Friday, April 26, 2024

Bún Suông Vịt Ao Thiếc, Gò Công

Bài và hình: Nguyễn Đạt/Người Việt

Trong dịp về thăm Gò Công, chúng tôi được thưởng thức một món ăn bình dân đặc sắc là bún suông vịt.

Bún suông vốn là món ăn đặc sản của miền Tây, chúng tôi từng được thưởng thức mỗi khi có dịp ghé các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ… Ở Sài Gòn, thỉnh thoảng chúng tôi cũng ghé sạp số 1020 Bún Suông Cô Mai, nơi duy nhất tại Sài Gòn có món bún suông đặc sản này.

Quán bún suông vịt mang tên Bún Suông Vịt Ao Thiếc cũng là nơi duy nhất tại thị xã Gò Công, phục vụ món bún suông vịt từ nhiều năm nay. Quán bún suông vịt Ao Thiếc là một căn nhà nhỏ bé khiêm nhượng so với tiếng tăm của một quán ăn đặc sắc, bên cạnh công viên Ao Thiếc. Mặt tiền công viên Ao Thiếc, đường Nguyễn Trọng Dân, phường 3, là một trong những đường phố lớn của thị xã Gò Công. Từ đường Nguyễn Trọng Dân nhìn vào công viên Ao Thiếc, quán bún suông vịt Ao Thiếc ở phía bên phải của công viên.

Rẽ vào chừng hai chục mét trên con đường nhỏ phía bên phải của công viên Ao Thiếc, chúng tôi thấy nhiều xe đạp, gắn máy, cả xe hơi nữa, đậu đầy trước quán Bún Suông Vịt Ao Thiếc. Vậy là đã có nhiều người chờ đợi giờ quán mở cửa để thưởng thức món bún suông vịt.

Tô bún suông vịt Ao Thiếc.
Tô bún suông vịt Ao Thiếc.

Quán mở cửa tầm giờ trưa mỗi ngày. Bên trong có chừng 5-7 bộ bàn ghế xoàng xĩnh, phía trước, trong khoảng sân nhỏ hẹp, sắp đặt thêm 2-3 bộ bàn ghế nữa. Khách ùa vào ngồi chật các bàn khi quán bắt đầu phục vụ.

Chúng tôi nhận thấy, quán bún suông vịt Ao Thiếc là hàng quán độc nhất vô nhị trong các nơi bán bún suông chúng tôi được biết, khi ở đây chế biến món bún suông thêm vào thịt vịt. Sạp bún suông Cô Mai trong chợ Bến Thành được nhìn nhận là đặc biệt hơn các quán bún suông tại miền Tây Nam Bộ, ở chỗ con tôm trong tô bún suông ở đây to bự, lại có chén tương đặc biệt để làm nước chấm con tôm. Trong tô bún suông của quán bún suông vịt Ao Thiếc, thay con tôm là những miếng thịt vịt hầm kỹ, chặt to bản, thứ vịt được gọi là “vịt siêu nạc.”

Đặc biệt nếu khách yêu cầu đùi vịt, tô bún suông sẽ rất hấp dẫn với cái đùi vịt khá lớn, khối thịt nạc của đùi vịt kềnh lên qua chỗ da vịt được hầm kỹ nứt ra.

Nồi nước lèo được nấu từ xương heo với nước dừa, thêm thịt vịt nữa, tạo nên vị ngon thật đậm đà cho nước lèo của tô bún. Ở Gò Công không hiếm dừa xiêm, hoặc từ cây dừa xiêm trồng tại địa phương, hoặc mua ở các vùng lân cận, thồ về bằng xe gắn máy dễ dàng, nên nồi nước lèo của bún suông Ao Thiếc luôn được nấu với nước dừa xiêm. Nước lèo của bún suông vịt Ao Thiếc được xem là ưu điểm mặc nhiên của quán. Nước lèo ở các hàng bún suông khác ít khi được nấu với nước dừa xiêm, vì giá thành của tô bún sẽ cao, nên chỉ được nấu bằng nước dừa khô, không thắm đượm bằng nước dừa xiêm.

Phía trong quán Ao Thiếc.
Phía trong quán Ao Thiếc.

Trước mặt chúng tôi, tô bún suông vịt trông đẹp mắt, chỉ nhìn cũng đã có cảm giác ngon. Những con suông vàng nhạt màu nghệ, được làm bằng thịt con tôm quết nhuyễn với chút ít cá thác lác để tạo chất kết dính và độ dai. Lần chúng tôi thưởng thức bún suông tại sạp bún suông Cô Mai trong chợ Bến Thành, trong tô bún có 2 con suông và 1 con tôm. Con suông tại sạp Cô Mai màu đỏ, do được quét gạch tôm rồi để khô. Con suông của quán bún suông vịt màu vàng nhạt, được hòa trộn với một chút bột nghệ. Con suông ở đây nhỏ, nên mỗi tô bún có tới 7-8 con suông.

Chúng tôi từng tìm hiểu con suông như thế nào ở miền Tây Nam Bộ, đã được chủ nhân một quán bún suông ở thành phố Vĩnh Long giải thích rõ ràng: “Tạo hình chả tôm dùng cho tô bún giống hình con đuông, thứ côn trùng tinh sạch và thơm ngon bởi chỉ ăn đọt cây dừa, có rất nhiều ở miền Tây Nam Bộ. Nên từ đó đã kêu chệch tên con đuông thành con suông, để đặt tên cho thứ chả tôm dùng với bún này. Theo tui biết, bún suông đầu tiên là món ăn đặc sản của Vĩnh Long, do bà con địa phương chế biến ra, căn bản cũng chỉ là nước lèo cho đậm đà và bún, thêm thịt thà chi đó, và đủ thứ rau sống rau thơm nữa. Bà con xứ Vĩnh Long đã chế biến, thêm tô bún với thứ chả tôm này, lại tạo hình dáng tương tự con đuông, kêu là bún suông là dzậy.”

Chúng tôi được biết, sạp bún suông Cô Mai hiện diện trong chợ Bến Thành đã gần 70 năm, lúc bà Mai chủ sạp mới 17 tuổi. Chị Vân, cháu ngoại bà Mai, phụ trách sạp bún suông Cô Mai hiện nay cho biết, sạp bún suông Cô Mai hình thành từ công thức chế biến món bún suông của người Vĩnh Long. Như vậy món bún suông đã ra đời ở miền tây Nam bộ từ lâu năm, và sự “cải biên” trong chế biến món bún suông của quán Bún Suông Vịt Ao Thiếc – Gò Công, đã làm phong phú cho món ăn dân dã miền tây Nam bộ này thêm đặc sắc.

MỚI CẬP NHẬT