Tuesday, April 23, 2024

Nhớ Lê Đình Điểu, đọc thơ những năm 1950

Viên Linh/Người Việt

Y Dịch là bút hiệu ký dưới những bài thơ xuất hiện vào nửa cuối thập niên 1950 ở Sài Gòn, tôi vừa đọc lại khi nhớ tới người bạn thuở thiếu thời có bút hiệu ấy, anh Lê Đình Điểu, mà ngày 24 Tháng Năm, cách đây đúng 18 năm, 1999, đã ra người thiên cổ.

Anh không làm báo tư nhân trước 1975 ở Việt Nam, song căn bản là một nhà truyền thông. Sau khi đậu cử nhân Anh Văn tại Sài Gòn, anh qua Mã Lai học ngành báo chí và năm 1967 tốt nghiệp Học Viện Báo Chí ở Kuala Lumpur.

Trước năm 1975, anh từng là giám đốc thông tin quốc nội thời chính phủ Nguyễn Cao Kỳ. Khi ra hải ngoại, Lê Đình Điểu một thời là chủ bút nhật báo Người Việt và chủ nhiệm bán nguyệt san Thế Kỷ 21 trong nhiều năm.

Chẳng may chứng bệnh hiểm nghèo đã khiến anh ra đi từ thế kỷ trước, ở tuổi 60. Anh sinh ngày 12 Tháng Mười Một, 1939, ở làng hoa Ngọc Hà ngoại ô Hà Nội, chính quán Thanh Oai, Hà Đông.

Còn nhớ trong thập niên 1950, một lần tôi ghé căn nhà anh cư ngụ với cha mẹ ở Khánh Hội, Sài Gòn, nhà chỉ có ba người vì anh là con một. Thân phụ anh là thông dịch viên trong quân đội từ thời Pháp thuộc.

Căn nhà Khánh Hội lúc ấy ở khá sâu trong một khu đất trũng, từ ngoài đường vào hay từ khu nhà gỗ đi ra người ta phải bước đi trên những thanh ván gỗ. Lần ấy chúng tôi chưa ai tới tuổi 17, tôi tin thế, chỉ từ 17 trở xuống và tôi hơn anh một tuổi.

Khi viết những dòng này tôi nhớ tới lần anh từ Paris qua, khoảng trước 1984, đi thăm tôi tại quận Arlington, Virginia, giáp ranh thủ đô Hoa Thịnh Đốn (do cha anh phục vụ trong quân đội Pháp, sau 1975 cả nhà đã xuất ngoại chính thức qua Pháp). Tôi còn nhớ mang máng anh nói trên đường qua California, anh đã ghé vùng thủ đô bằng hữu.

Lúc ấy khoảng buổi trưa, đang làm trong một nhà in trên đường Lee Highway, tôi sửng sốt thấy Y Dịch hiện ra ngoài cửa.

Một thoáng mấy tờ báo văn nghệ thiếu thời hiện ra, Y Dịch có thơ đăng nhiều lần trên tờ Văn Nghệ Học Sinh của ông Lê Bá Thảng. Tôi đinh ninh anh còn ở trong trại tù Cộng Sản. Và tôi nhớ tiếng cười của Điểu. Có lẽ nhiều người bạn anh nhớ tiếng cười ấy. Cười ha hả, ròn tan. Cười như thế từ lúc thiếu niên.

Gặp lại nhau tôi mới biết ông giám đốc thông tin quốc nội đã đi tù tập trung sáu năm, từ 1975 tới 1981.  Dịp ấy hẳn anh cũng đi thăm ông giám đốc thông tin quốc ngoại cùng thời, là Nguyễn Ngọc Bích lúc ấy ở Springfield, không xa vùng tôi.

Chúng tôi không thể nói chuyện lâu hơn 15 phút, song cuộc thăm viếng ngắn ngủi ấy của Lê Đình Điểu vẫn vang vọng lâu dài trong trí nhớ bằng hữu thiếu thời khi gặp lại nhau mấy chục năm sau trên xứ người.

Chị Lê Đình Điểu đương nhiên biết sự quen biết giữa chồng chị và tôi từ thuở trung học Đệ Nhất cấp,  nên nhiều năm sau khi anh qua đời, chị gửi cho tôi một sưu tập quý báu: những bài thơ thời thập niên 1950 mà anh sưu tầm, cắt ra từ các tuần báo, các tạp chí văn nghệ khi các “chàng thi sĩ” còn niên thiếu, trong đó có cả bài thơ đăng báo của tôi làm năm 1957, và vô số thơ của Điểu.

Từ một yêu thích cá nhân thời niên thiếu – cắt những bài thơ mình thích dán vào một tập giấy trắng – Lê Đình Điểu vô tình đã để lại một sưu tập quý: những bài thơ thời thập niên 1950 phần lớn là những bài thơ được đăng báo trong thời gian từ Tháng Bảy, 1954, tới năm 1957.

Con số không nhiều, nhưng rất đáng quý. Tôi tin rằng các tác giả có thơ được cắt dán, phần lớn nếu không phải là tất cả, trong có tôi, không mấy ai còn giữ được những bài thơ thời niên thiếu ấy.

Sau 1954, nhất là trong khoảng năm năm từ 1954 tới 1958, báo chí từ vĩ tuyến 17 trở đi báo nào cũng có mục thơ dù không có trang văn nghệ. Sau này nhìn lại ta thấy tác giả những bài thơ ấy có lớp tuổi còn niên thiếu, chênh lệch chỉ vài tuổi, cỡ từ 15 tới 18 hay 19 tuổi.

Trong sưu tập của Lê Đình Điểu, ba bài đầu tiên là của một nhà thơ danh tiếng, anh chọn có lẽ là nhằm vào nhan đề bài thơ: “Sông Núi Giao Thần,” “Những Hướng Sao Rơi,” “Hướng Dương Lòng Nguyện.” Những bài thơ của các tác giả niên thiếu đa số nói đến bến bờ, kẻ ở người đi, chia ly tiễn biệt, hướng về Hà Nội, hay đất Bắc…

Hãy lưu ý những nhan đề từ trang đầu trở đi: “Ngoại Ô” (Song Nhất Nữ), “Mùa Trăng Đương Lạnh” (Tường Phong), “Mở Cửa Trùng Dương” (Viên Linh), “Chung Mùa Dân Tộc” (Cao Thâm), “Tâm Sự” (Ngô Thế Hoan), “Chưa Biết Bao Giờ Về” (Chế Tần Lĩnh), “Tin Về Hà Nội” (Chu Anh Thiện), “Thương Về Đất Bắc” (Tô Văn), “Liberté” (Paul Eluard) – “Tự Do” (Thanh Thuyền lược dịch), “Nhớ Xuân Bắc Việt” (Việt An), “Thương” (Trần Minh Phú), “Muôn Trai Tơ Đi Hái Vạn Môi Cười” (Tô Thùy Yên), “Tà Áo Màu” (Hoàng Hương Trang), “Nhớ Thủ Đô” (Nguyễn Hữu), “Nẻo Việt” (Mạc Ly Châu), “Cách Trở” (Diên Nghị), “Ở Lại” (Y Dịch), “Hà Nội Ơi!” (Thế Viên), “Đi” (Vũ An)… Có dịp tôi sẽ trở lại với sưu tập cắt dán này.



Ở Lại (Y Dịch)

Mai không đi na ư em
Mộng treo đ
u gió, môi mm nhớ nhung
Áo phơi nửa gi
c đông phong
Nh
t mùi cúc, đm su đong còn đy.
Mười n
ăm đèn sách rồi đây
Đầu hôm nhm li trong tay có gì?
M đừng níu bước con đi
(Trót cho con mộng từ khi ra đời!)

M thì có một con thôi
Hai mươi năm lẻ không rời nửa tay.
Gió Đông thổi úa lau gy
Để con đi gió vào đày nhà ta!
Lạy trời mưa gió chóng qua
Mùa Xuân khoác áo hoàng hoa bên thềm.

Mai không đi nữa đâu em
Mộng treo đ
u gió, môi mm nhớ nhung
Gi
c đêm trừ tch vô cùng
V
ng bên tai tiếng núi sông, lên đường.
Ngực g
y dậy gic quê hương
Nửa thèm đi nửa lại thương mẹ già.

(195…)

Nếu Em Vào Đêm Nay (Y Dịch)

Giữa lúc tương tư xây tròn khói thuốc
Thoáng hình em bay cánh áo màu lam
“Dúm cỏ tương tư” xin khói thuốc mơ màng
Cho đậm sắc áo em đường nét ngọc.

Khói sẽ cay nhớ chiều em ngồi khóc
Nước mắt buồn anh nuốt với hôn mê
(Như trong chiều nao nhấp ngụm cà phê)
Phải vội vã cho tay đừng run rẩy.

Chợt rên la như con mồi mắc bẫy
Anh vẫy vùng trong lưới của tình yêu
Muốn vung tay đập vỡ dáng yêu kiều
Nhưng mắt bỗng mờ đi chìm đau đớn…


 

MỚI CẬP NHẬT