Thursday, March 28, 2024

Bản án dành cho ‘Mẹ Nấm’ chọc giận nhiều người

KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam phóng thích ngay “Mẹ Nấm” và các tù nhân lương tâm khác. Đó chỉ là một trong nhiều ý kiến của cộng đồng quốc tế về bản án vừa tuyên.

Blogger “Mẹ Nấm” có tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (38 tuổi, cư trú ở Nha Trang, Khánh Hòa). Bà là một trong những người kiên trì đeo đuổi việc vận động cho tự do, dân chủ tại Việt Nam, bảo vệ môi trường sống an lành cho người Việt một cách ôn hòa. Giống như những người cùng chí hướng, “Mẹ Nấm” liên tục bị sách nhiễu, “được” công an Việt Nam “mời làm việc” thường xuyên, thỉnh thoảng lại bị tạm giữ nhưng bà không bỏ cuộc.

Năm 2010, “Mẹ Nấm” từng được Tổ Chức Giám Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch – HRW) trao giải thưởng Hellman Hammett (dành cho những người cầm bút bảo vệ tự do ngôn luận).

Năm 2017, “Mẹ Nấm” nhận thêm giải thưởng “Phụ Nữ Can Đảm” của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (giải thưởng thường niên dành cho những phụ nữ tiêu biểu trên toàn thế giới đã dấn thân tranh đấu cho cộng đồng và cho nữ giới).

Tháng Mười, 2016, “Mẹ Nấm” bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Hành động này đã khiến chính quyền Việt Nam bị cộng đồng quốc tế chỉ trích kịch liệt. Thậm chí ngay sau đó, Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đã khuyến cáo chính quyền Việt Nam loại bỏ hàng loạt tội trong nhóm tội “xâm phạm an ninh quốc gia” khỏi Luật Hình Sự.

Cơ quan này cho rằng, các Điều 79 (hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 87 (phá hoại chính sách đoàn kết), Điều 88 (tuyên truyền chống nhà nước), Điều 245 (gây rối trật tự công cộng), Điều 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước) trong Luật Hình Sự hiện hành của Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn về nhân quyền của cộng đồng quốc tế.

Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đã dùng trường hợp “Mẹ Nấm” làm bằng chứng để bày tỏ sự lo ngại rằng, bất kỳ công dân nào của Việt Nam cũng có thể bị biến thành tội phạm hình sự chỉ vì họ dùng các quyền tự do căn bản để trình bày ý kiến cá nhân hay chất vấn chính phủ. Sự mơ hồ của các điều vừa kể trong luật hình sự giúp chính quyền dễ dàng dập tắt những ý kiến chỉ trích bằng cách tống giam và phạt tù.

Cơ quan này đã liệt kê tên của hàng loạt cá nhân là nạn nhân của sự bạo hành này và yêu cầu chính quyền Việt Nam phóng thích ngay lập tức những cá nhân đang bị giam giữ vì bị kết án dựa theo các điều vừa kể.

Chính quyền Việt Nam làm ngơ. Mới đây, họ đưa “Mẹ Nấm” ra xét xử và phạt bà 10 năm tù.

Tại một cuộc họp báo vào sáng 29 Tháng Sáu, bà Heather Nauert, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nói với báo giới rằng, Hoa Kỳ lo ngại khi Việt Nam liên tục bắt giữ và phạt tù những nhân vật đối lập, phản kháng một cách ôn hòa. Bà Nauert nhấn mạnh, triển vọng trong quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chỉ có thể đạt mức tối đa nếu Việt Nam có tiến bộ về nhân quyền.

Trước khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lên tiếng, Ủy Ban Bảo Vệ Báo Giới (Committee to Protect Journalists – CPJ) đã gọi cách đối xử của chính quyền Việt Nam đối với “Mẹ Nấm” là “tàn nhẫn,” “đáng tởm” và là một điều mà giới cầm quyền nên thấy xấu hổ.

Tổ chức Những Người Bảo Vệ Dân Quyền (Civil Rights Defenders – CRD) thì gọi bản án mà hệ thống tư pháp Việt Nam vừa tuyên đối với “Mẹ Nấm” là “mặt thật” của chính quyền thiếu tôn trọng nhân quyền. Tương tự, những tổ chức hoạt động cho dân chủ, nhân quyền như HRW, Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International – AI), Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters sans frontières – RSF) đồng loạt khẳng định, hành vi bắt giữ-kết án “Mẹ Nấm” là “quá đáng” và vì vậy cần trả tự do ngay lập tức cũng như các tù nhân lương tâm khác.

Trên Internet, nhiều người Việt sống tại Việt Nam đã công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ “Mẹ Nấm” và sự phẫn nộ đối với bản án mà hệ thống tư pháp Việt Nam mới tuyên đối với cô. Những nhân vật đang hoạt động cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam nhận định, phạt một người 10 năm tù chỉ vì đã bày tỏ ý kiến cá nhân về tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc, quan hệ Việt-Trung, môi trường sống sẽ không đạt mục đích: Gieo rắc sợ hãi để buộc mọi người im lặng.

Trả lời VOA, những nhân vật đối lập như Nguyễn Chí Tuyến, Lã Việt Dũng, Lê Mỹ Hạnh cùng tin rằng, bản án vừa tuyên đối với “Mẹ Nấm” là một kiểu chuẩn bị “hàng hóa” để mặc cả, đổi chác khi chính quyền cần thương lượng với chính phủ các quốc gia khác nhằm tìm kiếm những điều có lợi cho mình, giống như đã từng làm như vậy nhiều lần. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT