Thursday, March 28, 2024

Bệnh viện ‘hiện đại nhất miền Tây’ thu không đủ chi

AN GIANG (NV) – Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang mới với chi phí xây dựng 1,306 tỉ đồng, được cho là “hiện đại nhất miền Tây” và cũng vì quá lớn và hiện đại nên nguồn thu không đủ bù chi phí vận hành.

Theo mô tả của báo Tuổi Trẻ, bệnh viện tọa lạc ở phường Ðông Xuyên, thành phố Long Xuyên, có nhiều khối nhà, trong đó tòa nhà chính cao 10 tầng nằm trên khu đất rộng 4.6 ha, với tổng diện tích sàn xây dựng gần 13,000 mét vuông, gồm 600 giường bệnh và được đầu tư trang thiết bị hiện đại.

Ngoài hệ thống thang cuốn tự động, thang máy, mỗi khối nhà đặt một hệ thống làm lạnh trung tâm đưa hơi lạnh đến tận từng khoa, phòng. Trong các khoa nội trú, phòng bệnh lớn trung bình có 4-6 giường, nhiều phòng chỉ có hai giường…

Theo một số bác sĩ, bệnh viện được đưa vào hoạt động từ tháng 4 năm nay “do được xây dựng và trang bị cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại nên cũng rất… hại điện.”

“Nếu vận hành đầy đủ thì mỗi ngày chỉ riêng tiền điện phải trả lên tới hơn 100 triệu đồng, mỗi tháng tốn cỡ 3 tỉ đồng,” ông Nguyễn Triết Hiền, phó giám đốc bệnh viện, nói.

Dù bệnh viện đầu tư cơ sở vật chất tốn kém, nhưng lượng bệnh nhân đến khám, điều trị chỉ y bằng lúc bệnh viện cũ chưa xây, trung bình khoảng 1,500 lượt người khám ngoại trú và 800-900 người điều trị nội trú mỗi ngày, nên phát sinh nhiều chi phí.

Chưa tính các khoản thu, chi cho lương của đội ngũ bác sĩ, cán bộ, nhân viên, dù bệnh viện đã tiết kiệm nhưng tổng chi thường xuyên cũng lên đến hơn 10 tỉ đồng/tháng, trong khi tổng thu chỉ khoảng 9-10 tỉ đồng/tháng.

Cụ thể, tiền thuê đội làm vệ sinh chuyên nghiệp tốn 6 tỉ đồng/năm, thuê dịch vụ bảo vệ gần 2 tỉ đồng/năm. Do hao tốn điện năng quá lớn nên bệnh viện phải tiết kiệm điện tối đa.

“Chẳng hạn tắt bớt đèn, chỉ cho một thang máy hoạt động trong giờ hành chính, mấy tầng lầu trên cao và một số khu vực ngắt bớt hệ thống điều hòa… Tuy vậy, chi phí điện vẫn gấp 6 lần ở cơ sở cũ với hơn 1.5 tỉ đồng/tháng,” bà Nguyễn Thị Hạnh, giám đốc bệnh viện, cho biết.

Theo bà Hạnh, giá dịch vụ quá thấp cũng góp phần dẫn tới thu không đủ bù chi. “Dù ngân sách đã hỗ trợ nhưng vẫn chịu cảnh thiếu trước hụt sau, cực kỳ khó khăn,” bà Hạnh chia sẻ.

Xem thêm video: Việt Nam: Thầy cô giáo đến trường học bằng gầu máy xúc

Trong khi đó, ông Từ Quốc Tuấn, giám đốc Sở Y Tế An Giang, thừa nhận, bệnh viện này tuy quy mô lớn, hiện đại nhưng vẫn là bệnh viện tỉnh, được phân loại là cấp 2 thì bắt buộc áp dụng mức thu phí khám chữa bệnh theo bệnh viện cấp 2.

Và với quy mô đó, thì dù chi phí tiền điện, nước cao nhưng không thể tính thêm khoản này vào giá dịch vụ khám, điều trị được. Mặt khác, hiện An Giang áp dụng mức thu chỉ 80% phí dịch vụ khám chữa bệnh mà bội chi bảo hiểm y tế trong 6 tháng đầu năm nay đã trên 100 tỉ đồng.

“Nếu tăng mức thu thì bội chi sẽ tăng lên, điều này rất khó. Do đó khả năng thu chưa đủ bù chi sẽ kéo dài, bệnh viện khó kham nổi,” ông Tuấn nói. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT