Thursday, April 25, 2024

Ðàn thau, tích tịch tình tang…

Nguyễn Sài Gòn/Người Việt

KIÊN GIANG, Việt Nam (NV) – Âm nhạc, ca hát mà không có đàn giống như canh thiếu muối, như cơm thiếu cá, như rượu thiếu mồi… Cuộc ăn chơi sẽ kém vui nếu không có khoản đàn ca hát xướng đồng thanh gào rú lên cho đỡ buồn.

Không biết từ bao giờ những quán ăn nhậu ở Sài Gòn kèm theo món ca hát “nghiệp dư” này. Chỉ cần một cây guitar là cả nhóm có thể biến thành một buổi ca hát. Với những kẻ không biết làm gì trong câu chuyện thì ca hát như là cứu cánh vì âm nhạc gần như là một kiểu “thay lời muốn nói.”

Ở đó họ có thể gởi tình cảm của mình qua tiếng hát mà không cần phải suy nghĩ nhiều, bởi lời ca đã nói giùm cho họ những gì cần nói, còn hay hơn cả những gì mà họ đã ngọng nghịu cả năm trời không nói được một lời tỏ tình.

Vui chơi nhiều nơi với guitar, với piano, thậm chí vời kèn đồng sáo thổi, nhưng với một cây “đàn thau” thì quả thật lần đầu tiên tôi chứng kiến. Nó kỳ dị đến mức chỉ có trong trí tưởng tượng của Kim Dung kỳ truyện.

Thằng em thổ địa ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nhân một chuyến du hí đảo xa giới thiệu cho tôi tên “cầm thủ” có một không hai trên hòn đảo chơ vơ giữa biển khơi này. Khi biết tôi quá ngán ca nhạc hú hét, hắn bảo tôi thử nghe tiếng đàn khác thường này một lần xem sao.

Và “kiếm khách” Trần Phương xuất hiện trước mặt tôi. Bởi vì còn lưng đeo một thanh kiếm gỗ, còn đầu đội một cái mũ bằng… nhôm, nói đúng hơn là một cái thau nhôm móp méo được cố gắng “gò lại” cho được tròn trịa. Nói chung đây là một dị nhân hợm hĩnh nhiều hơn là một tay chơi nhạc mà tôi đã từng thấy trong đất liền.

Anh quăng cái thau nhôm ra bàn nghe cái choang kèm theo đó là tiếng “tuốt kiếm” cái roẹt. Nói là kiếm nhưng đó chỉ là một thanh gỗ dài chừng bốn tấc, thẳng băng như mới được lượm đâu đó ở các xưởng cưa.

Tôi chưa kịp ngao ngán thì anh chụp cái thau thảy lên và tròng lên đầu thanh kiếm gỗ. Tiếp theo, anh móc một sợi dây thép mỏng từ đầu bên này qua đầu trên kia thành sợi dây đàn rồi bắt đầu “từng tứng tưng” một bài vọng cổ trên phím bẹt.

Chỉ với một dây dàn thép trên một thanh gỗ phẳng lì không phím, không cung, anh chơi một loạt bài “tân cổ giao duyên” mà không cần một thứ phụ trợ nào. Mọi người có thể gõ chén, gõ bát nhịp nhàng hát theo không sai một phách nào trong khi tiếng đàn vẫn vang lên như một cây guitar chính hiệu.

Ðến mức này thì tôi hơi hoảng vì không hiểu bằng cách nào mà Phương có thể chia ô, chia cung cho cây đàn một dây này thành những cung bậc trong âm nhạc, và càng không thể tin khi những âm thanh của nó chuẩn xác đến mức như một cây đàn guitar.

Rồi cứ tự nhiên như không có ai trên cõi đời, anh chơi hết bài này đến bài khác, từ tân nhạc cho đến vọng cổ. Anh chạy ngón như một tay chơi sừng sỏ. Thật bất ngờ khi anh chỉ tập đàn theo băng đĩa nhạc và tự điều chỉnh âm thanh cho đến khi “nhuần nhuyễn” thì thôi.

Thêm một bất ngờ nữa là tay cầm thủ này cũng không hề biết chữ. Giống như một kiểu công phu trong truyện kiếm hiệp được truyền thụ qua những hình ảnh được lưu lại qua trí nhớ, mà không qua một trường lớp, thầy bà nào.

Ðể kết thúc một cuộc trình diễn, anh quăng chiếc thau nhôm xuống bàn cái choang, bật ngửa ra và mời gọi những tờ bạc ủng hộ cho một đêm lang thang của “tay kiếm tay đàn.”

Phương cười và biến mất trước khi thì thào vào tai tôi, “Em còn phải chạy show nữa. Hẹn gặp lại. Bye bye đại ca…”

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 29 tháng 3 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT