sáng.

Tôi lang thang trên mạng, gặp bài hát Hãy Yêu Nhau Đi của Trịnh Công Sơn, có mấy câu từng được nhiều triệu thính giả Internet lắng nghe, “Hãy yêu nhau đi bên đời nguy khốn, hãy yêu nhau đi cho gạch đá có tin vui…” Quả nhiên, tình yêu là thần dược đem theo nó phép lạ vào chỗ khốn cùng, ban cả linh hồn cho gạch đá vô tri. Khi giới trẻ Tây phương chán ghét chiến tranh, họ hô hào Make Love, not War, có lẽ thế giới nên hiểu ngoài cái mặt phẳng dưới lưng ra, con người còn có khả năng yêu nhau bằng ngôn ngữ, bằng tiếng cười, bằng mắt nhìn “Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời…” Nhất là bằng mắt nhìn vì con người thường “thấy” nhau chứ không “nhìn” nhau. Đừng chờ như Trịnh Công Sơn cố vớt vát niềm tin trong phút giây vĩnh biệt mà khi còn có thể, hãy “nhìn” nhau như đây là lần cuối. Sẽ không phải hối tiếc hay ăn năn muộn màng. Sẽ giầu có, hạnh phúc đến chói chang, chất ngất. Sẽ cảm nhận dưỡng khí căng đầy buồng phổi, sinh lực lan tới từng ngón tay chân. Sẽ muốn ân cần ban phát, chia sẻ, vì vơi đi sẽ đầy lại.

Anh mải mê xông pha trận mạc, chắc không còn nhớ có lần cô em gái nhỏ nói và hỏi khẽ anh: “Anh có ánh mắt nhìn rất đẹp, làm tan chảy cả sắt thép. Đã bao lâu rồi anh không “nhìn” nữa?” Hoa hồng vẫn nở ngoài sân, những chậu phong lan vẫn thoảng hương trong gió và ngày cứ ngắn lại dần…

Vừa rồi, nói chuyện với nhà thơ Tây Bắc về đề tài thỉnh thoảng “nhìn” nhau, cái nhìn “chậm, lâu, quan tâm, trao gởi, bày tỏ, xin lỗi,” chị cười ầm, bảo tôi: “Sao dạo này cải lương thế?” Tôi biện bạch: “Bạn bè bỗng dưng đi nhiều quá!” Và cố cãi nên bất giác viện cả ông bà ra để tự bênh vực, nhắc chị câu: “Phu phụ tương kính như tân.” Triết lý khôn ngoan và khiêm nhượng của người xưa không được hậu thế coi trọng có lẽ vì nay mọi người sống cho mình và vì mình nhiều quá. Thay vì nghiêm túc lắng nghe, thẩm thấu, đa số chúng ta đều coi thường và bác bỏ lời căn dặn ân cần này, cho là khách sáo, thậm chí, xin lỗi quý anh chị nghệ sĩ cổ nhạc, bỗ bã cho là cải lương. Ngẫm cho kỹ, cốt lõi của sự từ khước là chúng ta không coi trọng nhau và từ đó, ngỡ như không cần nhau tuy ai cũng kêu gào hạnh phúc.

Trong cuộc hành trình vòng quanh thế giới để phỏng vấn những đôi vợ chồng thành công trong hôn nhân nhằm thu thập tài liệu cho cuốn sách bà muốn viết với nhan đề The Happy Wives Club, tác giả Fawn Weaver ghi nhận nhiều lần tầm mức quan trọng của NGHI THỨC trong cuộc sống chung. Trở lại nhà, bà nói với chồng: “Giữa chúng ta không có một nghi thức nào cả trong khi nó chính là bí nhiệm của hôn nhân hạnh phúc.” Quý độc giả chịu khó vào internet, tìm đọc bài viết “Những Lứa Đôi Hạnh Phúc Làm Gì Trước Bữa Ăn Sáng” để thử làm một trắc nghiệm giản dị với mình. Nếu vị nào ngẩn ra một giây, tôi hy vọng quý vị sẽ cảm thấy thú vị sau đó. Nếu có ai cười, cho là tôi lẩm cẩm, tôi sẽ vui lòng đợi tới ngày “ai” này bằng tuổi nhạc sĩ Anh Bằng khi ông hạ bút viết “Anh còn nợ em nụ hôn vội vàng…”

Quả nhiên, hạnh phúc rất cần nghi thức để thể hiện, không phải do ở sự rườm rà, khách sáo mà chính bởi lòng trân quý hạnh phúc ấy đã cho ta nhiệt tình luôn cố gắng vượt qua mình và giữ gìn nó. Công phu lắm, tựa như mỗi ngày chúng ta cẩn trọng gói những món quà thật đẹp để trao cho mọi người khi gặp gỡ. Tuy nhiên, phần thưởng nhận lại thật không nhỏ. Có bao nhiêu cha mẹ và con cái, vợ và chồng, bạn bè của nhau có lúc tự hỏi “Bao lâu rồi chúng ta chỉ thấy nhau chứ không nhìn nhau?”

MỚI CẬP NHẬT