Friday, April 26, 2024

Đường vào Điện Elysee (2)

Từ Nguyên

Tới ngày 21 Tháng Ba mới biết được ai tranh cử tổng thống năm nay


Năm năm, người Pháp bầu tổng thống. Họ đi bầu hai lần (nếu như lần đầu không có ai có số phiếu quá bán) trong hai ngày Chủ Nhật cách nhau hai tuần lễ. Năm nay, hai ngày bầu cử là 23 Tháng Tư và 7 Tháng Năm. Lãnh thổ hải ngoại, ở múi giờ sớm hơn nên bầu sớm hơn.

Bầu cử tự do, ai cũng có quyền đi bầu, miễn là có ghi tên vào danh sách cử tri cuối năm trước và không bị mất quyền công dân. Bỏ phiếu, có phòng phiếu kín, nhiều nơi màn che…tới đầu gối.

Số cử tri trên toàn quốc vào khoảng 46 triệu, đa số là các bà. Thêm vào đó là khoảng 1 triệu cử tri ở hải ngoại. 80% cử tri đi bầu. Pháp không có phó tổng thống.

Tranh cử tổng thống

Công dân trên 18 tuổi không bị mất quyền có thể ra ứng cử tổng thống, miễn là muốn ra và được 500 đại diện dân cử bảo trợ. Chỉ thêm việc khai báo sản nghiệp và…có trương mục ngân hàng. Quá dễ, chuyện khó là có đủ chữ ký bảo trợ.

Ai có thể giới thiệu?

Thị trưởng, dân biểu, thượng nghị sĩ Quốc Hội Pháp, dân biểu trong Nghị Viện Âu Châu, nghị viên các hội đồng miền (départementaux) và vùng (régionaux). Tổng cộng có tới 42,000 người có thể ký bảo trợ.

Trong số 500 chữ ký, phải có ít nhất từ 30 nghị viên hội đồng miền, vùng khác nhau, và không nhiều hơn 1/10 chữ ký từ trong cùng một miền, vùng, chứng tỏ rằng không phải được giới thiệu từ người của một địa phương.

Chữ ký bảo đảm gởi tới Viện Bảo Hiến từ ngày 23 Tháng Hai tới ngày 17 Tháng Ba là hạn chót. Chữ ký được Viện Bảo Hiến công bố dần dần trên mạng lưới của viện.

Ngày 21 Tháng Ba, chủ tịch Viện Bảo Hiến công bố danh sách ứng cử viên. Từ ngày này mới biết ai ra ứng cử năm nay. Tiếp theo là các cuộc vận động kiếm phiếu. Bình thường là vậy.

Chuyện bất thường

Ứng cử viên có thể… từ trần, trước giờ chưa có, hay bị trở ngại khi chưa tới ngày bầu. Trường hợp như vậy nếu xảy ra trong tuần lễ của ngày cuối hạn nộp đơn, Viện Bảo Hiến có thể dời cuộc bầu cử.

Trường hợp xảy ra như trên trước vòng đầu, cuộc bầu cử sẽ được dời lại. Trường hợp qua vòng hai có một trong hai ứng cử viên từ trần hay bị trở ngại, cuộc bầu cử sẽ bị hủy bỏ, bắt đầu lại từ đầu.

Viện Bảo Hiến có trách nhiệm điều hành cuộc bầu cử, cứu xét các khiếu nại và công bố kết quả. Chủ tịch Viện Bảo Hiến hiện nay là Laurent Fabius, từng làm thủ tướng thời Francois Mitterrand, từ năm 1984 đến năm 1986, mới đây là ngoại trưởng.

Tình hình năm nay

Tổng Thống Francois Hollande mãn nhiệm không ra tranh cử. Thủ Tướng Manuel Valls, 55 tuổi, ra thay. Trong cuộc bầu cử sơ bộ của phe tả, ông Manuel Valls lại thua phiếu của ông Benoit Hamon, 49 tuổi, một bộ trưởng trong chính phủ.

Năm nay, lần đầu phe hữu tổ chức bầu cử sơ bộ. Ông Francois Fillon, 62 tuổi, cựu thủ tướng, thắng lớn. Ngày vui không được bao lâu. Tiếp theo các bài báo tố cáo (cho vợ con làm phụ tá có trả lương mà không có chứng cớ làm thực), ông Fillon bị biện lý cuộc đặc trách về tài chánh (Parquet national financier) điều tra. Ông bị buộc tội “biển thủ công quỹ, lạm dụng của công” hay tòng phạm về những tội đó.

Ông cực lực chống lại các quyết định này, cho rằng đây là một “dự mưu của chính quyền nhằm triệt hạ phe hữu.”

Tuần trước, ông Fillon bị trát đòi hầu tòa ngày 15 Tháng Ba. Phải chờ sau ngày đó mới biết chuyện ngã ngũ ra sao nhưng một số thân tín đã vội vàng bỏ rơi ông. Ông tập hợp những người ủng hộ và tuyên bố nhất quyết tiến tới.

Người khen, khen ông “cương quyết,” người chê, chê ông “ngoan cố.”

Marine Le Pen

Người cầm đầu Front National (FN) cũng nhận được trát hầu tòa ngày 10 Tháng Ba, trong một vụ tương tự. FN bị tố cáo dùng tiền của Liên Hiệp Âu Châu để trả cho nhân viên của đảng dưới hình thức các khế ước nhân viên phụ tá Quốc Hội Âu Châu.

Bà Marine Le Pen trả lời rằng bà ta không ra tòa trong thời gian tranh cử. Không thấy phản ứng của tòa án.

Chuyện Emmanuel Macron

Ứng cử viên trẻ nhất, 40 tuổi, Emmanuel Macron đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Tháng Tư, 2016, Emmanuel Macron sáng lập tập hợp chính trị En Marche! (gọi tắt là EM) lúc đang còn làm bộ trưởng Kinh Tế của ông Francois Hollande.

Không tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ của tả phái, ông tuyên bố tranh cử từ Tháng Mười Một, 2016. Tới nay, mới công bố kế hoạch canh cải nước Pháp.

Báo chí khen ông này có tài tổng hợp, chịu góp nhặt đề nghị của phe tả cũng như phe hữu và cả phe đứng giữa. “Một thứ nước uống trái cây có đủ thứ trái cây, nước sinh tố có nhiều sinh tố, một hớp chưa biết là có chi.” (Le Figaro) “Ai cũng sẽ hài lòng, có điều không biết có thực hiện nổi không.” (Le Parisien)

Cấm điện thoại trong trường

Một chuyện nhỏ nhưng thực tế nên được nói nhiều: Emmanuel Macron đề nghị (sẽ có luật) cấm học sinh đem điện thoại vào trường. Chuyện có liên quan hầu hết các gia đình có con em đi học. Một lưu tâm hay một thách đố của Macron?

Tới nay, có luật cấm học sinh dùng điện thoại trong lớp học nhưng trong sân trường và ngoài hành lang: còn tùy quyền của trường.

Ở Pháp, 93% học sinh 12-17 tuổi có điện thoại cầm tay. Điện thoại ngày nay không chỉ là điện thoại, cả cuộc sống trong đó. Bắt các em bỏ máy ở nhà, chịu sao nổi!

Chuyện nhỏ nhưng cũng là chuyện. Cuộc tranh cử chính thức bắt đầu, phải có nhiều pha gay cấn?

Lễ chào cờ đầu năm của Hướng Đạo Việt Nam tại Hoa Kỳ

MỚI CẬP NHẬT