Friday, April 26, 2024

Dương Quảng Hàm và tác phẩm đầu tay năm 27 tuổi

Viên Linh

Giáo Sư Dương Quảng Hàm qua đời khi tác giả bài này mới 8 tuổi, năm giáo sư yểu mệnh cũng là năm chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, Tháng Mười Hai 1946, sau đó đất nước chia đôi, từ 1954 tài liệu về giáo sư không thấy bao nhiêu trên báo chí, ngoại trừ các tác phẩm ông để lại trở thành những sách giáo khoa sư phạm, như Việt Nam Văn Học Sử Yếu (bộ 2 cuốn), Quốc Văn Trích Diễm,… còn không mấy tạp chí viết về nhà phê bình văn học nổi tiếng đó. Sau này đọc thơ văn cổ, người ta biết thêm gia đình họ Dương ở Hưng Yên, với ba anh em đều có tên tuổi lớn, như anh ông là Dương Bá Trạc, nhà cách mệnh bôn ba việc nước cùng học giả Trần Trọng Kim lưu lạc và từ trần ở Tân Gia Ba, mà cụ Trần đã thuật rõ chuyện mang bó xương khô của bạn trở về cố quốc như thế nào trong cuốn “Một Cơn Gió Bụi.”

Gần đây khi sắp xếp lại tủ sách cũ, đọc lại mấy cuốn của Dương Quảng Hàm, những cuốn phải học hồi niên thiếu, người viết giật mình: cuốn Quốc Văn Trích Diễm, tác phẩm đầu tay của ông, cho thấy tâm thức một người quyết đoán, một thanh niên 25 hay 27 tuổi, đã thể hiện chí khí hiếm có – một chữ dùng dường như chưa ai dùng – nhất là nếu độc giả đã “biết” Dương Quảng Hàm qua sự mô tả của một người học trò của ông là Nguyễn Hiến Lê. Cứ theo ông Lê, học trò trường Bưởi niên khóa 1929-1930 thì ta hình dung ra một Dương Quảng Hàm đã già và chậm rãi:

“Mấy năm trước, những khi thấy cụ đi qua sân trường, tôi thường để ý: cụ đi bộ, lúc nào cũng rảo bước, cụ thấp bé mà bước những bước dài, nhón gót (người ta bảo là tướng yểu), như lúc nào cũng vội vàng – cụ có bao giờ biết thơ thẩn, mơ mộng không nhỉ? – mà ngồi xe đạp thì trái lại, cụ đạp rất chậm, tốc độ đều đều, chỉ độ mười cây số một giờ, tới cửa lớp, cụ thận trọng hãm lại, cho xe nghiêng qua một bên, khoan thai bước xuống, gác xe, gỡ cái kẹp ống quần ra, tháo chiếc cặp phồng những sách vở, rồi ôm cặp tiến vô lớp. Gặp bạn đồng sự cụ niềm nở bắt tay, nhưng ít khi đứng lại để trò chuyện; cụ tới lớp không khi nào trễ, nhưng cũng không khi nào quá sớm, chỉ dăm ba phút là cùng, như vậy thì đâu có thì giờ để trò chuyện. Tôi có cảm tưởng cụ là một chiếc đồng hồ mà thì giờ của cụ đã tính trước đâu vào đấy hết. Chúng tôi phục cụ ở điểm đó.

“Cụ sống rất giản dị. Từ nhà ở giữa phố Hàng Bông lên trường, đường dài vào khoảng ba cây số, mà quanh năm, Hè cũng như Ðông, mưa cũng như nắng, ngày nào cụ cũng chầm chậm đạp một chiếc xe cũ; suốt hai năm học cụ, tôi nhớ chỉ một hai lần cụ đi xe kéo vì mưa gió lớn quá hoặc vì trong mình khó ở. Có lần chúng ‘thổi’ mất chiếc xe của cụ và bọn chúng tôi được một dịp cười: con người cẩn thận như vậy mà cũng để mất xe ư? Và chiếc xe ‘tàng’ như vậy mà chúng cũng ‘thổi’ ư?

“Y phục của cụ hình như chỉ có vài bộ, một cổ lỗ, nhưng lúc nào cũng sạch và có nếp. Tóc thì chắc chắn một tháng cụ mới húi một lần và chỉ khi nào húi cụ mới cạo râu, vì vậy râu cụ đã thưa lại lởm chởm, trông y như limailles de fer (mặt sắt, mài giũa) và chúng tôi dùng danh từ Pháp đó để đặt biệt hiệu cho cụ.” (*) [*. Trích Ðể Tôi Ðọc Lại, Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn Học, 2001, tr.44].

Chắc chắn ông Lê mô tả không sai, nhưng Dương Quảng Hàm năm 1929-1930 ở tuổi 31-32 như thế thì già quá (ông sinh năm 1898). Càng già khi ông Lê dùng chữ cụ để tả một người 30 tuổi (mấy năm trước).

Giáo sư, nhà nghiên cứu văn học Dương Quảng Hàm (1898-1946) hiệu là Hải Lượng, người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, xuất thân trong một gia đình nhà Nho, học chữ Hán ở nhà, chữ quốc ngữ ở Hà Nội, tốt nghiệp thủ khoa Cao Ðẳng Sư Phạm Ðông Dương, sau giảng dạy tại trường Bưởi, tiền thân trường Trung Học Chu Văn An, từ 1920 tới 1946, là năm ông ngã xuống trong lửa đạn binh đao.

Quốc Văn Trích Diễm, cuốn sách đầu tay của nhà phê bình văn học Dương Quảng Hàm, xuất bản năm 27 tuổi. Ấn bản lần thứ ba, 1952. (Hình: Viên Linh cung cấp)
Quốc Văn Trích Diễm, cuốn sách đầu tay của nhà phê bình văn học Dương Quảng Hàm, xuất bản năm 27 tuổi. Ấn bản lần thứ ba, 1952. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Khi lớn lên, cho tới lúc trưởng thảnh, tôi không nghe được một chuyện gì về ông; sau này ra hải ngoại lại càng không thấy gì. Mãi những năm gần đây mới phong thanh rằng ông thiệt mạng trong những ngày đầu Hà Nội kháng chiến chống Pháp, 19 Tháng Mười Hai 1946. Có nguồn tin nói người ta trông thấy ông kẹt trong một đám cháy trong lúc súng nổ. Mùa chinh chiến lúc ấy được nhắc nhở bằng những cụm từ lãng mạn: “Hà Nội, Tháng Mười Hai, 1946” hay “Hà Nội, mùa Ðông 1946” là những chữ gợi nhớ mông lung cho nhiều người về giai đoạn mở đầu cuộc chiến Việt-Pháp, nhất là trong tầng lớp thanh niên sinh viên các thế hệ sau. Nếu có một trận đánh nào mà một phía là quân ngoại xâm, phía chống cự là những thanh niên đội mũ phớt, mặc đồ lớn, chân đi giầy da bóng như hình ảnh đời sau nhìn thấy trong sách của Tây phương in lại, thì đó là trận đánh Hà Nội mùa Ðông 46. [Sau này theo báo chí ở Việt Nam sau 1975 thì một người con gái của Giáo Sư Dương kể rằng “thân phụ bà bị Pháp bắt ra khỏi nhà vào ngày 19 Tháng Mười Hai 1946 và ông bị chúng dẫn đi xử tử hình.” (Tin Internet)].

Bài này không đi xa hơn về đời vị học giả, ý chính là nói về tác phẩm đầu tay, Quốc Văn Trích Diễm, xuất bản vào năm 1925, khi Dương Quảng Hàm 27 tuổi hay trẻ hơn. Ðây là những đoạn ghi nhận nhằm diễn ý trong khi xem lại các sách của Giáo Sư Dương Quảng Hàm.

1-Quốc Văn Trích Diễm, Dương Quảng Hàm, Hà Nội, 1925. Cuốn Quốc Văn Trích Diễm tôi có trong tay là ấn bản năm 1952 của nhà xuất bản Bốn Phương, do thi sĩ Ðông Hồ chủ trương, do giấy phép in của Nha Thông Tin Nam Phần cấp tháng IV-1952. Trang lý lịch sách ghi rõ sách được in lại từ bản thứ hai của nhà in Nghiêm Hàm ở Hà Nội năm 1925. Như thế Giáo Sư Dương Quảng Hàm đã viết xong cuốn Quốc Văn Trích Diễm trước 1925, khoảng ông 27 tuổi hay trẻ hơn, 26, 25 (ông sinh năm Bính tuất, nhằm Tháng Mười Hai 1897 hoặc Tháng Giêng 1898).

Ở tuổi 27, Dương Quảng Hàm đã có những quyết định rất tự chủ, rất cách mạng: ông đương nhiên trích văn của những vị đương thời vào cuốn sách giáo khoa, vì cuốn sách của ông soạn ra là để cho các giáo sư trường sư phạm dùng. Trong phần “biên tập đại ý” in ở đầu sách, Giáo Sư Dương viết: “Trong chương trình các trường sư phạm và cao đẳng tiểu học, có một khoa giảng quốc văn, mà đã gọi là giảng văn thì phải có bài có sách. Hiện nay quyển sách quốc văn độc bản dùng trong các trường ấy chưa có. Bởi vậy chúng tôi soạn ra quyển sách này để hiến cho các bực giáo sư và các học sinh dùng.”

Thật là tuyệt vời, một thanh niên tự tin, tự quyết, dám đứng ra làm một việc chưa ai làm, “soạn sách giáo khoa quốc văn cho các thày dùng dạy học sinh.” [Như đã viết, lúc ấy ông 25 hoặc 27 tuổi.]

2-Sách dầy gần 300 trang, trích dẫn những bài làm giáo khoa ngay khi tác giả những bài ấy còn trẻ, còn đang sáng tác: Nguyễn Bá Học (sinh 1857), Nguyễn Bá Trác (sinh 1881, sinh thời), Nguyễn Khắc Hiếu (1888 – sinh thời), Dương Bá Trạc (1884 – sinh thời), Phạm Duy Tốn, Paulus Của, Pétrus Ký, v.v… Còn trong bộ Việt Nam Văn Học Sử Yếu (1941) chính ông đã đưa vào sách giáo khoa thơ văn của các tác giả sinh thời khác: Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Ngọc, Ðông Hồ, Hoàng Ngọc Phách, Khái Hưng, Xuân Diệu,…

Thật không ngạc nhiên cho tới nay mọi người đều thấy: Dương Quảng Hàm chính là người đã viết bộ Văn Học Sử Việt Nam hiện đại đầu tiên, xuất bản từ năm 1941! Chuyện trên xảy ra vào năm 1925, xin nhắc lại. Ở miền Nam trước 1975, nghĩa là nửa thế kỷ sau, cũng không hề thấy ai dám làm như thế.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 22 tháng 2 năm 2017

Những cuốn tiếp theo của ông:

1-Văn Học Việt Nam, Dương Quảng Hàm, Hà Nội, 1939.

2-Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm, Hà Nội, 1941.

3-Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển, Dương Quảng Hàm, Hà Nội, 1942.

4-Việt Văn Giáo Khoa Thư, Dương Quảng Hàm, Hà Nội, 1942.

Bốn cuốn sách tiếp theo, trong vòng 15 tới 20 năm sau, Dương Quảng Hàm chỉ làm có một việc: soạn một Toàn tập hay Tổng tập về Văn Học Sử Việt Nam, chia thành nhiều thiên, nhiều quyển, nhiều chương mục, và ở cuối sách là “Biểu Liệt Kê Các Tác Giả và Tác Phẩm theo thứ tự thời gian,” từ Khánh Hỷ 1067 (thế kỷ XI) cho tới Xuân Diệu 1940, thế kỷ XX.

MỚI CẬP NHẬT