Thursday, March 28, 2024

Sài Gòn: Chiến dịch ‘đòi vỉa hè’ cho người đi bộ, gây tranh cãi

SÀI GÒN (NV) – Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn, bắt đầu từ Quận 1 lây lan sang các quận khác mở chiến dịch “đòi vỉa hè” cho người đi bộ bằng việc phá bỏ, tháo dỡ, các công trình lần chiếm vỉa hè,… hiện đang gây chú ý trong dư luận.

Ðiều dư luận ngạc nhiên nhiều là không những nhà cầm quyền địa phương dẹp các vị trí, cơ sở tư nhân lấn chiếm lề đường công cộng biến thành của riêng để kinh doanh, mà lại còn đập phá hết các trạm gác, cơ sở của cả công an và nhà cầm quyền địa phương “không nể nang.”

Hình ảnh, video clip “tháo dỡ” 4 vọng gác công an cùng hàng rào bằng xích tại Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam ở Quận 1 trên đường Võ Văn Kiệt Sài Gòn chiều 27 Tháng Hai là một trong những “đỉnh điểm” của chiến dịch đã kéo dài hơn một tuần qua tại địa phương.

Báo điện tử VNExpress tường thuật chuyện “tháo dỡ” này cho thấy tính cách đặc biệt của chiến dịch mà nếu không có lệnh từ trên cao xuống, không ai dám đụng chạm. Ông Ðoàn Ngọc Hải – Phó chủ tịch quận 1, cầm đầu đoàn công tác này.

VNExpress kể: Một người đàn ông lớn tuổi từ trong ngân hàng ra ngăn cản, cho rằng “vọng gác bảo vệ của ngân hàng,” không được phép tháo. Phó chủ tịch quận 1 đề nghị ông này cho biết danh tính, tư cách pháp lý để làm việc nhưng không nhận sự hợp tác. Cảnh sát sau đó đưa ông này ra ngoài vì cho là “cản trở người thi hành công vụ.”

“Các anh tháo dỡ phải báo trước cho chúng tôi, chứ không thể làm thế này. Chúng tôi chưa đồng ý, sao dám tháo dỡ,” người đàn ông nói, giọng bực tức.

Khi xe cẩu tháo dây thép, nhân viên bảo vệ tiếp tục ra chặn lại, yêu cầu phải được sự đồng ý của lãnh đạo ngân hàng. Tuy nhiên, người này cũng bị yêu cầu tránh sang một bên vì “không có phận sự.” VNEpress kể lại.

Ðược biết, 4 chốt chặn trên là của Bộ Công An thiết lập nhằm mục tiêu bảo vệ kho tiền của Ngân Hàng Nhà Nước ở địa phương. Theo VNExpress, trước đó, đoàn công tác của Quận 1 cũng phá bỏ bồn hoa trước một công ty nhà nước trên đường Nguyễn Công Trứ, lập nhiều biên bản xử phạt ô tô đậu trái phép trên vỉa hè, lề đường… Trong đó có một ô tô biển xanh, xe sang Porsche.

Tuy nhiên, theo báo Thanh Niên, đến tối 27 Tháng Hai, hàng rào xích sắt vỉa hè Ngân Hàng Nhà Nước tại phường Nguyễn Thái Bình (Q.1) đã “được cơ quan chức năng lắp lại sát sau khi được tháo dỡ vào buổi chiều. Rào được lắp sát vào trong và chừa khoảng trống rộng rãi cho người đi bộ.” Nhiều phần, do phản ứng từ phía Ngân Hàng Nhà Nước với cấp cao hơn.

Vào buổi sáng cùng ngày trước đó, đoàn công tác liên ngành của quận 3 “gồm cảnh sát, trật tự đô thị… ra quân chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Tại đường Phạm Ngọc Thạch và Võ Văn Tần, lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt 15 ô tô, trong đó có một xe biển xanh.”

Tại quận Thủ Ðức, Bình Thạnh , Phú Nhuận, Bình Tân… “lực lượng trật tự đô thị cũng tổ chức nhiều đợt ra quân dọn dẹp các tuyến đường có vỉa hè bị hàng rong, cửa hàng lấn chiếm.”

Theo nguồn tin trên, để hiện thực giấc mơ biến Quận 1 thành “Singapore thu nhỏ,” phó chủ tịch Quận 1 từng tuyên bố “không ngại đụng chạm,” “sẽ cởi áo về vườn,” nếu không thể xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường.

Chính vì vậy, thời gian gần đây, ông Ðoàn Ngọc Hải – Phó chủ tịch Quận 1 “thường xuyên dẫn lực lượng xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Các công trình của cơ quan công quyền lấn vỉa hè bị lực lượng đập bỏ. Nhiều xe biển xanh chở cán bộ thành phố đi họp, đi nhậu đêm… đậu trên vỉa hè cũng bị xử lý. Xe biển xanh 80B, 80M cũng bị cẩu về trụ sở. Các quán nhậu, nhà hàng… lấn vỉa hè cũng bị xử phạt.”

Trên các tờ Tuổi Trẻ, VNExpress, người ta thấy nhiều lời bình luận của độc giả có vẻ tán thành việc làm này.

Tuy nhiên trên mạng xã hội nhiều người bày tỏ đây là việc làm vô nguyên tắc và không coi trọng luật pháp và “muốn làm gì thì làm” theo kiểu “cướp phá.”

Cá chết nổi trắng kênh gây ô nhiễm nặng ở Đà Nẵng

Một facebooker tên Phùng Thanh Sơn viết rằng: “Mình ủng hộ việc lấy lại vỉa hè cho người dân nhưng lấy lại như cái kiểu ‘cướp phá’ có tổ chức là không ổn. Khi sử dụng quyền lực không chỉ cần đúng mục đích mà còn phải đúng cách. Người dân lấn chiếm vỉa hè thì lập biên bản xử phạt và ra quyết định cưỡng chế buộc tháo dỡ. Khi nào người dân không tự nguyện tháo dỡ thì hãy cưỡng chế. Muốn quy người dân vào tội chống đối người thi hành công vụ thì trước hết việc thực thi công vụ phải được thực hiện đúng theo trình tự luật định.”

Facebooker này nói thêm rằng: “Luật được ban hành để điều chỉnh người không có ý thức chứ không phải là người có ý thức. Vì ai cũng có ý thức thì xã hội này trở thành thiên đường rồi, đâu cần phải có pháp luật để điều chỉnh.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT