Wednesday, April 17, 2024

‘Nhà văn hóa khinh bỉ’ và những cái mặt mo

Tạp ghi Huy Phương

Các viên chức cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam lâu lâu lại ngứa mồm phát biểu một vài câu nói ngô nghê để làm trò cười cho thiên hạ, vốn đã gần như không bao giờ cười nổi trong cái đất nước nhiễu nhương, khốn nạn này. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó bí thư thành ủy kiêm chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân TPHCM, cho rằng việc bổ nhiệm “con ông, cháu cha” vào vị trí lãnh đạo, là “… hạnh phúc đối với dân tộc mình chứ sao lại nghi ngại.” Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng bào chữa cho vấn nạn tham nhũng của Việt Nam là: “Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ!” Và bây giờ đến ông Đinh Thế Huynh, hiện là ủy viên Bộ Chính Trị, thường trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng, nguyên trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, nguyên chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam, vừa dạy thiên hạ: “Phải xây dựng văn hóa khinh bỉ” khi nói đến chuyện chống tham nhũng.

Nói chung văn hóa là lối sống. Theo ông Huynh thì phải tạo cho con người một lối sống biết khinh bỉ việc nhận hối lộ và đưa hối lộ thì xã hội mới hết tham nhũng. Một xã hội biết khinh bỉ điều xấu là một xã hội tốt đẹp. Ai cũng biết trộm cắp, gian xảo, bóc lột, bè cánh, là xấu, đáng khinh bỉ, cần lên án, thì những điều đó tự nhiên biến hẳn hoặc dần dà mất đi.

Nhưng nếu trong một xã hội đã tha hóa, kỷ cương đảo lộn, thằng lươn lẹo lên lương, kẻ thật thà thường thua thiệt và giá trị đạo đức không còn, những thằng đáng khinh nhất lại là những thằng cầm quyền, leo cao nhất, được thiên hạ trọng vọng; những đứa vô đạo nhất là những tên giàu có phè phỡn, cỡi lên đầu, lên cổ nhân dân, thì liệu thứ “văn hóa khinh bỉ” còn có giá trị gì?

Nhân dân có “văn hóa khinh bỉ,” nhưng nhà cầm quyền không có “văn hóa xấu hổ” thì không thể nào tiếp nhận những tác dụng từ bên ngoài, nói chung khi da mặt đã không còn cảm xúc, không biết hổ thẹn, chai lỳ, cứng ngắc như một miếng mo cau dày cứng, thì có ai khinh bỉ, nhổ nước bọt vào mặt cũng không còn tác dụng gì!

Ông Đinh Thế Huynh không cần phải lên tiếng đòi thiên hạ phải tạo áp lực mạnh mẽ với tham nhũng, bằng cách phải có “văn hóa khinh bỉ.” Ai cũng biết rằng người có quyền lực mới có thể tham nhũng, quyền lực đó từ một anh tổng bí thư đến một anh công an hạng bét đang cầm còi “tu huýt” chặn xe cộ ngoài đường vòi tiền mãi lộ, đang nắm giữ. Hiện nay, trong một đất nước toàn trị như Việt Nam, ai cũng biết từ tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, bộ trưởng, tướng lãnh, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch ủy ban nhân tỉnh, đại biểu quốc hội…cho tới địa phương, đều là những nhân vật của đảng.

Như vậy “văn hóa khinh bỉ” hẳn không phải dành cho đảng, vì đảng đang cầm quyền mà kẻ cầm quyền mới có khả năng tham nhũng, không lẽ ông Huynh đòi đảng phải tự khinh bỉ mình. Vậy thì “văn hóa khinh bỉ” chỉ còn là một thái độ dành cho những người bị trị là… quần chúng. Đảng có quyền lực, có súng đạn, dùi cui, roi điện, có nhà tù… nhưng dân có được cái quyền sử dụng thứ văn hóa của ông Huynh đề nghị.

Là nhân vật rất cao cấp của đảng, ông Huynh hô hào phải xây dựng “văn hóa khinh bỉ” cho ai đây, đương nhiên trước hết là cho bộ máy cầm quyền của đảng, những đứa tham nhũng tày trời. Nếu ai đó biết tự khinh bỉ mình thì đã không còn đảng Cộng Sản thối nát thế kia.

Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Vinashin là điển hình cho tình trạng siêu tham nhũng ở Việt Nam, rồi tổng công ty hàng hải Việt Nam Vinalines, với ông Dương Chí Dũng. Tổng Thanh Tra Trần Văn Truyền là người đi đánh tham nhũng lại là tay đại tham nhũng nhất. Rồi số tài sản khổng lồ của hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc, cựu và đương kim thủ tướng? Các bí thư tỉnh ủy, các tướng tư lệnh, mỗi người một cõi, bán đất, xẻ rừng, tiền bạc không biết để đâu cho hết. Họ có “văn hóa xấu hổ” không? Liệu thứ “văn hóa khinh bỉ” có ích lợi gì, chẳng làm cho ai sợ, cá nhân và gia đình đã có vỏ bọc chống đạn của đảng, mặt đã có mo cau che chắn, thì chúng còn sợ chi ai.

Hiến pháp là luật còn không quan trọng bằng cương lĩnh đảng, như lời ông Nguyễn Phú Trọng và toàn bộ hệ thống cai trị được đảng che chở, “còn đảng còn mình,” thì liệu cái thứ “văn hóa khinh bỉ” trừu tượng không mặt mũi, chân tay, không có súng, không có tiền lơ mơ kia thì đi đến đâu? Cái lối “văn hóa khinh bỉ” này hàng ngày xuất hiện tràn lan trên Facebook, chửi bọn tai to, mặt lớn ra rả, nhưng 40 năm năm nay, chẳng có tác dụng gì với bọn tham nhũng, mà chắc ông Đinh Thế Huynh cũng không có thời giờ dầu chỉ để lướt qua.

Không cần đến “văn hóa khinh bỉ” mà giới cầm quyền, có quyền lực, tức là có cơ hội tham nhũng trước hết phải có “văn hóa xấu hổ,” tức là biết liêm sỉ. Với vị trí hiện nay, ông Huynh trước hết nên dạy cho cán bộ đảng biết liêm sỉ, và phải biết tự khinh bỉ mình trước, trước khi đòi hỏi một thứ “văn hóa khinh bỉ” cho mọi người.

*Phụ bản về thứ “văn hóa bất cố liêm sỉ.”

-Nhà văn Trần Tự Triển bên Trung Quốc có kể một câu chuyện về sự hổ thẹn như sau:

“Lâu Sư Đức làm tể tướng, cất nhắc cho em, một tên bất tài đi làm đô đốc vùng Đại Châu (Như trường hợp Bí Thư Tỉnh Ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh của Việt Nam). Trước khi ra đi nhậm chức, tên Lâu Tể Tướng mới hỏi em:

-“Ta là người bất tài làm đến tể tướng, lại cất nhắc mi đi làm đô đốc một châu. Nếu có ai đem lòng khinh ghét mà chửi bới tới dòng họ ta, thì mi nghĩ sao?”

Người em thưa:

-“Xin anh đừng quá lo lắng, nếu có ai nhổ vào mặt em, em cũng chỉ im lặng lau đi là xong. Và như thế, chắc không phiền gì tới anh đâu, xin anh an tâm.”

Lâu Sư Đức thất vọng, nói:

-“Ôi! Chính vì thế mà ta mới lo. Giá mi bị ai nhổ vào mặt, cứ vui cười, để vậy cho khô đi có hơn không. Vì lau khô đi càng làm người ta thêm tức giận.”

Người em khâm phục vì nghệ thuật hứng nước bọt, bất cố liêm sỉ của ông anh Lâu Sư Đức, bèn cúi đầu lĩnh hội lời dạy bảo, từ biệt ra đi.

-Bên Trung Quốc cũng có thêm một chuyện bất cố liêm sỉ khác như sau: Phùng Đạo, đời Ngũ Châu đã vác cái mặt mo đi quỳ gối tại bốn nước, làm quan 10 triều vua, về sau làm tới chức tể tướng. (Y như những thủ tướng CSVN sang chầu Bắc Kinh.) Y vênh váo tự phong cho mình danh hiệu “Trường Lạc Lão” (Lão Vui Lâu). Người đời có kẻ khinh bỉ, viết hai chữ “Phùng Đạo” vào cái mo cau, đeo vào mặt một con lừa và thả đi ngoài phố. Phùng biết người ta ám chỉ mình, nhưng tảng lờ đi. Có kẻ thân cận đem chuyện ấy trình tâu lên, y bình thản mà nói rằng:

-“Ở kinh đô này, thiếu gì có người trùng tên, chắc gì Phùng Đạo ấy là tên tôi. Cũng có thể, ai bắt được con lừa đi lạc rồi mang đi tìm chủ để trả lại cũng nên!”

(trích trong Ấm Lạnh Quê Người của Huy Phương-xb 2008, trang 100)

MỚI CẬP NHẬT