Thursday, April 25, 2024

Hẩm hiu những ‘chiến mã’ từng có giá trăm triệu

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sau sáu năm đóng cửa trường đua ngựa Phú Thọ, Sài Gòn, nghề nuôi ngựa đua ở Sài Gòn cũng đang dần biến mất. Tuy vậy, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, nơi từng được xem là nơi nuôi ngựa đua nhiều nhất ở Sài Gòn, vẫn hy vọng một ngày trường đua mở cửa trở lại.

Chỉ tay vào con ngựa đua có tên Hồng Nữ Hiệp của mình, ông Trịnh Công Thành (63 tuổi), người từng nhiều năm nuôi ngựa đua ở xã Xuân Thới Thượng, nói: “Lúc trước nó có đua và giành chiến thắng vài lần ở trường đua Phú Thọ, được người ta trả giá gần cả trăm triệu mà tôi không bán, giữ lại lại nuôi cho riêng mình. Giờ trường đua đóng cửa rồi thì nó cũng không còn được đi đua nhiều như trước nữa, thỉnh thoảng mới được cho đi đua.”

Ngựa đua dần dần vắng bóng. Số ít người giữ lại được ngựa vì đam mê với nghề và một phần cũng vì không nỡ bán ngựa đi.

Người nuôi ngựa đua vẫn phải bỏ cả chục triệu duy trì ngựa đua. (Hình: Báo Thanh Niên)

Trước đây, khi trường đua Phú Thọ còn hoạt động, nghề nuôi ngựa đua ở xã Xuân Thới Thượng rất nhộn nhịp, rất dễ bắt gặp hình ảnh người ta dẫn ngựa đi trên đường hay đang cho ngựa ăn cỏ ở cánh đồng. Thế nhưng từ khi trường đua Phú Thọ đóng cửa, việc nuôi ngựa đua ở đây cũng không còn được sôi nổi như trước.

“Hồi đó, vùng Hóc Môn (Sài Gòn) với vùng Đức Hòa (Long An) nuôi rất nhiều ngựa cả 700, 800 con. Sau khi trường đua Phú Thọ nghỉ, nhiều người đã đem ngựa bán thịt hết, giờ số lượng ngựa đua không còn như trước nữa. Những người còn giữ lại ngựa đua tới giờ này phần lớn là vì đam mê với nghề này, một phần nữa là không nỡ bán đi con ngựa mình đã chăm sóc, không để nó mất giống. Vùng Hóc Môn hồi đó vui và nhộn nhịp lắm, đua ngựa thì ai cũng muốn đua hết,” ông Thành kể với báo Thanh Niên.

“Phải nuôi và chăm sóc mất ba năm thì ngựa mới đua được. Nuôi ngựa đua kỹ lắm, phải cho ăn từ lúc đẻ ra còn bú sữa mẹ. Từ sáu tháng trở lên thì cho ăn lúa để cứng con ngựa, cho ăn cỏ sạch, tắm rửa, thuốc thang cho nó, đưa đi chạy bộ chứ không phải nuôi như ngựa cỏ. Ngựa cỏ nuôi sao cũng được nhưng ngựa đua nó khác,” ông chia sẻ.

Ông Phan Văn Tiền, cũng ở xã Xuân Thới Thượng, thì lại khác. Ông mua ngựa đua lúc trường đua Phú Thọ đã đóng cửa, bởi vì: “Mình cứ mơ là thế nào trường đua Phú Thọ cũng mở lại trong một năm, hai năm gì đó, nhưng mà nó đóng cửa hơi lâu.”

Ông Thành đóng lại móng cho con Hồng Nữ Hiệp. (Hình: Báo Thanh Niên)

Đến nay chuồng ngựa của ông có 26 con, trong đó có 15 con là ngựa đua. Mỗi tháng ông vẫn phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua lúa, cỏ và thuốc thang cho chúng. Vì đã lỡ đam mê với nghề nuôi ngựa đua nên ông không thể bỏ được. Những con ngựa đua của ông cũng thỉnh thoảng mới cho đi đua ở trường đua Đại Nam (Bình Dương).

Trong khi người nuôi hy vọng và chờ đợi trường đua ngựa được mở lại thì người nuôi cũng như số phận của những chú ngựa ở đây vẫn hết sức chông chênh.

Người nuôi ngựa phải làm thêm nhiều nghề khác như trồng trọt, nuôi gà, buôn bán… mới có thể cầm cự nuôi ngựa được. Có thể bán ngựa thịt nhưng cũng chẳng được là bao. Họ vẫn nuôi hy vọng một ngày trường đua ở Sài Gòn sẽ được mở cửa để nghề nuôi ngựa đua ở đây được trở lại thời hoàng kim của nó như trước đây. (Q.D.)

MỚI CẬP NHẬT